(TG) - Ngày 26/12, tại Hà Nội, Tổng cục Dân số tổ chức hội nghị cung cấp các thông tin cho các nhà báo, cán bộ truyền thông cấp tỉnh về dân số và phát triển nhân Ngày Dân số Việt Nam (26/12).
Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Đỗ Thị Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền Thông- Giáo dục cho biết: Sau 58 năm thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, 26 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII và các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước: tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế, đã đạt mức sinh thay thế sớm 10 năm so với mục tiêu đề ra và tiếp tục duy trì cho đến nay; cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007; chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt, tuổi thọ trung bình đạt 73,6 tuổi, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người; tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh; tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện; dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; nhận thức về dân số - kế hoạch hóa gia đình của các cấp, các ngành và toàn dân có bước đột phá; mỗi cặp vợ chồng có 2 con đã trở thành chuẩn mực, lan tỏa, thấm sâu trong toàn xã hội; dịch vụ dân số - kế hoạch hóa gia đình được mở rộng.
Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở hiện tại và tương lai, công tác dân số đặt trong mối quan hệ với kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh với nhiều khó khăn, thách thức như: mức sinh giữa các vùng có chênh lệch khá lớn, tạo nguy cơ tăng khoảng cách phát triển giữa các vùng và khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm dân cư. Xu thế mức sinh giảm xuống quá thấp đã xuất hiện ở nhiều khu vực. Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng. Lợi thế dân số vàng chưa được tận dụng tốt. Già hóa dân số diễn ra với tốc độ mau lẹ, song các giải pháp thích ứng chưa được triển khai. Chất lượng dân số còn nhiều hạn chế. Quản lý dân cư phân tán, lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội hiện đại.
Chia sẻ thông tin tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Tân, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục DS - KHHGĐ cho biết mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh và rất nghiêm trọng. Dù xuất hiện muộn hơn so với các nước khác, tình trạng này tại Việt Nam tăng rất nhanh, đến năm 2013 đã có 113 bé trai/bé gái và 2018 có 114,5 bé trai/100 bé gái. Vừa qua, tỷ lệ này giảm xuống 111/100, nhưng vẫn là mức cao. Đây là hệ quả của việc coi trọng con trai, lựa chọn giới tính thai nhi.
Theo ông Tân, sự mất cân bằng về giới tính này sẽ kéo theo những hậu họa khó lường về các vấn nạn xã hội. Đàn ông Việt sẽ khó lấy được vợ. Tình trạng thiếu phụ nữ sẽ nảy sinh ra vấn nạn mua bán trẻ em gái, phụ nữ, mại dâm. Để giải quyết tình trạng này, giảm mất cân bằng giới tính khi sinh, ông Tân cho rằng cần phải đẩy mạnh tuyên truyền vận động làm thay đổi giá trị về bình đẳng giới.
"Hiện nay, nhiều gia đình lựa chọn đứa con trai để nối dõi tông đường, nhưng chính những đứa con trai sau này lại khó thực hiện được khả năng nối dõi tông đường vì không có phụ nữ để kết hôn. Chúng ta phải làm thay đổi giá trị văn hóa có tính cổ truyền là coi trọng con trai, đàn ông và giao cho đàn ông nhiệm vụ hương khói mà không giao cho con gái”, ông Tân nói.
Bên cạnh đó, những kỹ thuật công nghệ cao phát hiện sớm giới tính trong thai nhi ngay tuần 1-2 của thai kỳ đang khiến cho tình trạng loại bỏ thai nhi gái, chọn giới tính thai nhi nam ngày càng tăng. “Chúng ta cần ngăn việc nhập khẩu công nghệ chỉ nhằm mục tiêu xác định giới tính thai nhi”, ông Tân nhấn mạnh.
Về lâu dài, xã hội cần phải cần nâng cao vị thế của phụ nữ trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, làm giá trị bình đẳng giới ngày càng cao. Hàn Quốc từng mất cân bằng giới tính khi sinh nhưng hiện tại, quốc gia này đã kéo tỷ số về cân bằng. “Khi hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc, họ trả lời có thể do thực hiện tốt việc nâng cao vị thế phụ nữ. Phụ nữ chủ động tài chính hơn, có quyền quyết định cuộc đời mình, từ đó, thay đổi việc sinh đẻ tự nhiên, không lựa chọn giới tính”, ông Tân cho hay.
Phát biểu tại hội nghị, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Hàng năm, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn cung cấp thông tin cho các nhà báo, cán bộ truyền thông về dân số và phát triển tại các tỉnh thành phố trên cả nước nhằm cung cấp thông tin tổng quan về công tác dân số trong tình hình mới, phổ biến kỹ năng truyền thông chuyển đổi hành vi về Dân số và Phát triển, truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh, già hoá dân số… để các cơ quan báo chí và phương tiện thông tin đại chúng tích cực tuyên truyền về công tác y tế, dân số, kịp thời, chính x
Nói về công tác dân số trong tình hình mới, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, công tác dân số là một việc rất quan trọng đối với chúng ta, những gì chúng ta đang làm ngày hôm nay sẽ quyết định về dân số trong tương lai. Trách nhiệm của các nhà báo, cộng tác viên báo chí đối với công tác dân số và phát triển được thể hiện rất rõ qua sự quan tâm của Ban biên tập các cơ quan báo chí thông qua Nghị quyết số 21 để tham mưu, quản lý, định hướng công tác tuyên truyền một cách hiệu quả nhất. Các cơ quan thông tin đại chúng tích cực tuyên truyền chính xác và kịp thời về công tác dân số. Đối với đội ngũ phóng viên thực hiện công tác tuyên truyền về y tế, dân số luôn chính xác và kịp thời, ngoài đạo đức nghề nghiệp, đã luôn cập nhật, nâng cao kiến thức về y tế bảo đảm việc tuyên truyền, đưa tin, chính xác, trung thực, phù hợp, tạo sự thống nhất trong công tác tuyên truyền về vấn đề này từ trung ương đến địa phương.
Tại hội thảo, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: Hội Nhà báo Việt Nam và các đồng nghiệp trong giới báo chí nhận thức rõ được trách nhiệm của mình và sẽ tiếp tục đồng hành cùng với Bộ Y tế và nhất là với Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo báo chí, nâng cao hơn nữa nhiệm vụ của mình trong việc thông tin, hướng dẫn dư luận xã hội truyền thông về công tác dân số. Tới đây, Hội Nhà báo Việt Nam vẫn tiếp tục đồng hành với các đồng chí để chúng ta thực hiện nhiệm vụ quan trọng có tính chiến lược của đất nước, nhiệm vụ về công tác dân số và phát triển./.
Thu Liên