Thứ Ba, 24/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Bảy, 8/5/2010 15:44'(GMT+7)

Cùng hành động để giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình đô thị hóa

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan:  đô thị hóa là một quá trình tất yếu của mỗi quốc gia trong quá trình phát triển, tuy nhiên nó cũng gây nên rất nhiều tác động tiêu cực. Ảnh minh họa

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan: đô thị hóa là một quá trình tất yếu của mỗi quốc gia trong quá trình phát triển, tuy nhiên nó cũng gây nên rất nhiều tác động tiêu cực. Ảnh minh họa

Sáng 8/5, tại thành phố Hồ Chí Minh, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Hội Chữ thập đỏ thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Kỷ niệm ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế 8/5 và cuộc đi bộ “Đồng hành cùng hành động để giảm tác động tiêu cực của quá trình đô thị hóa”.

Tham dự buổi lễ có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, lãnh đạo sở, ban, ngành của thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận cùng hơn 6.000 tình nguyện viên hưởng ứng cuộc đi bộ.

Theo số liệu của Hiệp Hội Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, hiện nay hơn 3 tỷ người trên thế giới đang sống ở đô thị và sẽ tăng lên 4,9 tỷ người vào năm 2030; trong đó khoảng 1 tỷ người sống trong các khu nhà ổ chuột hoặc trong điều kiện chưa đảm bảo về vệ sinh, môi trường. Các vấn đề ô nhiễm môi trường, tội phạm, mất vệ sinh, đói nghèo, tệ nạn xã hội, thiếu nhà ở, thiếu việc làm, thiếu nguồn nước sạch, các bệnh dịch xã hội do quá trình đô thị hóa tạo ra vẫn là những thách thức lớn ở các đô thị. Ở Việt Nam trong hơn 25 năm tiến hành công cuộc đổi mới, quá trình đô thị hóa đã diễn ra nhanh chóng, nhất là trong 10 năm trở lại đây tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng. 

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, đô thị hóa là một quá trình tất yếu của mỗi quốc gia trong quá trình phát triển, tuy nhiên nó cũng gây nên rất nhiều tác động tiêu cực. Hôm nay chúng ta cùng đồng hành đi bộ do quá trình đô thị hóa là một thông điệp vô cùng quan trọng nhắc nhở mỗi chúng ta cần phải có ý thức trách nhiệm để giúp đỡ những người nghèo do quá trình đô thị hóa. Nhân dịp này tôi cũng mong muốn Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cần nâng cao trách nhiệm và ra sức tuyên truyền để mỗi người dân chúng ta hiểu rõ những tác động tiêu cực do quá trình đô thị hóa. 

Trong những năm qua Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã phối hợp các ngành, đoàn thể  xây dựng cơ chế, chính sách nhằm chăm lo, hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi quá trình đô thị hoá; cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” trong 2 năm đã thu được hơn 560 tỷ đồng, phong trào Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam năm Canh Dần  đã quyên góp tiền hàng trị giá hơn 189 tỷ đồng. Bên cạnh đó  các tổ chức Hội địa phương còn quan tâm  phát triển lực lượng tình nguyện viên, thanh niên Chữ thập đỏ xung kích Chữ thập đỏ; Tổ chức các hình thức vận động nguồn lực để trợ giúp các đối tượng khó khăn bị ảnh hưởng bởi quá trình đô thị hóa.

Lễ kỷ niệm ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế 8/5 và cuộc đi bộ “Đồng hành cùng hành động để giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình đô thị hóa” còn  là dịp để các thành viên  cùng những người làm công tác nhân đạo trên thế giới tự hào ôn lại truyền thống lịch sử lâu đời của Phong trào Chữ thập đỏ, cùng nhau hành động theo 7 nguyên tắc “nhân đạo, vô tư, trung lập, độc lập, tự nguyện, thống nhất, toàn cầu” vì một thế giới hòa bình, hữu nghị và phát triển, cải thiện cuộc sống của những người dễ bị tổn thương./.

TG tổng hợp
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất