Với chi phí dao động từ vài chục triệu cho tới cả tỷ đồng cho can thiệp phẫu thuật chuyển giới - cuộc phẫu thuật đối mặt với sinh tử, ai sẽ dám hy sinh sức khỏe và chi phí khủng như vậy để “đánh cược” cuộc đời mình, để sở hữu tấm giấy chứng nhận là người đã chuyển giới và có được sự thừa nhận về mặt pháp luật?
Á hậu chuyển giới Tây Hà (tên thật Đỗ Minh Tiến) đã may mắn có một cơ sở thẩm mỹ tài trợ một tỷ đồng để lột xác thành thiếu nữ.
Quan sát từ hàng loạt các hội thảo tham vấn lấy ý kiến về điều kiện công nhận một người đã chuyển giới mà Bộ Y tế tổ chức gần hai năm qua để hoàn thiện dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính, sự lo lắng hiển hiện rõ nét trên khuôn mặt của hầu hết những người chuyển giới. Họ lo sợ, phải phẫu thuật mới có được tấm giấy công nhận là người chuyển giới và có được các quyền như những công dân khác. Dù đây chỉ là một trong ba phương án được Bộ Y tế đưa ra để lấy ý kiến nhưng sự lo ngại của họ, hẳn cũng là câu chuyện thực tế mà cộng đồng người chuyển giới trên dưới 500 nghìn người này đang phải hàng ngày đối mặt.
“Đánh cược” tính mạng cho can thiệp ngoại khoa để chuyển giới?
Dù chất giọng vẫn còn nam tính, nhưng Á hậu chuyển giới Tây Hà sở hữu một vẻ đẹp rất thanh tú và có hơi hướng lai tây khiến nữ giới phải có phần “ganh tị” về nhan sắc. Ở độ tuổi 25, Tây Hà (tên thật Đỗ Minh Tiến) đã may mắn có một cơ sở thẩm mỹ tài trợ một tỷ đồng để cô lột xác thành thiếu nữ. Vẻ đẹp của Á hậu chuyển giới không khỏi làm nhiều người trong cộng đồng ngưỡng mộ và ca ngợi.
Hương Giang Idol, một nhan sắc chuyển giới đã được công nhận và để có thể tự tin nói về câu chuyện chuyển giới và “đòi” quyền bình đẳng giới cho mình, cộng đồng thì cô cũng đã phải trải qua những đau đớn về cơ thể khi phẫu thuật. Có rất nhiều người chuyển giới khao khát được thực hiện các phẫu thuật nhưng có quá nhiều rào cản để có thể thực hiện ước mơ của mình: không đủ tiền, sức khỏe không bảo đảm, thiếu các tư vấn trước phẫu thuật…
Có nhiều bạn chuyển giới khi được hỏi đã chia sẻ rằng họ sợ các cuộc phẫu thuật bởi họ sợ ảnh hưởng sức khoẻ lâu dài hay họ sẽ phải bỏ ra một chi phí quá lớn mới có thể lột xác hoàn toàn nếu muốn từ một người đàn ông trở thành phụ nữ hay ngược lại. Hiện tại, phần lớn người chuyển giới, chọn cách khác, ít tiền hơn, an toàn hơn, ít can thiệp vào cơ thể hơn… đó là sử dụng hormone.
Cộng đồng người chuyển giới lo lắng nếu phải phẫu thuật mới được công nhận là người chuyển giới.
Một số liệu được cộng đồng này tiết lộ, chi phí phẫu thuật dao động từ 4.000 - 5.000 USD, thậm chí 30.000 đến 35.000 USD. Đó mới là chi phí phẫu thuật cơ bản gồm can thiệp ngoại khoa như phẫu thuật bộ phận sinh dục, nâng ngực. Còn để đầu tư cho nhan sắc, cho mong ước giống với giới tính mình mong muốn nhất, số tiền bỏ ra còn phải gấp vài ba lần.
Khi được tham vấn ý kiến trong cộng đồng, nhiều người chuyển giới vô cùng lo lắng trước những phương án mà Bộ Y tế đưa ra trong dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính mà Bộ Y tế đang xây dựng về điều kiện được công nhận là người chuyển giới. Một trong những phương án đó là người chuyển giới phải can thiệp ngoại khoa mới được công nhận chuyển giới.
Tây Hà tiết lộ, không chỉ là vấn đề kinh tế, sự an toàn cho sức khỏe mới là yếu tố tiên quyết để nhiều người đi tìm giới tính của mình quyết định chọn chỉ tiêm hormone. Tây Hà chỉ ra con số giật mình, một ca phẫu thuật ngực đẹp trung bình 50 triệu, nếu phẫu thuật từ nam sang nữ, cắt bỏ bộ phận sinh dục cũng phải đối mặt với chi phí khủng lên tới cả con số hàng tỷ đồng… “Có nhiều người tâm sự với tôi là họ muốn phẫu thuật như nâng ngực chẳng hạn. Nhưng họ không đủ sức khỏe để thực hiện phẫu thuật. Tôi nghĩ, kinh tế họ có thể dần sẽ kiếm được. Nhưng sức khỏe là thứ mà họ không thể nào có thể mua được. Họ đã đủ đau đớn vì phải sống giấu mình, chịu sự kỳ thị. Nếu đau đớn nữa về sức khỏe, tôi nghĩ, họ sẽ không còn sức đấu tranh để đòi quyền được công nhận giới tính nữa”, Tây Hà chia sẻ.
Lò Kim Thuỷ - tên con gái hiện tại của Lò Văn Thuỷ ở vùng núi Sơn La tâm sự: “Em quyết định công khai giới tính của mình năm 2013 và bị gia đình đuổi ra khỏi nhà, không nhận em là con nữa. Họ bảo em là đứa bệnh hoạn. Công việc của em từ ngày em công khai giới tính bị ảnh hưởng rất nhiều vì đi xin việc ở đâu họ cũng nói em pê-đê… Nếu có Luật chuyển đổi giới tính, em nghĩ xã hội đỡ kỳ thị người chuyển giới như em hơn. Còn khi chưa có luật, em muốn được phẫu thuật chuyển giới như các chị đi trước, muốn có hình thức phù hợp với nữ hơn để ít người phát hiện ra mình khác biệt… nhưng em không đủ tiền. Ngoài bản thân em muốn được bình đẳng, muốn được sống là chính mình, em còn muốn cố gắng chia sẻ nhiều suy nghĩ hay câu chuyện của mình để mình sẽ là “nòng cốt” của Sơn La… Mong sẽ giúp nhiều bạn dũng cảm hơn, không phải che giấu, dám sống thật với mình”.
Cộng đồng người chuyển giới, phần lớn trong số đó, khó khăn về kinh tế. Cơ hội để tiếp cận với các dịch vụ y tế để có các can thiệp ngoại khoa an toàn cực hiếm. Họ chọn cách sống ẩn mình, cảm giác như tự đẩy mình hay là “bị” sống dạt ra ngoài rìa xã hội… vì lo sợ bị kỳ thị với cơ thể không hoàn thiện, e ngại với tên tuổi, giới tính và ngoại hình không phù hợp. Việt Nam vẫn nói không với những phẫu thuật chuyển giới mặc dù cơ sở nổi tiếng hiện nay như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Xanh Pôn hay Bệnh viện Bình Dân có đủ năng lực để thực hiện. Ngay tại nước ngoài, có nhiều người chuyển giới Việt Nam cũng chọn cách phẫu thuật ở những cơ sở chui hay tại các cơ sở y tế nước ngoài Vì thế, khó khăn với những người này, chính là dù đã phẫu thuật thành công nhưng họ chưa được pháp luật Việt Nam công nhận.
Chỉ tiêm hormone, đã đủ nguy cơ tổn hại cao cho sức khỏe, chưa nói phẫu thuật…
Những người chuyển giới đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với dịch vụ y tế an toàn. Hơn một nửa số người này, phải lựa chọn tự tiêm hormone hoặc mua hormone giá rẻ, trôi nổi ngoài thị trường.
Ths. Bs Ngô Hải Sơn, Khoa Phẫu thuật - Tạo hình - Thẩm mỹ (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, người chuyển giới để duy trì được hormone cơ thể, phải đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe. Khi sử dụng hormone nữ hóa, người chuyển giới sẽ có thể mắc sỏi mật, huyết khối tĩnh mạch, tăng men gan, tăng cân, bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, tăng prolactin máu… Trong khi đó, với hormone nam hóa sẽ là bệnh lý đa hồng cầu, rụng tóc, tăng cân, ngưng thở khi ngủ, tăng men gan, mỡ máu...
Trong số 500 nghìn người chuyển giới đã và muốn can thiệp y học, có bao nhiêu người chỉ chọn cách sử dụng hormone hoặc can thiệp ngoại khoa? Nhiều người trong số họ đã không dám “đặt cược” tính mạng mình vào những cuộc đại phẫu lớn cho cơ thể? Có bao nhiêu người chần chừ, chưa muốn quyết định phẫu thuật chuyển giới… muốn được chuyển giới một cách “tự nguyện” (chỉ phẫu thuật khi thấy thực sự cần thiết chứ không phải điều kiện bắt buộc để được chuyển giới)?
Để chuẩn bị đủ tâm lý cho cuộc phẫu thuật, người chuyển giới sẽ cần phải trải qua bảng kiểm tra tâm lý và nên sống thử với giới tính này trước khi thực hiện phẫu thuật. Đó là xu hướng tiến bộ hiện nay, và là điều kiện dài hơi, mà không phải ai cũng đáp ứng được. Do đó, nếu yêu cầu một người phải can thiệp ngoại khoa mới được công nhận chuyển giới, vô hình chung đã gạt bỏ một nửa cộng đồng này ra khỏi xã hội. Và vì thế, dù có luật, họ hoặc chọn tiếp tục sống chênh vênh, ngoài pháp luật; hoặc phải đánh cược mạng sống, chọn giải pháp bán dâm hay kiệt quệ về kinh tế để tiến hành phẫu thuật một bộ phận cơ thể.
Việt Nam đang đặt ra cả ba phương án, trong đó gồm điều trị nội khoa bằng sử dụng hormone; Sử dụng hormone và điều trị ngoại khoa (phẫu thuật); không can thiệp gì về mặt y tế (sử dụng hormone hoặc phẫu thuật ngực, bộ phận sinh dục) mà chỉ kiểm tra tâm lý theo bảng chuẩn, nộp đơn lên cơ quan có thẩm quyền ghi rõ nguyện vọng là có mong muốn được xác nhận là người chuyển đổi giới tính thì được công nhận là người chuyển giới. Hiện nay, chúng tôi tìm hiểu thì ban soạn thảo Luật đang nghiêng về phương án cho phép cá nhân sau khi kiểm tra tâm lý (theo bảng chuẩn) được xác định là có mong muốn chuyển đổi giới tính, đã sử dụng hormone trong một thời gian liên tục (khoảng hai năm trở lên) hoặc can thiệp ngoại khoa thì được công nhận là người chuyển giới.
Tại Việt Nam, chỉ khi hành lang pháp lý đã có những người chuyển đổi giới tính mới có cơ hội sống bình đẳng, có quyền kết hôn, và quyền được hưởng hạnh phúc trong một xã hội mà họ được công nhận.
Nhưng tương lai ấy liệu còn khá xa hay chỉ trong một vài năm gần nhất? Điều đó phụ thuộc vào cộng đồng, vào Bộ Y tế - đơn vị chủ trì soạn thảo Dự thảo Luật. Rào cản tâm lý họ đã vượt qua được, sẽ vượt qua được… nhưng rào cản pháp lý liệu có nghiêng về tiếng nói của họ, để bảo vệ họ được bình đẳng giới trong xã hội.
* “Nóng” câu chuyện về điều kiện chứng nhận người chuyển đổi giới tính
* Điều kiện nào để được công nhận là người chuyển đổi giới tính tại Việt Nam?
* Người độc thân mới được phẫu thuật chuyển đổi giới tính
Thiên Lam/ Nhân Dân