Chủ Nhật, 13/10/2024
Đời sống
Thứ Tư, 25/11/2009 22:20'(GMT+7)

Bình Định: Máy bay quân sự cứu trợ vùng núi Canh Liên

Hàng cứu trợ nhanh chóng đến tay người dân

Hàng cứu trợ nhanh chóng đến tay người dân

Lúc 7 giờ ngày 24/11, tại phòng giao nhiệm vụ bay Đơn vị C54, Đoàn trưởng, Đại tá Nguyễn Văn Thọ khẩn trương quán triệt sơ bộ tình hình và giao nhiệm vụ cụ thể cho phi đội bay cứu trợ.

Đại tá, Chính uỷ Bùi Hồng Quân và Đại tá Nguyễn Văn Cảm, Phó chủ nhiệm chính trị nét mặt bồn chồn. Các anh hết nhìn đồng hồ rồi quay ra quan sát bầu trời xám xịt, nét mặt lộ rõ sự lo lắng. Tin từ Bình Định báo ra, hiện hàng ngàn người dân và các cháu học sinh ở xã Canh Liên, huyện Vân Canh đang có nguy cơ thiếu đói (vì địa phương này bị cô lập hơn 20 ngày). Với các anh, nhiệm vụ trước mắt là chớp thời cơ, khắc phục điều kiện thời tiết kịp thời bay vào cứu trợ nhân dân…

Mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất, đúng 8 giờ 02 phút, máy bay Mi-8 (7831) do Thượng tá Hoàng Quang Hà (cơ trưởng), Trung tá Hoàng Mạnh Hải (bay dẫn đường); Đại uý Dương Văn Thắng (cơ giới trên không) rời đường băng, trên máy bay còn có Đại tá Nguyễn Văn Cảm, Phó chủ nhiệm chính trị; Thượng tá Tống Đức Hiền, Phó Tham mưu trưởng.


Ảnh minh họa

Chuyên cơ của đoàn cứu trợ vừa cất cánh

10 phút sau, máy bay Mi-8 (92102) do Đại uý Nguyễn Thăng Long (cơ trưởng); Trung tá Vũ Huy Quý (bay dẫn đường); Đại uý Nguyễn Thanh Dũng (cơ giới trên không) cũng được lệnh cất cánh.

Lúc này, bầu trời vẫn còn mây mù, gió giật mạnh. Đại uý Nguyễn Thăng Long bình tĩnh chỉ huy tổ bay xuyên qua những đám mây thẳng hướng Bình Định. Ngồi trên máy bay, Chính uỷ Bùi Hồng Quân lo lắng nói: “Thời tiết không thuận lợi, bay trong mây mù lên vùng núi rất nguy hiểm, nhưng bà con đang ngày đêm mong chờ hàng cứu trợ từng giây, từng phút.

Sau hơn một giờ đồng hồ xuyên qua những đám mây mù, đúng 9 giờ 30, máy bay hạ cánh sân bay Phù Cát.

Sau cuộc hội ý chớp nhoáng, Đại tá Bùi Hồng Quân quyết định sử dụng lực lượng 50 cán bộ, chiến sỹ Đơn vị C40 (trường CHKT Không quân) khẩn trương vận chuyển gạo, mì ăn liền, thóc giống, nước mắm và vở học sinh lên hai máy bay Mi-8 (92102) và Mi-8 (7831) . Đúng 9 giờ 45 phút, máy bay Mi-8 (831) cất cánh, 30 phút sau trực thăng Mi-8 (92102) cũng bay lên, thẳng hướng vùng núi Canh Liên.

Qua cửa sổ máy bay, chúng tôi thấy cả một vùng rừng núi như bãi chiến trường. Lũ cuốn từng mảng rừng nham nhở, cây cối gãy đổ chồng lên nhau. Những mái nhà xơ xác, những cánh tay người dân đứng trên nóc nhà vẫy khăn cứu trợ… Qua cửa sổ máy bay, chúng tôi thấy cả một vùng rừng núi như bãi chiến trường. Lũ cuốn từng mảng rừng nham nhở, cây cối gãy đổ chồng lên nhau. Những mái nhà xơ xác, những cánh tay người dân đứng trên nóc nhà vẫy khăn cứu trợ.

Khi máy bay vừa tiếp đất, đã có hàng ngàn người dân vây quanh. Những ánh mắt nghẹn ngào, những tiếng hò reo phấn khởi… Những bao gạo, những thùng mì ăn liền, nước mắm, những chồng sách vở… ngay lập tức được chuyển từ trực thăng xuống trao tận tay người dân.


Ảnh minh họa

Hàng ngàn người dân vùng cô lập mong mỏi đoàn cứu trợ

Ông Đinh Văn Trí (75 tuổi), dân tộc Ba Na (thôn Hà Giao, xã Canh Liên) nghẹn ngào nói: “Lũ về nhà tui đổ sập, đồ đoàn trôi hết, mấy ngày liền cái bụng chỉ biết ăn sắn trộn rau rừng. Nếu không có các chú bộ đội cứu trợ gạo, nước mắm, thì chẳng biết khi mô già có cơm ăn!”.


Thầy giáo Minh Thanh Thảo (dân tộc Chăm), giáo viên chủ nhiệm lớp 3+4, trường tiểu học Canh Liên tâm sự: “Bão số 11 là nỗi kinh hoàng của bà con vùng cao này. Trong những năm qua, đời sống của nhân dân chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng nước, nhưng nay lũ cuốn sạch. Cách đây hai tuần, hơn 100 cán bộ học viên trường Quân sự Binh đoàn Tây Nguyên cắt rừng cõng gần 3 tấn gạo lên cứu trợ, nhưng số lượng ấy cũng đã sử dụng lo bữa ăn cho học sinh và phân phát cho bà con gần hết…”

Ông Đinh Văn Bưởi, Chủ tịch UBND xã Canh Liên cho biết thêm: “Gần một tháng nay, Canh Liên bị cô lập hoàn toàn, hiện đã có 511 hộ/2.238 người dân có nguy cơ thiếu ăn; trên 500 học sinh thiếu sách vở. Toàn bộ hệ thống giao thông bị sạt lở nghiêm trọng, bà con các làng Cà Bưng, Cà Bông, Canh Tiến muốn nhận hàng cứu trợ cũng phải luồn rừng đi bộ hơn 10 km”.


Ảnh minh họa

Cụ già người dân tộc địu cháu đi nhận hàng cứu trợ

Thấu hiểu nỗi mất mát, gian khổ của người dân, cán bộ chiến sỹ Đơn vị C54 (Đoàn Không quân B72); Đơn vị C40 (trường CHKT Không quân) và Bộ CHQS tỉnh Bình Định làm việc thông tầm với quyết tâm “Không để dân đói, dân rét; học sinh không đến trường”. Đơn vị C40 huy động hơn 400 lượt cán bộ chiến sỹ vận chuyển 5 tấn gạo, 8 tấn thóc giống, 43 thùng nước mắm, 10.000 túi vở học sinh… lên trực thăng để cứu trợ.

Trong điều kiện khí hậu, thời tiết không thuận lợi nhưng 2 tổ bay của Đơn vị C54 đã tổ chức 14 chuyến bay chở gần 15 tấn hàng cứu trợ đến với bà con vùng bị chia cắt. Bộ CHQS tỉnh Bình Định cũng đang huy động bộ đội, phương tiện góp sức với các lực lượng trong toàn tỉnh chạy đua cùng thời gian, phấn đấu thông tuyến trong 10 ngày tới…

Trong bão lũ, các chiến sĩ không quản hiểm nguy về cứu nạn nhân dân. Sau lũ, người lính lại đến với đồng bào bằng tấm lòng sẻ chia khó khăn, gian khổ. Những việc làm tình nghĩa ấy nhân lên niềm tin yêu, kính trọng của nhân dân đối với “Bộ đội Cụ Hồ”.

Nguyên Quang (Vnmedia.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất