Thấy ông không vui, bà nhiều lần lựa hỏi, ông cũng chẳng buồn nói. Cho
đến ngày thứ ba, khi ông Mai, bạn thuở đi học trường làng với ông sang
chơi gạn hỏi. Sau tuần trà, ông Toan mới buột miệng:
- Cánh cán bộ, cả dân mình nữa bây giờ thiển cận, cục bộ dòng họ quá.
- Bác nói vậy là sao, anh em vẫn quý và năng thăm hỏi bác đấy thôi?
- Nhưng tôi hỏi, ông thấy ai tích cực tham gia xây dựng các công trình của xã này như tôi không?
- Vâng đúng rồi, mấy ai được như bác, tham gia xây dựng trường mầm non
này, tu sửa đình làng này, xây dựng nhà văn hóa, hội trường xã này bác
là công đầu, đóng góp hàng trăm triệu đồng ấy chứ...
- Ấy vậy mà vừa rồi bầu Trưởng ban, họ lại "co cụm" lá phiếu, đẩy mình ra... tệ, tệ quá!
- Thôi bác ơi, bác mới về hưu cứ nghỉ ngơi, tìm hiểu tình hình địa
phương cái đã..., ông bạn già nói vậy rồi lảng câu chuyện sang hướng
khác.
Tìm hiểu ra mới biết, quê hương hai ông vốn là vùng đất địa linh nhân
kiệt, có một quần thể kiến trúc cổ gồm đình chùa, miếu, nhà thủy đình,
nhiều ngôi nhà cổ... rất độc đáo, thu hút khách du lịch tham quan. Nhất
là khi các công trình văn hóa của làng, xã được tu bổ, nâng cấp, khách
về càng đông. Nguồn phí thu từ đây hằng năm tăng lên đáng kể. Nhân dân
trong xã thống nhất chủ trương phải bầu ra "Ban quản lý cụm các công
trình văn hóa xã", với thành viên hàng chục người. Ông Toan tin tưởng
mình sẽ là người được bầu giữ chân trưởng ban. Thế nhưng khi quần chúng
bỏ phiếu bầu, người trúng không phải ông Toan mà là ông giáo Thu, nguyên
hiệu trưởng "trường làng". Khi công bố kết quả bầu, tựu chung bà con
cho thế là công tâm. Ông Toan bức xúc, bà con bảo "ai cũng hiểu, mình
ông chưa chịu hiểu".
Chuyện là, trước khi về hưu, ông là người đứng đầu một cơ quan của
tỉnh. Trình độ của ông vừa phải, nhưng "năng lực" tạo phe cánh, đấu đá
của ông thì hiếm ai sánh kịp. Ðã lâu, dư luận trong và ngoài cơ quan
đánh giá ông là chuyên quyền, độc đoán và được xếp vào hàng "quan
tham"... Ðến khi thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI), mọi nghi vấn, dư
luận đối với ông lâu nay được làm rõ. Ông phải về hưu trước tuổi.
Hạ cánh an toàn, ông về quê vui thú điền viên. Ông vẫn nghĩ "sự vụ" của
ông trên tỉnh, ở quê mấy ai biết. Quả thật, lúc đầu nhiều đảng viên
trong chi bộ chưa biết. Chỉ khi mới đây ông đi vận động bầu cử cho mình
vào chân trưởng ban, thì nhiều người dân biết chuyện mới truyền tai
nhau. Bà con bàn thảo, hai ông cùng là đảng viên, ông Toan đóng góp
nhiều tiền của xây dựng quê hương, tên ông được ghi sổ, được khắc vào
bia ghi công của làng, xã. Nhưng để thay mặt nhân dân, các dòng họ trong
làng, xã thì ông chưa đủ uy tín... Ông giáo Thu là người sống liêm
khiết. Ông tuy không có nhiều tiền đóng góp xây dựng các công trình phúc
lợi nhưng là người đức độ, một đời tận tâm, tận lực cống hiến cho sự
nghiệp văn hóa, giáo dục địa phương, mới thật xứng đáng.
Qua sự việc trên, cấp ủy, chính quyền xã thêm bài học trong công tác
lãnh đạo. Dân mình sáng suốt, công tâm. Nếu luôn gắn bó với dân, biết
phát huy dân chủ, dựa vào dân để xây dựng Ðảng, trước hết sẽ lựa chọn
được những cán bộ vừa hồng, vừa chuyên gánh vác công việc của Ðảng, của
dân...