Thứ Năm, 3/10/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 7/7/2012 23:14'(GMT+7)

Cu-ba nỗ lực thúc đẩy kinh tế tư nhân

Người dân Cu-ba xếp hàng vào Ngân hàng Metropolitan ở La Ha-ba-na tìm hiểu thông tin vay tiền. (Ảnh: VietnamPlus)

Người dân Cu-ba xếp hàng vào Ngân hàng Metropolitan ở La Ha-ba-na tìm hiểu thông tin vay tiền. (Ảnh: VietnamPlus)

Bài viết dài tập trung vào việc thành lập tỉnh phía tây Artemisa, một dự án thí điểm của công cuộc cải cách chính quyền địa phương và quản lý kinh tế nhà nước dưới thời Chủ tịch Ra-un Ca-xtơ-rô (Raul Castro). Năm 2010, tỉnh Havana được chia ra làm hai bao gồm Artemisa và Mayabeque và chính phủ tuyên bố thí điểm dự án phát triển kinh tế tư nhân, trong đó có cơ chế "nhà thầu phụ".

“Một trong những lợi ích quan trọng nhất của cơ chế này (thầu phụ) là tốc độ và chất lượng công việc được đẩy nhanh và bảo đảm”, Mi-ghen A. Ki-ha-nô (Miguel A. Quijano), một quan chức phụ trách phát triển kinh tế của Artemisa nói. Granma cho biết, nhà thầu phụ phụ trách việc xây dựng sân, nhà ở và văn phòng mới cho công chức với kết quả rất “ấn tượng”. Ngoài ra, các doanh nghiệp tư nhân nhỏ khác cũng góp sức khá nhiều trong việc xây dựng Artemisa, như cung cấp lương thực và các dịch vụ hỗ trợ cho người dân.

Liên tiếp thời gian gần đây, Cu-ba đã có những bước đi mạnh bạo trong chính sách phát triển kinh tế nội địa, như hợp pháp hóa việc mua bán bất động sản, xe cộ và đặc biệt là mở rộng kinh tế tư nhân. Ngày 2-7, Bộ Lao động và An sinh xã hội Cu-ba thông báo, từ đầu năm đến nay đã có thêm 25.000 người được cấp giấy phép kinh doanh cá thể, đưa tổng số người tham gia thành phần kinh tế tự doanh tại quốc đảo Ca-ri-bê này lên 387.275 người sau hơn 18 tháng triển khai các chính sách khuyến khích mở rộng kinh tế tư nhân. Các ngành nghề thu hút sự tham gia của phần lớn những người kinh doanh cá thể bao gồm dịch vụ ăn uống, vận chuyển hàng hóa và hành khách, cho thuê nhà và bán hàng rong. Thống kê chính thức cho thấy, 68% trong số những đối tượng được cấp phép kinh doanh cá thể trước đây không có việc làm, trong khi khoảng 15% là những người về hưu hoặc trong diện giảm biên chế.

Trong kế hoạch triển khai các biện pháp cập nhật mô hình kinh tế, chính phủ Cu-ba hy vọng sẽ tiếp tục mở rộng thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, từng bước tái cơ cấu lực lượng lao động trong các cơ quan, xí nghiệp nhà nước. Thời gian gần đây, Cu-ba cũng thường xuyên mở các lớp tập huấn tại nhiều địa phương về an toàn thực phẩm, pháp lý và chính sách thuế giúp cho những người tham gia thành phần kinh tế tự doanh, qua đó nâng cao hiệu quả và kỷ cương trong lĩnh vực kinh tế mới mẻ đối với người dân ở quốc đảo này.

Hồi tháng 6, Tòa án Nhân dân Tối cao Cu-ba (TSP) cho biết nước này đang xem xét việc thay đổi luật lao động để mở rộng quyền lợi đối với lực lượng lao động đang gia tăng trong lĩnh vực tư nhân tại Cu-ba. Chủ tịch Viện Lao động của TSP, V. A-ghi-la (V. Aguilar) cho biết, bất kể sự thay đổi nào về Bộ luật Lao động, thông qua từ năm 1984, đều phải hướng tới lợi ích cho hàng nghìn người lao động mới trong lĩnh vực tư nhân. Quyền lao động đối với lao động trong lĩnh vực công cũng sẽ được áp dụng cho lao động làm việc trong lĩnh vực tư, bao gồm quyền được trả lương phù hợp về khối lượng và chất lượng công việc, bảo đảm về ngày nghỉ và phúc lợi xã hội. Chủ tịch A-ghi-la nhấn mạnh, hệ thống luật pháp Cu-ba là công cụ cần thiết để bảo đảm sự bảo vệ đầy đủ cho những người lao động đang làm việc trong lĩnh vực tư nhân.

Theo thống kê của Bộ Lao động và An ninh xã hội, hiện Cu-ba có gần 400.000 người Cu-ba làm việc trong lĩnh vực tư nhân về xây dựng. Nhà chức trách hy vọng rằng, con số này sẽ tăng lên đến 600.000 người vào cuối năm 2012. Với mục tiêu hiện đại hóa nền kinh tế, đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân, các nhà lãnh đạo Cu-ba hy vọng lĩnh vực này sẽ đóng góp khoảng 50% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này.

Tại Đại hội VI hồi cuối tháng 4 năm ngoái, Đảng Cộng sản Cu-ba đã thông qua văn kiện Đường lối chính sách kinh tế xã hội của Đảng và Cách mạng, là lộ trình cập nhật hóa mô hình kinh tế của Cu-ba trong tương lai, trong đó có việc mở rộng mô hình kinh tế tự doanh, cắt giảm đáng kể lực lượng lao động dôi dư trong khu vực nhà nước, cắt giảm bao cấp, thực hiện chính sách thu thuế mới và từng bước dỡ bỏ việc sử dụng đồng tiền kép. Một loạt những quyết sách quan trọng mà Chính phủ Cu-ba đưa vào triển khai thực hiện sau đó đã đem lại những hiệu quả nhất định, đời sống của người dân Cu-ba đang dần được cải thiện cho dù vẫn còn nhiều khó khăn. Kết thúc năm 2011, bất chấp những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế tại nhiều nơi trên thế giới, nền kinh tế Cu-ba đã đạt mức tăng trưởng 2,7%. Theo số liệu của Cơ quan thống kê quốc gia Cu-ba ngày 4-6, thu nhập trung bình hằng tháng của người dân quốc đảo này đã tăng 17% trong năm năm qua.

Việc thực hiện cập nhật mô hình kinh tế của Cu-ba cũng đã thu hút các doanh nghiệp tư nhân, tạo cơ hội phát triển không chỉ đối với các công ty khai thác mỏ và năng lượng mà cả các ngân hàng cung cấp tài chính ở nước ngoài. Ba ngân hàng lớn của Ca-na-đa là Ngân hàng Hoàng gia Ca-na-đa (RBC), Ngân hàng quốc gia Ca-na-đa (NBC) và Ngân hàng Nova Scotia đang xây dựng các mối quan hệ với Cu-ba. Mới đây, Ngân hàng Nova Scotia đã nộp đơn xin thành lập một văn phòng đại diện tại Thủ đô La Ha-ba-na...

Trở lại với các hợp đồng thầu phụ được ký kết trong việc xây dựng và phát triển tỉnh Artemisa, Phin Pi-tơ (Phil Peters), một chuyên gia về Cu-ba ở Viện Lexington có trụ sở tại Vơ-gi-ni-a (Mỹ) nhận xét rằng, “chỉ một vài năm trước đây những hợp đồng thế này là điều không thể tưởng tượng được và những giao dịch kiểu đó được coi là bất hợp pháp”. “Tuy nhiên, những bước đi mạnh bạo như thời gian vừa qua là một trong nhiều tín hiệu cho thấy rằng, Chính phủ Cu-ba đang thực sự mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân trong nỗ lực xây dựng hình ảnh mới mẻ cho Cu-ba”, Pi-tơ nói./.

(Theo: Ngọc Hà/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất