Chủ Nhật, 22/12/2024
Sinh hoạt tư tưởng
Chủ Nhật, 31/3/2013 18:9'(GMT+7)

"An phận thủ thường"

(Hình minh hoạ)

(Hình minh hoạ)

Có biết bao người quanh ta làm đủ loại công việc thổ lộ sự "biết mình" và phương châm sống của mình như thế. Nam, nữ, trung niên hay trẻ tuổi có cả. Người đời xem họ là an phận thủ thường, thiếu chí tiến thủ. Tiếc là trong bộ máy công quyền, nơi đòi hỏi trách nhiệm, năng lực thực sự ở từng vị trí, số công chức như thế khá nhiều. Không ít người từng nói thẳng rằng số người thực sự làm việc ở cơ quan, đơn vị của họ chỉ chiếm tỷ lệ một phần ba. Đó là một trong những lý do nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước hoạt động thiếu hiệu quả, chậm đổi mới, tiến bộ.

Từ những năm 70 của thế kỷ trước, có nhà văn đã sắc sảo nhận diện bộ phận công chức khôn khéo chọn cách "sống ở khoảng giữa". Thuở ấy, không khí hừng hực của công cuộc kháng chiến, những tấm gương xả thân, hy sinh vì Tổ quốc đã lôi cuốn tất cả làm xã hội ít đi những người thụ động, an phận thủ thường. Thời chúng ta bây giờ, số người tự bằng lòng, tự chọn lối sống vừa phải, chỉ lo tròn bổn phận rõ ràng càng nhiều hơn. Bây giờ, chẳng cần tiếng nói sắc sảo nào, xã hội ai cũng thấy rõ họ, nói thẳng về họ bằng từ ngữ dân gian là những người dựa dẫm, "ăn theo".


Thực tế tâm lý an nhàn, cầu an, ít cầu thị, cầu tiến vẫn tồn tại khá sâu nặng trong xã hội, đồng thời với lối ứng xử nể vì, thương người, nhân đạo và tình nghĩa, ngại đấu tranh. Trong khi đó, cơ chế quản lý kiểu bình quân, "cào bằng" của chúng ta đã trở nên  quá hiền lành với những người chậm tiến, trì trệ, hiệu quả công tác thấp. Cơ chế ấy không dễ sa thải, cắt giảm lương thưởng, hạ tầng công tác hay xử phạt họ.


Ăn theo, sống dựa có "cái lý" và "cái thú" của nó nên nhiều người vẫn tìm mọi cách lo cho con cháu vào bằng được biên chế nhà nước. Theo họ, có chân ấy là yên ổn một đời, giỏi giang, phát đạt tính sau hoặc bằng con đường quan hệ chạy chọt, hoặc chờ đợi cơ may "sống lâu lên lão làng". Chân biên chế như một nơi trú ẩn an toàn tránh đỡ mọi sóng gió cạnh tranh, đua chen như ngoài đời sống thị trường. Mấy năm qua, tình hình kinh tế đất nước khó khăn, nhiều doanh nghiệp tư nhân ngừng hoặc thu gọn hoạt động, thậm chí giải thể, lương thưởng cắt hoặc giảm, thất nghiệp nhiều trong khi công chức cứ bình chân như vại, lương lĩnh đều đều lại càng củng cố cho sự lựa chọn khôn khéo này.


Lối ứng xử xã hội cùng cơ chế "cào bằng" dung dưỡng cho lối làm việc, lối sống dựa dẫm, "ăn theo" là sự không công bằng đối với những người tích cực, có khả năng chuyên môn và tinh thần trách nhiệm. Đó là lối ứng xử và cơ chế hạn chế động lực phấn đấu của công chức. Đó cũng là lý do chính cùng với thu nhập hạn chế đã ngăn cản việc những người trẻ có tài năng bước vào cửa công đường. Tình trạng người làm tham mưu chính sách, người quản lý xã hội xa dân, xa thực tế, thiếu sáng kiến đề xuất có nguyên nhân từ sự yếu kém của công chức cũng đã quá rõ ràng.


Người Việt Nam vốn trọng "tiếng" hơn trọng "miếng", đề cao danh dự, lời khen hơn tiền bạc. Nhưng cũng đã từ lâu, cuộc sống đã tạo nên những đổi thay theo hướng thực tế hơn. Chẳng hạn người ta đã đánh giá, phê phán rằng "được tiếng khen ho hen cả đời". Người ta vốn mong muốn "Gái có công chồng chẳng phụ" và nay là "làm nhiều hưởng nhiều", "khen-chê, thưởng-phạt công minh, công bằng".


Đất nước càng đổi mới, phát triển, cuộc sống mọi mặt càng đa dạng càng đòi hỏi bộ máy nhà nước phải được tổ chức khoa học để tạo động lực cho mỗi công chức dù ở vị trí nào cũng phát huy được năng lực và trách nhiệm, giảm dần số công chức dựa dẫm, "ăn theo". Đã chín muồi cho sự đổi mới căn bản trong cơ chế, chính sách đối với công chức./.

Mạnh Hùng (QĐND)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất