Chủ Nhật, 13/10/2024
Đời sống
Thứ Ba, 1/12/2009 11:50'(GMT+7)

Cuộc chiến với HIV/AIDS: Cần vượt qua “khâu” nhận thức

Chăm sóc bệnh nhân có HIV ở Đắc Lắk

Chăm sóc bệnh nhân có HIV ở Đắc Lắk

Với nhiều chương trình hỗ trợ, các cuộc vận động… đã được tiến hành, nhưng có vẻ như những kết quả thực sự khả quan trong cuộc chiến chống căn bệnh thế kỷ ở nước ta vẫn còn khá khiêm tốn.

Tính đến hết tháng 6/2009, cả nước ghi nhận 149.000 người có HIV vẫn còn sống, trong đó 32.200 người chuyển sang giai đoạn AIDS. Số người có HIV đã xuất hiện ở 100% tỉnh, thành, gần 98% số huyện và hơn 70% số xã, phường trên toàn quốc. Trong số người có HIV/AIDS được phát hiện, đối tượng người nghiện hút ma tuý chiếm tới 44,55%, nữ bán dâm là 1,34%, tiếp đó là đối tượng quan hệ đồng tính nam. Đáng lưu ý là có tới 27% tỉ lệ người không rõ đường lây nhiễm.

TP.HCM là địa phương có số người có HIV/AIDS cao nhất nước. Tỉ lệ lây từ mẹ sang con là 6%... Thời gian qua, đã có hơn 30.000 người nghiện bị tập trung vào các cơ sở, trung tâm cai nghiện. Tuy nhiên, trong xã hội luôn có người nhiễm mới. Số học viên cai nghiện có HIV sau khi được về nhà sẽ lại làm gia tăng nguồn lây nhiễm cao.

Dịch HIV có xu hướng chững lại y trong nhóm có hành vi nguy cơ cao như nghiện chích ma túy, gái bán dâm, nhưng có xu hướng gia tăng trong nhóm phụ nữ mang thai và đa dạng hóa đối tượng nhiễm ở nhiều ngành nghề khác nhau. Đáng lo ngại là số người có HIV/AIDS ở Việt Nam vẫn tiếp tục xu hướng trẻ hoá, đặc biệt nhóm tuổi 20-29 (chiếm tới 55,1%), chỉ giảm khoảng 1% .

Qua tổng quan tài liệu những công trình đã nghiên cứu cho thấy, nhận biết về đại dịch này của thanh niên cả nước khá cao nhưng vẫn còn hời hợt, bề ngoài. Còn tỷ lệ khá lớn thanh niên dân tộc thiểu số và người chưa từng đi học nhầm lẫn về những người có HIV nhìn… bề ngoài (ốm yếu, bệnh tật).

Số liệu gần đây cũng cho thấy, trong tổng số 10 tỉnh, thành có tỉ lệ nhiễm HIV/100.000 dân cao nhất năm 2008 thì có tới 8 địa phương là ở phía Bắc, trong đó có 6 tỉnh thuộc biên giới phía Bắc...

Vẫn là khâu nhận thức

Đối với việc can thiệp giảm tác hại dự phòng nhiễm HIV, độ bao phủ chương trình mới chỉ đạt 50% số huyện thị, kinh phí còn hạn chế, sự đồng thuận một số địa phương chưa cao. Nếu như năm 2007, tỷ lệ bệnh nhân HIV/AIDS được tiếp cận điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) là 30%, thì năm 2009 tỷ lệ này đạt khoảng 45% . Đây được coi là một bước tiến rất đáng kể trong công tác phòng chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, nếu so với mục tiêu đặt ra là năm 2010, 90% người có HIV được tiếp cận điều trị bằng ARV thì rất khó để tới đích đúng hạn. Số bệnh nhân HIV/AIDS tiếp cận điều trị thuộc ARV tại những tỉnh trọng điểm ngày càng tăng nhanh dẫn đến tình trạng quá tải cho các cơ sở điều trị ngoại trú.

Giám sát dịch tễ cho thấy, số có mới HIV đã có xu hướng chững lại, dịch HIV vẫn được kiềm chế ở giai đoạn tập trung ở các đối tượng có hành vi nguy cơ cao, tỷ lệ có HIV trong cộng đồng dân cư được duy trì ở mức dưới 0,5%, nhưng tình hình lây nhiễm vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt ở một số tỉnh miền núi phía Bắc...

Ở nhiều địa phương, những người có HIV được chính quyền hỗ trợ, tạo điều kiện để ổn định cuộc sống, có công việc phù hợp. Quan điểm coi HIV/AIDS là tệ nạn xã hội đã thay đổi, nó được coi như một căn bệnh và người có bệnh cũng có quyền sống, làm việc và được điều trị bệnh như những người mắc các căn bệnh khác. Tuy nhiên, việc chống sự kì thị với người mắc bệnh vẫn còn cần đến một chặng đường dài.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng, khi dịch HIV/AIDS đang trong giai đoạn tập trung là thời điêm thích hợp để triển khai các biện pháp can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV trong nhóm nguy cơ cao. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu, chính sự thiếu kiến thức của người dân về phòng, chống HIV/AIDS, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người có HIV và những đối tượng có nguy cơ cao cũng như mạng lưới cung cấp dịch vụ ở một số địa bàn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa còn hạn chế… đang là những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc, điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS của người dân.

Có thể thấy, dịch HIV/AIDS tại Việt Nam có chiều hướng tiếp tục gia tăng và chưa thực sự được khống chế. Và khâu “nhận thức” của người dân chưa được nâng cao cùng với việc đáp ứng tốt hơn các dịch vụ hỗ trợ. Mục tiêu  “kiềm chế” mạnh mẽ đại dịch thế kỷ vẫn là một bài toán khó./.

Theo VOVnews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất