Các chuyên gia y tế cho rằng, khả năng bùng phát thành dịch tại TP Hồ Chí Minh rất khó xảy ra nếu công tác phát hiện, phòng ngừa tốt.
Liên tiếp trong tháng 6/2018, 2 chùm ca bệnh cúm A/H1N1 xuất hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Từ Dũ khiến nhiều người dân lo lắng về sự bùng phát trở lại của dịch bệnh này tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng, khả năng bùng phát thành dịch rất khó xảy ra nếu công tác phát hiện, phòng ngừa tốt.
* Hoang mang vì cúm bùng phát
Trước thông tin dịch bệnh cúm A/H1N1 xuất hiện tại một số nơi, đặc biệt là chùm ca bệnh 28 người mắc tại Bệnh viện Từ Dũ, vợ chồng anh Phan Hải Phong, ngụ quận Tân Bình (Thành phố Hồ Chí Minh) quyết định đưa cả nhà đi chích ngừa cúm. Anh Phong cho biết: Nhà có con nhỏ, sức đề kháng yếu, nhỡ chẳng may trong nhà có người mắc cúm sẽ lây cho con thì khổ, do đó cứ chích ngừa cho chắc ăn.
Đoàn kiểm tra Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh kiểm tra công tác vệ sinh, khử khuẩn tại khoa Nội soi - Bệnh viện Từ Dũ. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
Thông tin từ Trung tâm tiêm chủng vắc-xin VNVC, trong tháng 6/2018, số lượng người dân đến chích ngừa vắc-xin cúm tăng lên khá cao, trung bình mỗi ngày có 100-200 bệnh nhân.
Tại các điểm tiêm chủng khác như Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, số lượng người đến chích ngừa cúm cũng tăng.
Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, mới đây một chùm ca bệnh cúm A/H1N1 cũng được phát hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy với 24 người có biểu hiện nghi cúm. Kết quả xét nghiệm sinh học phân tử (PCR) cho thấy có 12 người dương tính với cúm A/H1N1 khiến cho người dân càng lo lắng.
Đặc biệt đã có 2 trường hợp tử vong nghi do cúm khiến nhiều người lo ngại về khả năng dịch cúm A/H1N1 sẽ bùng phát, tương tự như đại dịch cúm A/H1N1 năm 2009 mà Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng. Đang mang thai ở tháng thứ 5, chị Nguyễn Thị Mai, ngụ Quận 12 vô cùng lo lắng trước thông tin cúm xuất hiện.
Chị Mai cho biết: “Bà bầu như chúng tôi rất dễ bị cúm, giờ thấy cúm bùng phát như vậy nên không dám đi ra đường, sợ bị lây bệnh. Ngay cả Bệnh viện phụ sản cũng có ổ bệnh cúm thì tôi cũng không dám đến đó thăm khám luôn”.
Nói về sự xuất hiện của các chùm ca bệnh cúm A/H1N1, Tiến sỹ, bác sỹ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, thời điểm bắt đầu mùa mưa cũng là đỉnh điểm của bệnh cúm, do đó việc xuất hiện các chùm ca bệnh cúm là điều dễ hiểu. Mỗi năm tại Việt Nam có trên 1 triệu người mắc cúm. Điều này có thể hiểu, cúm A/H1N1 là một loại cúm thông thường.
Hơn 20 năm làm việc trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm, bác sỹ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, không có gì bất thường khi phát hiện 2 chùm ca bệnh cúm tại các bệnh viện, bởi lẽ bệnh viện là nơi đông người, vi-rút cúm phát tán nhanh nên mức độ lây lan rộng.
Tuy nhiên, điều này cũng đã chứng minh tính chủ động phát hiện, phòng ngừa của các bệnh viện hiện nay khá tốt. Vì vậy, vấn đề là phát hiện, khoanh vùng và ngăn chặn sớm để nó không trở thành ổ bệnh lây lan cho cộng đồng.
* Không nên quá lo lắng
Bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 nguy kịch đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Đinh Hằng – TTXVN
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2018, các ca bệnh cúm A/H1N1 có sự gia tăng hơn các năm trước, nguyên nhân là do tỷ lệ tiêm ngừa thấp. Hiện tỷ lệ tiêm ngừa cúm của Việt Nam chỉ đạt dưới 1% tổng dân số. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự ở nhiều nước trên thế giới.
Nói về mức độ nguy hiểm của cúm A/H1N1, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Trọng Lân cho rằng, đối với cúm A/H1N1 nói riêng và cúm mùa nói chung, phần lớn có diễn biến từ nhẹ đến nặng và thông thường sẽ khỏi bệnh trong vòng 1 tuần.
Tuy nhiên đối với các đối tượng nguy cơ cao như phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi, người già trên 65 tuổi, những người mắc các bệnh mãn tính, các bệnh chuyển hóa và các bệnh suy giảm miễn dịch có thể dễ có các biến chứng nguy hiểm.
“Biến chứng ở đây có thể do cúm, có thể do các bệnh khác gây nên và những người có nguy cơ tiếp xúc cao thì cũng có nguy cơ cao, có thể diễn tiến nặng và tử vong nếu không được điều trị kịp thời”, Phó Giáo sư Phan Trọng Lân chia sẻ.
Còn bác sỹ Trương Hữu Khanh nhận định, cúm A/H1N1 hiện nay không phải cúm A từ gia cầm, vật nuôi; chỉ khi nào mắc cúm A từ gia cầm, vật nuôi thì khả năng tử vong mới cao.
Cúm A/H1N1 là bệnh dễ lây nhưng tử vong thường chỉ xảy ra ở cơ địa đặc biệt, vì miễn dịch của những người này kém, phổi kém, sức đề kháng yếu, một khi có thêm vi-rút cúm A tấn công sẽ khiến cho vi khuẩn bị bội nhiễm làm cho bệnh nặng thêm và có thể tử vong.
Đặc biệt, thông qua các kết quả phân tích, xét nghiệm thì chủng cúm đang lưu hành hiện nay là A/H1N1 2009, nghĩa là vi-rút cũ xuất hiện từ năm 2009 và đã được sản xuất vắc-xin phòng bệnh.
“Bệnh chỉ trở thành đại dịch nếu như xuất hiện chủng vi-rút cúm mới với cấu trúc thay đổi sẽ làm tốc độ lây lan rất nhanh, mạnh. Do đó người dân không nên quá lo lắng”, bác sỹ Trương Hữu Khanh Khanh nhận định.
Cúm A/H1N1 lây truyền từ người sang người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa vi-rút rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng.
Người mang vi-rút cúm A/H1N1 có khả năng truyền vi-rút cho những người xung quanh trong thời gian 1 ngày trước tới 7 ngày sau kể từ khi có triệu chứng của bệnh. Bệnh lây lan càng mạnh, càng nhanh khi có sự tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ...
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, tiêm ngừa vắc-xin cúm mỗi năm là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất. Ngoài ra, thực hiện giữ gìn vệ sinh cá nhân, đặc biệt là việc tuân thủ rửa tay sạch bằng xà-phòng; hạn chế đến những nơi đông người, khi ho hay hắt hơi phải lấy tay che miệng./.