Thứ Ba, 24/9/2024
Diễn đàn
Thứ Tư, 20/7/2011 22:40'(GMT+7)

Cử tri bày tỏ nhiều mong đợi ở Quốc hội khóa mới

Tổng hợp từ 389.727 ý kiến phát biểu của cử tri tại 123.276 hội nghị tiếp xúc , Báo cáo ghi nhận nhiều kiến nghị của nhân dân với Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ, các cơ quan Nhà nước hữu quan và chính quyền địa phương các cấp.

Còn nhiều băn khoăn, lo lắng

Cử tri và nhân dân còn nhiều băn khoăn, lo lắng về sự phát triển chưa vững chắc của nền kinh tế; việc quản lý đất đai, khai thác tài nguyên khoáng sản có nhiều bất cập; nhiều ngành kinh tế lệ thuộc vào nước ngoài về công nghệ và nguyên, nhiên liệu; lạm phát, giá cả tiếp tục tăng cao ảnh hưởng bất lợi đến đời sống của nhân dân và sự phát triển kinh tế-xã hội; chênh lệch giàu nghèo gia tăng; tình trạng ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông, tội phạm, tệ nạn xã hội không giảm; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân chưa tốt; cải cách thủ tục hành chính còn chậm, tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi.

Cử tri và nhân dân rất bất bình với việc gần đây một số tàu của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền của nước ta, gây ảnh hưởng không tốt đến mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.

Mong muốn Quốc hội sáng suốt lựa chọn những người có đức, có tài

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét để bầu hoặc phê chuẩn các chức vụ trong các cơ quan Nhà nước ở Trung ương. Đông đảo cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, sáng suốt lựa chọn những người có đức, có tài, thực sự tiêu biểu để đảm nhiệm những chức vụ trong bộ máy Nhà nước ở Trung ương, đồng thời mong muốn những người được Quốc hội bầu hoặc được phê chuẩn cần có chương trình hành động gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để theo dõi, giám sát.

Cử tri và nhân dân cả nước mong muốn và kiến nghị Quốc hội khóa XIII tiếp tục đổi mới về tổ chức, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động, thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội.

Về lập hiến và lập pháp, Quốc hội cần phát huy trí tuệ, năng lực của các đại biểu Quốc hội để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác lập hiến, lập pháp; khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và xây dựng các đạo luật quan trọng khác để kịp thời thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng và thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế; tăng cường tính phản biện trong quá trình thảo luận, thông qua dự án luật; nội dung văn bản pháp luật cần cụ thể, sát thực tế, khắc phục tình trạng luật đã có hiệu lực thi hành nhưng phải chờ văn bản hướng dẫn, làm cho luật chậm đi vào cuộc sống.

Cử tri mong muốn việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước cần đáp ứng đúng yêu cầu của thực tiễn, vì lợi ích của quốc gia, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với khả năng thực tế của đất nước nhằm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững; tránh tình trạng quyết định không sát thực tế, gây lãng phí tiền của, công sức của nhân dân.

Cử tri cũng yêu cầu tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội; quan tâm giám sát các lĩnh vực mà nhân dân có nhiều ý kiến bức xúc, nhất là trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, nợ công và chi tiêu công, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân... Cần nâng cao chất lượng giám sát tại các kỳ họp của Quốc hội. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn cần tập trung vào những vấn đề bức xúc, cử tri quan tâm, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc tiếp thu, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân và các đại biểu Quốc hội.

Đối với đại biểu Quốc hội, cử tri đánh giá nhiệm kỳ khoá XII, hầu hết đại biểu Quốc hội làm tốt vai trò người đại biểu nhân dân hoạt động trong cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Tuy nhiên cử tri cũng thẳng thắn đánh giá còn một số đại biểu chưa thực hiện tốt lời hứa với cử tri và nhân dân; chưa thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe, phản ảnh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân với Quốc hội và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; còn nhiều hạn chế trong việc tham gia vào các hoạt động của Quốc hội.

Cử tri và nhân dân kiến nghị các đại biểu Quốc hội khoá XIII thực hiện tốt chương trình hành động của mình đã báo cáo trước cử tri trong các cuộc tiếp xúc vận động bầu cử vừa qua; thường xuyên giữ mối liên hệ và dành nhiều thời gian tiếp dân, tiếp xúc với cử tri và nhân dân để tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; mong muốn đại biểu Quốc hội dành nhiều thời gian, tâm trí vào hoạt động giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của các cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước, nhất là giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân; mỗi đại biểu Quốc hội nêu gương trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có bản lĩnh và dũng khí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; luôn gương mẫu trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Đối với Chủ tịch nước, cử tri và nhân dân cả nước kiến nghị Quốc hội cụ thể hoá hơn nữa các quy định của chế định Chủ tịch nước trong Hiến pháp để Chủ tịch nước thực sự phát huy vai trò rất quan trọng trong bộ máy Nhà nước ở Trung ương.

Đối với Chính phủ, cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ nhiệm kỳ này phát huy những thành tựu đã đạt được, tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình và quan tâm hơn nữa đến các vấn đề sau:

- Trong công tác xây dựng pháp luật, kiến nghị Chính phủ cần chuẩn bị tốt hơn các dự án luật, tránh tình trạng phải điều chỉnh nhiều lần; tập trung nghiên cứu đề xuất sửa đổi những đạo luật đang có nhiều bất cập ảnh hưởng đến đông đảo các tầng lớp nhân dân và sự phát triển đất nước như Luật đất đai, Luật khiếu nại, tố cáo…; khắc phục tình trạng chậm ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn để đưa luật, pháp lệnh vào cuộc sống.

- Về công tác chỉ đạo, quản lý và điều hành phát triển kinh tế, Chính phủ cần tập trung lãnh đạo chỉ đạo ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiềm chế lạm phát, giảm đà tăng giá như hiện nay đang ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân và sản xuất của doanh nghiệp, đồng thời duy trì tăng trưởng và nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, bảo đảm nền kinh tế nước ta luôn phát triển nhanh, bền vững.

- Quan tâm thoả đáng hơn đến phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường; phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; chính sách với người có công; tiếp tục chăm lo an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

- Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước các cấp; quan tâm hơn nữa về chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở và đấu tranh có hiệu quả với tệ nạn tham nhũng, lãng phí.

- Chỉ đạo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý và coi trọng giải quyết khiếu nại tố cáo từ cơ sở; phối hợp tốt hơn giữa các cấp các ngành và tăng cường đối thoại với người khiếu nại, tố cáo để có thể xử lý dứt điểm các vụ việc, nhất là những vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài.

Đối với Tòa án nhân dân tối cao, cử tri và nhân dân kiến nghị ngành Tòa án trong nhiệm kỳ này cần quan tâm đến các vấn đề:

- Khắc phục tình trạng kết án oan, sai; việc vi phạm thời hạn xét xử; nâng cao chất lượng xét xử, hạn chế đến mức thấp nhất các bản án bị hủy, cải sửa do lỗi của thẩm phán; tập trung giải quyết nhanh và dứt điểm các vụ án hình sự và các tranh chấp, yêu cầu về dân sự nổi cộm, gây bức xúc; chú trọng và làm tốt công tác hòa giải trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự; nâng cao hiệu quả công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo về tư pháp, đặc biệt là các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

- Xây dựng đội ngũ thẩm phán có phẩm chất đạo đức tốt, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ và có ý thức phục vụ nhân dân; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ để phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức ngành Tòa án vi phạm phẩm chất đạo đức, kỷ luật công vụ và vi phạm pháp luật.

Đối với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cử tri và nhân dân kiến nghị ngành Kiểm sát trong nhiệm kỳ này cần quan tâm đến các vấn đề:

- Kiểm sát chặt chẽ việc khởi tố vụ án; khắc phục việc khởi tố, truy tố oan người vô tội; tăng cường trách nhiệm trong kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; gắn công tố với điều tra, nhằm hạn chế bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội; tích cực kiểm sát bản án, quyết định giải quyết các vụ, việc dân sự của Tòa án; tăng cường công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, kiểm sát thi hành án và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

- Cần quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, tăng cường giáo dục bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ Kiểm sát; xử lý nghiêm những cán bộ, Kiểm sát viên vi phạm đạo đức, lối sống và kỷ luật nghiệp vụ, đặc biệt là những cán bộ, Kiểm sát viên vi phạm pháp luật.

Cử tri và nhân dân cả nước cũng bày tỏ phấn khởi trước kết quả của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và những thành tựu của đất nước sau 25 năm đổi mới: kinh tế tiếp tục phát triển; xã hội ổn định, đời sống của đại đa số các tầng lớp nhân dân được cải thiện; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại được mở rộng và tăng cường, vị thế của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao. Quyền làm chủ của nhân dân được phát huy; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Nhân dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước.

Cử tri và nhân dân cả nước kiến nghị trong thời gian tới Đảng và Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh với đội ngũ cán bộ, công chức tận tuỵ, trách nhiệm, gương mẫu, trong sạch, nói đi đôi với làm; phát huy dân chủ và tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển kinh tế nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị-xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại; bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất