Báo cáo lưu ý rằng trẻ nhỏ được bú sữa mẹ trong giờ đầu tiên sau khi sinh có nhiều khả năng sống sót hơn. Sự chậm trễ, thậm chí chỉ vài giờ sau khi sinh mới cho trẻ bú có thể gây ra những hậu quả đe dọa tính mạng của trẻ. Tiếp xúc da kề da cùng với việc trẻ bú sẽ kích thích người mẹ tăng tiết sữa, bao gồm sữa non, đây còn được gọi là ‘vắc xin đầu tiên’ của trẻ, rất giàu chất dinh dưỡng và kháng thể.
“Khi bắt đầu cho con bú, thời điểm quyết định tất cả. Ở nhiều quốc gia, thời điểm bắt đầu cho trẻ bú thậm chí có thể là vấn đề sống còn”, Bà Henrietta H. Fore, Giám đốc điều hành UNICEF phát biểu. “Tuy nhiên, mỗi năm, hàng triệu trẻ nhỏ bị lỡ mất những lợi ích của việc cho con bú sớm vì những lý do có thể thay đổi được. Chỉ đơn giản là do các bà mẹ không được hỗ trợ đầy đủ để cho con bú ngay từ những phút quan trọng sau khi sinh, thậm chí là sự hỗ trợ từ các nhân viên y tế tại cơ sở y tế”.
Báo cáo cho biết tỷ lệ cho con bú trong vòng một giờ sau sinh cao nhất ở Đông và Nam Phi (65%) và thấp nhất ở Đông Á và Thái Bình Dương (32%). Cứ 10 em bé sinh ra ở Burundi, Sri Lanka và Vanuatu thì có gần 9 em được bú sữa mẹ trong vòng một giờ đầu tiên. Ngược lại, chỉ có hai trong số 10 em bé sinh ra ở Azerbaijan, Chad và Montenegro được như vậy.*
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO cho biết: “Nuôi con bằng sữa mẹ giúp trẻ có được sự khởi đầu tốt nhất có thể trong cuộc sống. Chúng ta phải khẩn trương nhân rộng những hỗ trợ cho các bà mẹ - có thể là từ các thành viên trong gia đình, các nhân viên y tế, các nhà tuyển dụng và các chính phủ, để họ có thể mang lại cho con mình sự khởi đầu mà trẻ xứng đáng có được”.
Báo cáo cũng trích nguồn từ những nghiên cứu trước đây cho thấy trẻ nhỏ được bắt đầu bú mẹ trong vòng từ 2 - 23 giờ sau khi sinh có nguy cơ tử vong cao hơn 33% so với những trẻ được bắt đầu bú mẹ trong vòng một giờ đầu sau sinh. Với những trẻ được bắt đầu cho bú mẹ muộn sau một ngày, hoặc lâu hơn nữa thì nguy cơ cao gấp 2 lần.
Theo báo cáo này, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ trẻ được bú mẹ trong một giờ đầu sau sinh giảm nhiều nhất trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2013. Tỷ lệ trẻ được bú mẹ sớm ở Việt Nam giảm từ 44% năm 2006 xuống còn 27% trong năm 2013.
Nhận thấy tỉ lệ cho bú sớm có xu hướng giảm, từ năm 2014, Bộ Y tế Việt Nam đã tiến hành các nỗ lực nhằm cải thiện tình hình, bao gồm việc ban hành và thực hiện Hướng dẫn Quốc gia về chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ và và Tiêu chí Chất lượng Bệnh viện về việc thực hành cho trẻ bú mẹ sớm ngay sau khi sinh, với sự hỗ trợ kỹ thuật của WHO và UNICEF. Quy định này nhấn mạnh việc tiếp xúc trực tiếp da kề da ngay sau khi sinh và hỗ trợ việc cho trẻ bú ngay trong vòng một giờ sau sinh. Các nhân viên y tế ở tất cả các tỉnh thành đã được tập huấn và các hoạt động giám sát được tiến hành nhằm đảm bảo việc thực hiện đầy đủ quy định này.
Kết quả bước đầu đã cho thấy có sự cải thiện đáng kể, thể hiện ở việc đảo ngược xu hướng cho trẻ bú sớm. Theo báo cáo đánh giá công tác chăm sóc sơ sinh sớm thiết yếu của khu vực Tây Thái Bình Dương năm 2016-2017, tại Việt Nam, 73% trẻ mới sinh được cho bú sớm trong vòng một giờ đầu sau sinh. Những thành tựu bước đầu này đã được WHO và UNICEF ghi nhận tại Hội nghị khu vực về đẩy nhanh các tiến bộ trong chăm sóc sơ sinh sớm thiết yếu được tổ chức vào tháng 8 năm 2017.
WHO và UNICEF khuyến khích các bên có liên quan ở Việt Nam bao gồm các nhà hoạch định chinh sách, các nhân viên y tế, cha mẹ, người chăm sóc trẻ tiếp tục nỗ lực và có những hành động mạnh mẽ nhằm đảo bảo trẻ nhỏ được bú sữa mẹ trong vòng một giờ đầu ngay sau sinh và được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong sáu tháng đầu đời./.
Nguyễn Tùng