Thứ Ba, 24/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 7/5/2010 12:33'(GMT+7)

Mường Phăng và tấm lòng Tướng Giáp

Ông Võ Hồng Nam (hàng đầu thứ 3 từ trái) và bà Võ Hạnh Phúc (thứ 5 từ phải) cùng phái đoàn thăm di tích nhà tác chiến của Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ - Ảnh: Đ.P

Ông Võ Hồng Nam (hàng đầu thứ 3 từ trái) và bà Võ Hạnh Phúc (thứ 5 từ phải) cùng phái đoàn thăm di tích nhà tác chiến của Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ - Ảnh: Đ.P

 

Vị tướng già vì sức khoẻ không lên thăm lại được chiến trường xưa, nhưng chắc hẳn ông sẽ rất vui nếu thấy được các cháu bé học sinh, các phụ huynh trong những bộ váy áo sặc sỡ của người Mông, người Thái, người Khơ Mú hân hoan trong ngôi trường mới, nơi gia đình ông tặng một phòng máy tính nối mạng.

Ngôi trường và người thầy

Hai người con của Đại tướng, chị Võ Hạnh Phúc và anh Võ Hồng Nam, đã thay mặt người cha 100 tuổi và gia đình lên khánh thành điểm trường Noọng Luông thuộc trường tiểu học số 3 xã Mường Phăng mới được xây lại.

Anh Võ Hồng Nam nhớ lại, lần đầu tiên tới điểm trường Noọng Luông, trường chỉ có một dãy nhà xây cùng một dãy nhà làm bằng tre nứa. “Lúc đó, mỗi khi trời mưa, các cháu học sinh phải mặc áo mưa ngồi học. Mỗi năm, các thầy cô giáo cần 5 triệu đồng để  ráp lại mái nhà dột nát. Vậy mà Điện Biên thiếu 1.000 phòng học như vậy” - anh Nam cho biết.

Gia đình anh đã đề nghị với Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam cùng tìm nguồn tài trợ để xây dựng trường. Và kết quả là, một năm sau từ chuyến đi đầu tiên, điểm trường Noọng Luông đã thay đổi hoàn toàn. Trường mới gồm một tòa nhà hai tầng xây mới, 7 phòng học sửa lại, một phòng máy tính và một khu sân chơi với tường rào bảo vệ xung quanh khuôn viên. Các khu nhà đều có đường dành cho xe lăn, để phụ huynh và học sinh khuyết tật đều có thể di chuyển dễ dàng.

Trường tiểu học số 3 có 3 điểm trường, nhưng với điểm trường Noọng Luông được làm lại, trường sẽ có đủ phòng học đẹp đẽ để xoá bớt một điểm. “Ở trường mới các em học sinh sẽ được học tập tốt hơn, ba tôi luôn tin rằng, các em học sinh thiểu số ở các vùng miền nếu có điều kiện sẽ có nhiều cơ hội hơn” - anh Nam chia sẻ.

Với riêng chị Hạnh Phúc và các anh chị em trong gia đình, ba mẹ chị luôn là những người thầy tuyệt vời nhất. Đặc biệt, ba chị rất chú ý cho con cháu học lịch sử. “Ba cũng như mẹ tôi, một giáo sư lịch sử, đã khuyến khích chúng tôi đọc và tranh luận. Nhờ đó mà chúng tôi rất thích học sử và tự hào về lịch sử dân tộc. Sau này ông cũng rất chú ý đến việc học của các cháu. Bận như vậy mà ông vẫn xem sách vở, xem điểm hàng tháng của các cháu”.

Chính vì vậy,  gia đình chị Phúc có ý định sẽ dần dần tìm kiếm sự hợp tác để xây thêm trường học cho các khu căn cứ cách mạng cũ.  “Khi biết chúng tôi tham gia dự án xây mới và nâng cấp trang thiết bị cho trường Mường Phăng, ông chỉ nói với chúng tôi rằng hãy làm cho tốt”- chị Võ Hạnh Phúc kể.

Căn cứ địa và vị tướng

Tấm lòng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với người dân là bài học không thể quên đối với chị Phúc, anh Nam. “Mỗi năm, vào dịp kỷ niệm 7.5, điều mà ông nhớ đến nhiều nhất, hay kể cho các con cháu trong nhà chính là sự gian khổ, đức hy sinh của những người chiến sĩ, những người dân một lòng đi theo cách mạng. Mỗi lần trở lại Mường Phăng, trở lại Điện Biên, Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ hay khi thăm lại đồng bào... ông đều khóc. Trong những câu chuyện ông kể cho chúng tôi, tính mạng mỗi người chiến sĩ, mỗi người dân khi ngã xuống bởi bom đạn quân thù luôn để lại nỗi xót xa, sự xúc động” - chị Phúc xúc động khi nhắc tới tình cảm của cha mình.

Học trò Trường Noọng Luông trong ngôi trường mới.  Ảnh: M.H


Về Mường Phăng lần này, các con tướng Giáp đã tới thăm gia đình ông Lò Văn Bóng, Trung đội trưởng du kích xã Mường Phăng bảo vệ khu căn cứ Mường Phăng năm xưa. Dù nhiều lần gặp gia đình Tướng Giáp, nhưng lần nào ông già du kích năm xưa giờ đã gần 90 tuổi cũng xúc động vì tình cảm của gia đình Đại tướng.

Ông Bóng rất lo vì Mường Phăng giờ này còn nghèo, rừng bị phá nhiều, nạn nghiện hút tràn lan. Ngay cả ở Trường tiểu học Mường Phăng, các thầy cô giáo cho biết, có những em học sinh bố mẹ hoặc nghiện hút, hoặc đi tù vì buôn bán ma tuý...
 
Những điều đó, gia đình Tướng Giáp đã ghi nhận, để biết rằng, muốn thực hiện ý nguyện của Đại tướng về tạo dựng đời sống tốt đẹp hơn cho người dân, gia đình còn rất nhiều việc phải làm.

Chị Hạnh Phúc chỉ kể rất ít về người cha vĩ đại của mình. Chị nói đơn giản: “Gia đình chúng tôi vô cùng tự hào về ông, các con, cháu luôn cố gắng học theo tấm gương của ông. Điều lớn nhất mà tôi học được ở ông chính là tinh thần hy sinh cho đất nước, cho quân đội, luôn sống vì lợi ích của tập thể. Trong lời dạy các con, ông luôn dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh “dĩ công vi thượng”, tức là phải biết đặt lợi ích chung lên trên, đã nhận công việc gì cũng nên làm tốt nhất trong khả năng của mình”.

Anh Nam cũng cho biết,  điều lớn nhất anh học được ở Đại tướng chính là cần phải làm được những điều có ích cho cộng đồng: “Ngôi trường này được khánh thành đúng dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7.5 như một món quà nhỏ mà anh em chúng tôi cùng bè bạn quốc tế dành tặng ba tôi. Điều này chắc sẽ khiến ba rất vui khi ý nguyện của ông là luôn mong các vùng khó khăn, khu căn cứ địa xưa có đời sống ngày càng tiến lên cho kịp với các vùng miền. Vì vậy, gia đình chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều người, nhiều cơ quan sẽ tham gia vào lĩnh vực giáo dục ở đây”. 

Giáo dục luôn là quan tâm hàng đầu của Đại tướng

Nếu bánh xe lịch sử không mang chiến tranh đặt lên dải đất hình chữ S - có thể chúng ta sẽ không có một vị tướng được cả thế giới kính phục mà vinh danh là “một trong những thống soái lớn của tất cả các thời đại” (lời ký giả người Anh Peter Macdonald trong cuốn “Giap, Les deux guerres d'Indochine”), thế nhưng với lòng yêu nước, yêu dân tộc, yêu trẻ thơ, một trái tim đầy nhân văn và một trí tuệ mẫn tiệp, nước Việt sẽ vẫn có một nhà sử học, một thầy giáo toàn tâm, toàn ý vì sự phát triển của những thế hệ mai sau.

Giáo dục luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tại phòng tư liệu tư gia của ông ở 30 Hoàng Diệu (HN), những bức thư động viên và khuyến khích các hoạt động của Hội Khuyến học được xếp đều đặn, liên tục theo năm tháng, chứng tỏ sự theo dõi sát sao của vị tướng từng có một thời tuổi trẻ đứng trên bục giảng (ông từng là giáo viên sử học tại trường Thăng Long, HN).

Quan tâm tới cả nền giáo dục, nhưng giáo dục cho trẻ em vùng sâu, xa, nhất là trẻ em tại những cái nôi của cách mạng – đối với ông – còn là một niềm đau đáu, như ông từng nói “... những đồng bào dân tộc, những anh em chiến sĩ cách mạng đã ngã xuống trên chiến trường một cách anh hùng, thì chúng ta càng phải làm sao để con cháu họ được học hành, được hưởng một nền giáo dục tốt”.

Kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên (7.5.2009), Đại tướng đã viết một bức thư gửi các cháu thanh thiếu nhi các dân tộc tỉnh Điện Biên và tỉnh Lai Châu. Trong đó có đoạn: "Thanh thiếu nhi các dân tộc tỉnh Điện Biên và Lai Châu hôm nay vinh dự, tự hào được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất có truyền thống anh hùng cách mạng. Nhân dân và thế hệ trẻ ở Điện Biên và Lai Châu trước đây đã chiến đấu anh dũng, không ngại hy sinh, gian khổ, góp phần to lớn cùng quân đội và nhân dân cả nước làm nên một chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vĩ đại.

Bác mong các cháu luôn biết gìn giữ, trân trọng, phát huy truyền thống quý báu đó của dân tộc. Đặc biệt, trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, tuổi trẻ Điện Biên, Lai Châu phải nắm chắc thời cơ, vượt qua khó khăn, thử thách, tích cực rèn luyện, học tập, lao động, sản xuất, nâng cao kiến thức, xóa đói giảm nghèo...". 


(Theo Lao Động online)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất