(TCTG)- Đa số các phân tử nhựa gây ô nhiễm các đại dương đều do giặt quần áo lẫn nhau bằng máy giặt. Có hơn 240 triệu tấn nhựa được sản xuất ra mỗi năm trên thế giới.
Một phần nhỏ trong số chúng trôi dạt ra các đại dương dưới dạng những mẩu nhỏ có kích thước không vượt quá 1mm. Chúng nổi trên mặt nước hay nằm ở các lớp trầm tích. Hình thức ô nhiễm này xuất hiện từ những năm 1960 và ngày càng lan rộng. Năm 2010, một nhóm các nhà khoa học châu Âu đánh giá có khoảng 500 tấn nhựa trong biển Địa Trung Hải, trong số chúng có nhiều hạt nhựa siêu nhỏ. Liên hợp quốc và nhiều phòng thí nghiệm trên thế giới đã nghiên cứu hồ sơ này.
Nhóm nghiên cứu thuộc đại học Plymouth (Anh) do Richard Thompson đứng đầu vừa có một khám phá bất ngờ: gần 80% các mảnh nhựa nằm ở các lớp trầm tích là những miếng nhựa dạng sợi tổng hợp do ngành công nghiệp dệt may tạo ra. Trong số 18 mẫu nhựa được lấy từ 18 khu vực ven biển tại 6 lục địa, các nhà nghiên cứu phát hiện chất polieste (56%), acrilic (23%), polipropilen (7%), polietilen (6%) và sợi poliamit (3%). Nói cách khác, khi giặt vải con người đã làm bẩn các đại dương. Công trình nghiên cứu trên được công bố trên tạp chí Environmental Science & Technology của Mỹ. Các nhà khoa học cũng muốn tìm hiểu xem điều gì xảy ra với máy giặt. Chỉ giặt một bộ quần áo duy nhất và khi lọc nước, họ đã thu được trung bình 1.900 các vi phân tử. Theo tính toán, 100 sợi vi phân tử có trong 1 lít nước thải từ máy giặt. Với lượng dân số toàn thế giới, chúng ta có thể hình dung số lượng các chất thải này được sản sinh ra. Các trạm xử lý nước không thể lọc được những phân tử này và chúng sẽ hòa vào các dòng nước trôi ra biển. Mark Anthony Browne, tác giả của nghiên cứu, thừa nhận: ‘‘Chắc chắn có những nguyên nhân khác gây ô nhiễm sợi nhựa tổng hợp, như sự phân hủy các túi xách hay các phân tử nhựa có trong các sản phẩm lau chùi. Các nghiên cứu cần tiếp tục song những ngành công nghiệp dệt may và điện gia dụng cũng như các chuyên gia thiết kế các trung tâm xử lý nước thải cần bắt tay vào xử lý vấn đề’’. Người tiêu dùng có thể ưu tiên sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên như sợi bông. Theo Mark Anthony Browne, các phân tử nhựa có thể là một nguy cơ gây hại đối với hệ thực vật biển./.
Theo báo Lefigaro.fr
(Bài dịch)