Chút phức tạp trong bầu không khí chính trị ở thủ đô Băng Cốc trong mấy ngày qua dường như không làm ảnh hưởng tới Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới khu vực Đông Á năm 2012 (WEF Đông Á 2012), diễn ra tại đây.
Chiều 31-5-2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và phát biểu tại Hội nghị WEF Đông Á 2012. Việc Thủ tướng Thái Lan và Chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới mời Thủ tướng ta dự và phát biểu tại Hội nghị WEF Đông Á 2012 thể hiện sự coi trọng và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với những kinh nghiệm phát triển của Việt Nam cũng như những đóng góp quan trọng của Việt Nam đối với khu vực trong những năm qua và trong thời gian sắp tới.
Năm nay, Thái Lan được chọn là nơi đăng cai hội nghị là nhờ sự ổn định kinh tế và vai trò của nước này trong khu vực ASEAN. Với chủ đề "Hình thành tương lai cho khu vực thông qua việc kết nối”, WEF Đông Á 2012 diễn ra trong bối cảnh 10 nước thành viên ASEAN đang cùng nhau phấn đấu để hình thành nên một chiến lược quan trọng và một khu vực kinh tế với dân số tổng cộng hơn 600 triệu người có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đang vượt 1.800 tỷ USD và một tỷ lệ tăng trưởng trong khu vực dự kiến trên 5% trong năm 2012 bất chấp sự bất ổn về kinh tế tại Mỹ và khu vực Eurozone. Để đạt được bước ngoặt lớn hình thành một thị trường đơn nhất vào năm 2015 theo kế hoạch đã đề ra, việc liên kết chặt chẽ giữa các nước ASEAN là cấp thiết để bảo đảm cho một khu vực kết nối và cạnh tranh cũng như tăng cường cho những nỗ lực hội nhập đang diễn ra.
Trong sự hoan nghênh của hàng trăm đại biểu đến từ hơn 50 nước dự Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong phát triển kinh tế-xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, tái cấu trúc kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài. Thủ tướng cũng đã làm rõ hơn vai trò của hợp tác và kết nối đối với tương lai của khu vực cũng như vai trò quan trọng của Việt Nam trong khu vực.
Bất chấp những phức tạp nảy sinh kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ 2008-2009 trên thế giới, quá trình toàn cầu hóa vẫn đang được tiếp tục. Sự hợp tác, kết nối khu vực hiện là một trong những xu hướng chủ đạo tại Đông Á với vai trò tích cực của các nước trong khu vực, đặc biệt là các quốc gia thành viên ASEAN. Vừa thực hiện tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, các nước ASEAN đã chủ động phối hợp với các nước đối tác trong và ngoài khu vực Đông Á triển khai nhiều chương trình, sáng kiến, cơ chế hợp tác. Điều đó đã góp phần thúc đẩy đối thoại, hiểu biết và phối hợp chính sách giữa các nước liên quan, tạo môi trường thuận lợi và đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của khu vực, củng cố thêm vai trò của Đông Á trong cấu trúc kinh tế toàn cầu. Hợp tác và kết nối khu vực cũng góp phần tạo sự năng động, giúp cho khu vực Đông Á tăng khả năng chống chọi với những "cú sốc" từ bên ngoài, nhất là cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế năm 2008 - 2009.
Hiện nay, nền kinh tế thế giới đang đối mặt với tình trạng sản xuất, kinh doanh suy giảm, lạm phát, nợ công gia tăng, giá năng lượng và lương thực thế giới diễn biến phức tạp… Ngoài việc phải đối mặt với những khó khăn khách quan này, tiến trình hợp tác, kết nối khu vực Đông Á cũng có những khó khăn nội tại, đặc biệt là do thiếu nguồn lực nên nhiều chương trình, dự án hợp tác quan trọng còn chậm được triển khai, cơ chế phối hợp còn thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Để giải quyết những vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, các nước trong khu vực cần nâng cao "tính đồng bộ" trong triển khai hợp tác phát triển với sự tham gia chủ động, tích cực của tất cả các bên liên quan trong các nội dung, lĩnh vực đã cam kết; tăng cường "tính thích ứng" của khu vực Đông Á; tăng cường huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực cho hợp tác, kết nối khu vực.
