Thứ Ba, 24/9/2024
Sức khỏe
Thứ Bảy, 26/4/2014 20:47'(GMT+7)

Nỗ lực dập dịch sởi

Được Sở Y tế Hà Nội giao cho nhiệm vụ là nơi điều trị đầu ngành về bệnh t ruyền nhiễm của thành phố, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa là một trong số các cơ sở y tế tiếp nhận bệnh nhân sởi nhiều nhất trên địa bàn. Tiến sĩ Lê Hưng, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Khoa Truyền nhiễm của bệnh viện có 50 giường bệnh, là nơi tiếp nhận và điều trị cho người bệnh mắc các bệnh truyền nhiễm đến khám tại bệnh viện hoặc tuyến dưới chuyển đến. Từ đầu tháng 4 đến nay, số lượng bệnh nhân sởi nằm điều trị tại khoa Truyền nhiễm thường xuyên trên 50 ca, cao nhất có ngày số bệnh nhân lên đến 103 ca.

Để đối phó với dịch bệnh ngày một diễn biến phức tạp, số bệnh nhân mắc bệnh ngày càng cao, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch trực tiếp điều hành, triển khai, kiểm tra công tác chống dịch. Bệnh viện cũng thành lập 3 tổ điều trị, 2 đội cấp cứu cơ động chống dịch sẵn sàng cho công tác khám, điều trị bệnh dịch và hỗ trợ bệnh viện tuyến trước.

Trong những ngày gần đây, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại khoa Truyền nhiễm của bệnh viện ngày càng đông. Để đáp ứng chất lượng phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh, khoa Truyền nhiễm đã thu gọn hầu hết các phòng nhân viên để làm buồng bệnh, kê thêm giường, cố gắng đảm bảo cho mỗi người bệnh 1 giường; phòng bệnh thông thoáng, sạch sẽ. Ngoài ra, khoa Truyền nhiễm còn bố trí độc lập và cách ly phòng khám bệnh sởi riêng với điều trị nội trú để tiếp nhận các trường hợp sốt phát ban dạng sởi. Khi người bệnh đến khám, dựa vào chẩn đoán là sởi thì sẽ được phân loại theo mức độ nhẹ có thể điều trị ngoại trú hoặc nặng thì buộc phải điều trị nội trú. Nếu điều trị nội trú, người bệnh được chuyển ngay lên khoa Truyền nhiễm, các thủ tục hành chính sẽ được nhân viên y tế hỗ trợ, hạn chế người bệnh đi lại nhiều các khu vực khác trong bệnh viện, tránh lây lan. Các phòng, ban, khoa khác trong bệnh viện cũng phải chung sức, thường xuyên cập nhật thông tin tình hình dịch, tăng cường công tác khám, điều trị, phát hiện sớm ca bệnh truyền nhiễm để cách ly; sẵn sàng hỗ trợ khoa Truyền nhiễm khi cần thiết.

Theo đánh giá, từ công tác tổ chức, chỉ đạo đến công tác chuyên môn, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa đã thực hiện tốt các khâu đối phó, phòng chống và điều trị bệnh nhân mắc sởi nên đến thời điểm này, tại bệnh viện, chưa có một ca bệnh nào tử vong.

B ệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận 2.199 người bệnh đến khám và điều trị 1.562 bệnh nhân nhi . Đ ây là cơ sở y tế tiếp nhận nhiều nhất các ca bệnh trực tiếp đến khám , đồng thời cũng là điểm tiếp nhận cuối của các bệnh viện tuyến dưới chuyển lên. Đến nay, 116 bệnh nhi đã tử vong do sởi và các bệnh liên quan đến sởi tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Số trẻ tử vong trực tiếp do sởi gây ra và biến chứng là 25, số trẻ còn lại do mắc các bệnh khác, cơ thể yếu, không thể miễn dịch vì chống chỉ định tiêm vắc xin.

Để tránh tình trạng lây chéo, Bệnh viện Nhi Trung ương đã bố trí thêm nhiều giường bệnh để người bệnh không phải nằm chung, nằm ghép. Qua đó, giảm dần và chấm dứt tình trạng lây chéo trong bệnh viện. Ngoài ra, bệnh viện còn thực hiện tốt công tác nhiễm khuẩn bệnh viện; tổ chức tiêm chủng triệt để cho các bệnh nhi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều phòng dịch sởi.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Tình hình bệnh dịch đã chững lại, không phát sinh ca mắc mới, nhưng diễn biến ngày càng phức tạp. Số lượng bệnh nhi đến khám, điều trị bệnh ngày càng đông, ngoài việc làm tốt công tác tổ chức, chuyên môn, các bác sĩ đang cố gắng từng ngày. Các cán bộ, nhân viên, y, bác sĩ không chỉ riêng khoa Truyền nhiễm mà cả toàn bệnh viện đã làm việc vượt 200% công suất, thậm chí còn vượt 300% công suất so với ngày thường để công tác phòng, chống và điều trị bệnh nhân sởi được đảm bảo. Bệnh viện Nhi Trung ương phấn đấu dập tắt dịch sởi trong thời gian ngắn nhất.

Kết thúc buổi kiểm tra, giám sát tại hai tuyến bệnh viện Trung ương và thành phố, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng: Công tác phòng, chống, điều trị bệnh nhân dịch sởi là công việc cấp bách. "Chiến đấu" với bệnh dịch là một công việc gian nan, vất vả. Sự chững lại của bệnh dịch chứng tỏ dấu hiệu thành công của việc đẩy lùi dịch bệnh nhưng không vì thế mà chủ quan. Các cán bộ, nhân viên ngành y tế cần xem đây là một cuộc chiến thật sự. Các bệnh viện cần đẩy mạnh công tác chỉ đạo, giám sát nhân viên y tế thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh. Ngoài ra, cần có những chế độ khen thưởng đối với những cán bộ làm việc nghiêm túc, cống hiến vì người bệnh, đau nỗi đau của người bệnh. Bên cạnh đó, đối với những cán bộ lơ là, thiếu trách nhiệm cần phải xử lý nghiêm khắc.

Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh: Dịch bệnh chuyển biến ngày càng phức tạp điều đó khiến cho công tác điều trị bệnh nhân sởi gặp không ít khó khăn. Song, để dập triệt để dịch bệnh, Hà Nội sẽ không tiếc sức người, sức của, "chiến đấu" với dịch bệnh đến cùng.

* Tỉnh Cao Bằng phát hiện trường hợp đầu tiên nghi mắc bệnh sởi vào ngày 18/4, nhưng đến 25/4, số người nghi mắc bệnh sởi đã tăng lên 27 trường hợp.

Sở Y tế tỉnh Cao Bằng cho biết, tất cả các trường hợp nghi mắc sởi đều được điều trị kịp thời, chưa có trường hợp nào bị nguy hiểm đến tính mạng. Một số bệnh nhân đã trở lại bình thường và không còn dấu hiệu của bệnh sởi. Ngành y tế Cao Bằng đã triển khai các biện pháp khẩn cấp để phòng chống bệnh sởi, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân nâng cao ý thức phòng chống bệnh sởi; hạn chế đưa trẻ đến những nơi đông người, không đảm bảo vệ sinh, hạn chế đi du lịch trong kỳ nghỉ 30/4 - 1/5, để tránh lây lan từ các tỉnh, thành phố đang có dịch./.

Theo TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất