Thứ Hai, 14/10/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 31/3/2010 23:17'(GMT+7)

CPI tháng 3: Hiện rõ nguy cơ lạm phát cao

So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hoá chỉ có duy nhất nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,2% (99,80%) còn lại các nhóm đều tăng từ 0,15% đến 1,75%.

Trong đó, đứng đầu bảng tăng là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (gồm tiền thuê nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng) tăng 1,38%.

Nguyên nhân chính khiến nhóm hàng này tăng mạnh vẫn là do việc điều chỉnh tỷ giá USD/VND, lãi suất tăng cùng với nhiều mặt hàng thiết yếu đã tăng giá hồi giữa tháng 2 và đầu tháng 3. Trong đó, xăng điều chỉnh tăng giá 3,6% (ngày 21/2),  điện tăng giá thêm 6,8%,  giá than (bán cho điện) tăng đến 47% tùy loại, giá nước tạiTp.HCM tăng khoảng 50% đều áp dụng từ ngày 1/3, giá gas từ tháng 2 đến nay đã tăng tới 3 lần. Chịu áp lực tăng của giá điện giá sắt, thép cũng tăng khoảng 250 -600 nghìn đồng/tấn, xi măng cũng chịu chung tăng giá cùng với các mặt hàng khác.

Đứng thứ 2 là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,03%, trong đó tính riêng ngành hàng ăn uống ngoài gia đình và thực phẩm của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã tăng mạnh (1,75 và 1,59%).

Nhóm giao thông tăng 0,80% đứng thứ 3 trong các nhóm tăng. Nguyên nhân của mức tăng này là do nhu cầu đi lại tăng cùng với mùa lễ hội vào dịp sau Tết.

Các nhóm còn lại như giáo dục, thiết bị và đồ dùng gia đình, đồ uống và thuốc lá, thuốc và dịch vụ y tế….có mức tăng từ 0,17 % đến 0,53 %.
Chỉ số giá vàng trong tháng 3 có mức tăng 1,21%, chỉ số giá USD tăng 1,28% so với tháng trước.

Bình quân CPI  quý I năm 2010 đã tăng 7,74% so với quý I năm 2009. CPI tháng 3/2010 so với kỳ gốc 2009 tăng 8,57%.

Như vậy, CPI tháng 3 đã có mức tăng hơn mức dự báo của Bộ Tài Chính. Trong kỳ họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII,, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng, CPI tháng 3 không giảm như mọi năm có thể do ảnh hưởng của việc điều chỉnh tăng giá điện và giá than từ 1/3. Tuy nhiên việc tăng giá này không có đột biến và vẫn nằm trong tầm kiểm soát và với các giải pháp quản lý chặt chẽ của Chính phủ, CPI cả năm hoàn toàn có thể được khống chế ở mức cho phép. Theo Bộ trưởng, CPI tháng 3 được dự báo khoảng 0,5%.

Trong khi nhiều ý kiến khác lo ngại CPI tăng mạnh như năm 2008 . Bởi theo chu kỳ, CPI tháng 3 phải thấp hơn mức tăng của hai tháng đầu năm. Và để dự báo được mức lạm phát trong năm thì thường sẽ khởi đầu bằng CPI tháng 3. Mức tăng này đã cho thấy rõ hơn sự gia tăng lạm phát cao trong năm 2010.

Nhiều chuyên gia kinh tế trước đó đã đưa ra một vài kịch bản CPI khi giới đầu tư đang chờ đợi CPI tháng 3. Theo đó, mức CPI tăng từ 0,5% -0,7% thì cẩn trọng với quyết định đầu tư, nên chờ đợi sự điều chỉnh chính sách từ Nhà nước. Với mức tăng 0,75% thị trường đã rất cần sự điều chỉnh kịp thời từ Chính phủ.

Giám đốc công ty TBIC (Công ty truyền thông quốc tế và thương mại) Lưu Bá Long cho rằng, CPI gia tăng sẽ khiến các nhà đầu tư lo lắng thu mình chờ cơ hội hơn là tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh. Tuy vậy không loại trừ khả năng những "ông lớn" chớp thời cơ để thâu tóm thị trường, khi chứng khoán, vàng, bất động sản đang có xu hướng giảm. Và như vậy, việc điều chỉnh thị trường sẽ rất khó khăn.

Theo Luật sư Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Hội Luật gia Hà Nội, với xu hướng lãi suất tăng cao sẽ tác động tới giá nhiều mặt hàng và các dịch vụ do vậy CPI trong những tháng tới sẽ khó giảm nếu không có sự điều chỉnh trong chính sách tiền tệ và các chính sách kiềm chế lạm phát gia tăng khác./.

Khổng Nhung - VnMedia

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất