Cung cấp đủ điện cho nhu cầu
Báo cáo với Đoàn đại biểu Quốc hội, Giám đốc PC Đồng Tháp Phạm Hữu Khải cho biết trong 9 tháng của đầu năm 2019, PC Đồng Tháp đã cung ứng đủ điện phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và đời sống của nhân dân trên địa bàn, đáp ứng điện cho nhu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, vụ mùa, chế biến thủy hải sản, xay xát lúa gạo, đảm bảo điện cho các sự kiện chính trị, văn hóa của địa phương. Cho đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã có 144/144 xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia, giúp cho 521.049 hộ dân có điện, đạt tỷ lệ 99,98%.
Về điện thương phẩm, PC Đồng Tháp đã đạt 1.885.387.962 kWh, tăng 13,64% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 77,27% so với kế hoạch Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) giao. Trong đó, sản lượng điện cung cấp cho các khách hàng khu, cụm công nghiệp, các khách hàng lớn tăng 10,51% so với cùng kỳ năm 2018. Sản lượng điện bán sang Campuchia qua điểm cửa khẩu quốc tế Dinh Bà đạt 8.991.300 kWh, tăng 107,71% so với năm 2018; qua cửa khẩu Thường Phước đạt 1.984.100 kWh, tăng 45,64% so với năm 2018. Tình hình cung ứng điện qua các cửa khẩu này là ổn định, đáp ứng được nhu cầu từ phía tỉnh Prâyveng. Về tỷ lệ tổn thất điện năng là 4,14%, thấp hơn kế hoạch EVNSPC giao là 0,82%, thấp hơn cùng kỳ năm 2018 là 0,3%.
Về tác đầu tư, cải tạo lưới điện và phát triển khách hàng, thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển lưới điện trung, hạ thế trên địa bàn năm 2019 theo quyết định của UBND tỉnh Đồng Tháp với tổng giá trị hơn 174,1 tỷ đồng. Tổng giá trị thực hiện đến ngày 30/9/2019 của ngành điện là 95,12 tỷ đồng.
Công tác tiết kiệm điện trên địa bàn đã được PC Đồng Tháp thực hiện thường xuyên đến từng địa bàn dân cư, trong doanh nghiệp các công sở và từng hộ dân. Nhờ đó, tổng sản lượng điện tiết kiệm được 9 tháng năm 2019 là 36.236.513 kWh, đạt 87,95% so với kế hoạch năm của Công ty (bằng 1,91% điện thương phẩm).
Riêng về chương trình lắp năng lượng mặt trời, đến nay tổng số khách hàng lắp đặt công tơ đo đếm 2 chiều là 443 với tổng công suất là 4.773,87 kWp. Sản lượng điện khách hàng bán lại cho điện lực tỉnh là 559.179 kWh.
Ngoài hoạt động sản xuất và kinh doanh, PC Đồng Tháp còn triển khai các hoạt động tri ân khách hàng, tổ chức bàn giao 8 căn nhà tình nghĩa cho các gia đình thuộc diện khó khăn, trao tặng quà cho Mẹ Việt Nam anh hùng; tổ chức sửa chữa, thay thế ổ điện, bảng điện mất an toàn, thay đèn hiệu suất thấp bằng đèn Led tiết kiệm điện và tặng quà cho 360 hộ nghèo, hộ gia đình chính sách; thực hiện chương trình “Thắp sáng đường quê” trên 5 tuyến đường nông thôn trên địa bàn.
Trong 3 tháng cuối năm 2019, PC Đồng Tháp sẽ chủ động đảm bảo cấp điện ổn định cho khách hàng trước tình hình hệ thống điện ổn định, kể cả trong những trường hợp thiên tai xẩy ra; không thực hiện điều hòa, tiết giảm điện trên phạm vi toàn tỉnh.
Giải tỏa những bức xúc của cử tri
Đại diện PC Đồng Tháp, ông Phạm Hữu Khải cho biết, qua các buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội trước kỳ họp lần thứ 8, Quốc hội khoá XIV, Công ty ghi nhận một số ý kiến liên quan đến lĩnh vực điện. Cụ thể, cử tri ấp Tân Thuận, xã Tân Hòa, huyện Lai Vung đề nghị cho đưa vào sử dụng các trạm bơm thuộc dự án trồng hoa màu của xã vì đã thi công hoàn tất hơn một năm nay để không gây lãng phí. Công trình do Ban Quản lý các công trình Nông nghiệp làm chủ đầu tư, xây dựng và bàn giao cho xã sử dụng. Vấn đề này, UBND xã đã có báo cáo trình UBND huyện Lai Vung do chưa đơn vị nào chịu đứng ra quản lý vận hành trạm bơm, mặc khác do nhân dân chưa sản xuất chuyên canh nên gây khó khăn cho công tác quản lý. Đề xuất của UBND xã là sẽ phối hợp với các ngành có liên quan để xây dựng lưới điện hạ áp để cấp điện cho các hộ trồng màu và cây ăn trái để tưới tiêu trước khi có đơn vị khác vào quản lý sử dụng các trạm bơm.
Bà Lê Thị Ngọc Nhôm (cử tri thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình) nêu, công tơ điện tử không chính xác, cụ thể hóa đơn tiền điện tháng 4/2019 vừa rồi tăng bất thường. PC Đồng Tháp đã nhận đơn phản ánh của bà Nhôm và trả lời đầy đủ theo yêu cầu của cư tri, trường hợp khách hàng không đồng ý, khách hàng có quyền đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện tại địa phương (Sở Công thương Đồng Tháp) giải quyết theo quy định của Luật Điện lực.
Tại buổi làm việc, các thành viên của Đoàn đại biểu Quốc hội nêu những vấn đề mà cử tri trên địa bàn thắc mắc, thậm chí là bức xúc liên quan đến ngành điện như điện lực thay đồng hồ định kỳ sản lượng tăng, giá điện ngày càng tăng nên tiền điện tăng cao, còn nhiều vùng lõm, vùng sâu xài điện giá cao không an toàn khi phải dùng điện cầu phụ (chia hơi), kỹ thuật lắp đặt và giá điện mặt trời sau ngày 30/6/2019, suất đầu tư về điện cho vùng nông thôn...
Ông Ngô Hồng Chiều, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Đồng Tháp, đại biểu Quốc hội cho biết, từ đầu năm đến nay, vấn đề giá điện đang được cử tri trên địa bàn tỉnh quan tâm đặc biệt, chẳng hạn giá điện bậc thang, điện ngày càng tăng giá ... Vấn đề này đều có nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan, người dân chỉ nắm được những thông tin đầy đủ. Vì vậy, ngành điện phải có trách nhiệm tiếp cận để giải thích. Về đầu tư các công trình điện, nhất là cho những khu vực đang cấp bách về điện ở vùng xa, địa bàn còn tồn tại nhiều hộ sử dụng điện chia hơi, ông Chiều yêu cầu những khúc mắc trong vấn đề giải ngân, cấp vốn ngân sách ngành điện cần sớm tháo gỡ để đẩy nhanh công trình để phục vụ người dân.
Ông Phạm Văn Hòa, Phó Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Đồng Tháp cho rằng, điện là nhu cầu không thể thiếu và bức thiết của người dân, vì thế những nổi niềm bức xúc của cửa tri đối với những trường hợp bất thường xẩy ra dễ hiểu. Ông Hòa nêu, giá điện hiện nay được tính là 6 bậc nhưng theo phản ánh của nhiều cử tri là chỉ nên thực hiện ở 4 bậc. Rất nhiều hộ dân nghèo ở vùng xa hiện nay chỉ xài dăm bảy chục kWh điện/tháng, mặc dù diện hộ nghèo được nhà nước hộ trợ miễn tiền điện 50 kWh/tháng, vì thế chỉ nên áp dụng bậc tháng từ 1-1000 kWh đễ hỗ trợ thêm cho người dân nghèo, sau bậc tháng thứ nhất tính giá dịch vụ, ai xài thêm thì trả tiền. Theo ông Hoà, mặc dù người dân Đồng Tháp hầu hết đã có điện xài, nhưng không ít hộ đang phải câu nối điện từ các hộ có công tơ, việc câu móc (chia hơi) điện không chỉ làm tăng tổn thất điện năng mà còn thiếu an toàn và nhiều khi bị trả giá cao. Hiện tại nhà nước có nguồn ngân sách để đầu tư lưới điện cho vùng lõm, vùng sâu, trong đó có Đồng Tháp. Ông Hòa yêu cầu PC Đồng Tháp sớm thực thi những dự án kéo điện lưới quốc gia để phục vụ người dân để không còn tình trạng chia hơi diện kéo dài.
Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan đánh giá cao những kết qủa và sự nỗ lực của PC Đồng Tháp trong những năm qua. Để đáp ứng tốt về điện cho nhu cầu của nền kinh tế và an sinh xã hội, ông Hoan yêu cầu ngành điện tiếp tục đổi mới, nhất là công nghệ thông tin. Mặc dù những cái mới rất dễ bị thói quen cũ của dân chúng phản ứng nhưng không thực hiện với tinh thần xả thân thì không bao giờ tiến lên được, điều quan trọng là cùng với người dân hợp tác, chia sẻ những vướng mặc để khơi thông công việc.
Thế Vĩnh