Hội nhập quốc tế, trong đó có hội nhập và kết nối khu vực, là một trong những ưu tiên trong đường lối Đổi mới của Việt Nam. Từ khi gia nhập ASEAN năm 1995, Việt Nam đã tích cực tham gia và đóng góp nhiều sáng kiến hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 17 tại Hà Nội, Việt Nam đã cùng với các nước thành viên ASEAN thông qua Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN với 3 lĩnh vực chính là Kết nối hạ tầng, Kết nối thể chế và Kết nối con người. Việt Nam hiện là thành viên tích cực của nhiều khuôn khổ hợp tác, kết nối kinh tế giữa các nước Đông Á, trong đó có các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN với các nước đối tác trong khu vực. Đông Á đang là thị trường thương mại quan trọng hàng đầu, chiếm 48% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Việt Nam cũng đã phối hợp với các nước trong khu vực thúc đẩy nhiều sáng kiến, khuôn khổ hợp tác hướng tới mục tiêu củng cố an ninh - hòa bình trong khu vực. Ngày nay, Việt Nam đang tập trung triển khai Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 với mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Việt Nam chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, coi các quan hệ hợp tác và kết nối với các nước trong và ngoài khu vực là một nhân tố quan trọng tạo ra nguồn lực cho phát triển. Theo đó, Việt Nam sẽ tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước láng giềng, xác định trách nhiệm cao trong xây dựng Cộng đồng ASEAN; nâng cao hiệu quả tham gia các khuôn khổ, cơ chế hợp tác khu vực Đông Á. Việt Nam cũng sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi để thu hút mạnh các nguồn vốn quốc tế, các nhà đầu tư lớn, có công nghệ cao, công nghệ nguồn, mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong quá trình này, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ và hợp tác cùng phát triển của các nước Đông Á, các đối tác quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp.
Hợp tác giữa Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thời gian qua đã phát triển tốt đẹp. WEF là một trong những diễn đàn toàn cầu uy tín và hoạt động hiệu quả, thu hút sự quan tâm và tham dự của hầu hết lãnh đạo các nước lớn, các tổ chức quốc tế cũng như các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới. Hằng năm, WEF tổ chức nhiều diễn đàn cấp toàn cầu và khu vực, quy tụ các nhà lãnh đạo chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, tôn giáo, các học giả từ khắp thế giới để bàn luận về những vấn đề nổi cộm và thời sự toàn cầu. Diễn đàn quan trọng nhất của WEF là Hội nghị thường niên được tổ chức vào cuối tháng Giêng hằng năm tại Đa-vốt, Thụy Sĩ. Bên cạnh Hội nghị đó, hằng năm WEF cũng tổ chức các diễn đàn khu vực, tiêu biểu là Hội nghị WEF về Đông Á.
Chính phủ Việt Nam có quan hệ với WEF từ năm 1989 và WEF thường mời Việt Nam tham dự các Hội nghị thường niên tại Đa-vốt và các Hội nghị của WEF về Đông Á. Đặc biệt, đánh giá cao những thành tựu kinh tế ngoạn mục của ta, Chủ tịch WEF đã mời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị WEF Đa-vốt 2007 và 2010. Sự tham dự của Thủ tướng đã mở đường cho một giai đoạn phát triển mới giữa Việt Nam và WEF. Tại các Hội nghị khác của WEF, Việt Nam đã nhiều lần cử cấp Phó thủ tướng tham dự. Bên cạnh mối quan hệ tốt đẹp giữa chính phủ ta với WEF, hiện Việt Nam có 13 tập đoàn/tổng công ty lớn là thành viên của WEF.
Không chỉ được mời các hội nghị của WEF, Việt Nam còn tham gia cùng WEF tổ chức thành công Hội nghị WEF Đông Á 2010 tại TP Hồ Chí Minh tháng 6-2010. Việc đăng cai tổ chức WEF Đông Á 2010 là kết quả của công tác Ngoại giao kinh tế được triển khai trong nhiều năm của Việt Nam. Thành công ngoạn mục của Hội nghị WEF Đông Á 2010 đã tạo dấu ấn mạnh mẽ đối với các lãnh đạo cấp cao và cộng đồng doanh nghiệp quốc tế tham dự Hội nghị, đồng thời được Ban lãnh đạo WEF đánh giá rất cao. Việc tổ chức thành công Hội nghị WEF Đông Á 2010 đã góp phần quảng bá tốt cho Việt Nam nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang trong quá trình phục hồi, các nhà đầu tư đang tìm kiếm các thị trường ổn định và có khả năng ứng phó tốt với các cuộc khủng hoảng./.
(Theo: Kim Thanh/QĐND)