Cục Y tế dự phòng khuyến cáo cả người lớn và trẻ em phải rửa tay thường
xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt
trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hay cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm
trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Ngày 27/4, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Hiện nay đã xuất hiện một số trường hợp trẻ mắc bệnh tay chân miệng. Trước thực trạng đó, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo cả người lớn và trẻ em phải rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hay cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Người dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
Đặc biệt, trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác. Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác
Cục Y tế dự phòng cho biết: Bệnh tay chân miệng là một bệnh do vi rút gây nên, thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, đau miệng; loét miệng với vết loét đỏ hay phỏng nước ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi; phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm não- màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời.
* Bên cạnh đó, để phòng chống bệnh sởi lây lan trong cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo: Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và ngày 1/5/2014, người có các triệu chứng viêm đường hô hấp hoặc nghi ngờ mắc sởi như sốt, ho, khó thở, phát ban không nên đi du lịch hoặc đến nơi tập trung đông người. Trong quá trình đi du lịch, nếu có các triệu chứng nghi ngờ mắc sởi như sốt, ho, phát ban, đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời và hạn chế tiếp xúc với người khác để tránh lây lan.
Các gia đình chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin sởi hoặc trẻ từ 9 tháng đến 10 tuổi theo ở những nơi có nguy cơ cao đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Không nên đưa trẻ chưa được tiêm vắc xin sởi đến những nơi tập trung đông người như khu vui chơi, giải trí để tránh bị nhiễm sởi; tăng cường dinh dưỡng cho trẻ, thường xuyên vệ sinh răng miệng, mũi, họng, mắt và thân thể cho trẻ; rửa tay với xà phòng khi chăm sóc trẻ; giữ nhà ở, nhà vệ sinh sạch sẽ./.
Theo TTXVN