Thứ Sáu, 20/9/2024
Giới thiệu tác phẩm
Chủ Nhật, 3/2/2013 17:19'(GMT+7)

“Én nhỏ ơi thấy chăng” - một nốt nhạc ca ngợi Đảng!



Mùa xuân đã lại về !

Mỗi khi mùa xuân đến, lòng người Việt Nam đều hướng về Đảng. Viết về công ơn của Đảng đối với dân tộc, mỗi nhạc sĩ lại có cách thể hiện khác nhau. Có người thể hiện trực tiếp (như Đảng đã cho ta cả một muà xuân, Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng của Phạm Tuyên; Màu cờ tôi yêu của Diệp Minh Tuyền…). Nhưng có nhạc sĩ lại thể hiện  lòng biết ơn Đảng bằng cách gián tiếp thông qua việc ca ngợi những đổi mới mà ánh sáng cuả Đảng đã đem lại cho dân tộc. Bài hát Én nhỏ ơi thấy chăng của tác giả Đông Huyền là một trường hợp như thế.

Bài hát được mở đầu bằng một hình ảnh rất đẹp của mùa xuân: Cánh én trên trời cao vẫy gọi mùa xuân tới, lung linh cánh hoa đào, toả hương trong nắng mới…Câu mở đầu bài hát như một bức tranh thuỷ mặc tả cảnh thôn quê, mở ra trước mắt ta với những đặc trưng của ngày Tết cổ truyền:  Cánh hoa đào nở lung linh trong nắng xuân tỏa hương ngan ngát. Trên trời cao, cánh én chao nghiêng vẫy gọi chào mời. Trong khung cảnh đó, con người trở nên thư thái, thêm yêu cuộc sống. Với mùa xuân của đất trời, vạn vật như bùng tỉnh dưới nắng xuân ấm áp sau một giấc ngủ dài cuả mùa Đông. Khi bay vút trên tầng mây, én nhỏ ơi có thấy, cuộc sống đang từng ngày đổi thay. Cánh én bay liệng trên trời cao có thấy chăng những thay đổi của đất nước từ khi có Đảng, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, đón nhận luồng gió xuân cuả thời kỳ hội nhập. Biết bao miền quê đã thay da đổi thịt. Thiên nhiên cũng như con người, đều cảm nhận được những thay đổi ấy. Nghe câu hát này, tôi lại liên tưởng đến câu hát của nhạc sĩ Trần Hoàn phổ thơ Thanh Hải trong bài Mùa xuân nho nhỏ:

 Mọc giữa dòng sông xanh, một bông hoa tím biếc, ơi con chim chiền chiện hót chi mà vang trời! Tùng giọt long lanh rơi, tôi đưa tay hứng về…

Khi nói đến muà xuân bao giờ cũng là những gì khởi sắc tươi mới, là sự thay thế cái cũ bằng những cái mới tốt đẹp hơn, là sự sinh sôi nảy nở… Nhà thơ Tố Hữu  cũng đã nói về sự đổi thay từ khi có Đảng bằng việc miêu tả :

Mái rạ ngàn năm hồng thay sắc ngói

Gạch mới nung đá trắng chất ven đường

Khói lò bay quanh những phố phường”


Ở đây, tác giả Đông Huyền đã nói với chú én nhỏ trên trời cao: Chú hãy nhìn xem, khắp các miền quê trên đất nước Việt nam đều thay da đổi thịt. Thật ngạc nhiên và mới lạ khi nông thôn Việt Nam từng ngày đổi mới với:

Nhà cao cao mọc lên, đường xe đi rộng thêm, đèn điện lấp lánh thâu đêm. Làng quê tươi đẹp thêm, lời ca vang dịu êm, tung tăng kìa đàn em thơ vui trong vườn xuân

Đúng vậy. Có về các miền quê mới thấy hết sự thay đổi ấy. Không còn những mái nhà tranh bởi chúng ta đã có chương trình xoá nhà dột nát cho người nghèo. Không còn các con đường đất lầy lội mỗi khi mưa và bụi mờ mỗi khi nắng bởi chúng ta đã có chương trình bê tông hoá đường nông thôn. Hai bên đường là những dãy nhà cao mới, tạo vẻ đẹp của bộ mặt mới cho nông thôn Việt Nam. Chương trình Điện khí hoá nông thôn đã làm cho các làng quê Việt Nam như lung linh hơn. Còn biết bao chương trình nữa như Kiên cố hoá trường học, Bê tông hoá kênh mương, và gần đây nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới …

Không chỉ có cơ sở hạ tầng được chú ý mà đời sống tinh thần cuả người dân cũng được thay đổi rõ nét. Biết bao chương trình Tết cho người nghèo được tất cả mọi người chung tay góp sức đã giúp cho người người có Tết, nhà nhà có Tết. Hàng triệu việc làm, nghĩa cử thiết thực cùng chia sẻ với những mảnh đời kém may mắn mà ta không thể kể hết… Đó đây vang vang lời hát cuả những khúc hoan ca ca ngợi Đảng – Bác - mùa xuân. Và thật đẹp, trong khung cảnh đó, các em thơ đựơc cắp sách tới trường. Các em được học những tri thức để làm chủ nhân cuả đất nước, tiếp tục dựng xây Tổ Quốc đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Trong vườn xuân cuả Cách mạng, các em như những chồi non được ươm mầm, mà Đảng là mùa xuân cuả các em, đã vun trồng cho những mầm non ấy được phát triển toàn diện.

Bài hát sáng tác năm 2007, khi công cuộc đổi mới của Đảng ta đã gặt hái được những thành tựu rõ nét. Bài được viết ở giọng đô trưởng, thể 1 đoạn đơn, có 4 câu vuông vức. Tác giả chọn loại nhịp ¾ là loại nhịp dễ hát, cao độ tiến hành bình ổn trong quãng 8 (đô- đố), tiết tấu chỉ là những nốt đen, trắng, móc đơn, có các dấu luyến tạo sự mềm mại của câu hát. Với ca từ ngắn gọn, dễ hiểu, tác giả đã vẽ lên một bức tranh khởi sắc cuả quê hương Việt Nam từ sau ngày đổi mới.

 Én nhỏ ơi thấy chăng là bài hát ca ngợi mùa xuân, cũng là một nốt nhạc trong bản hoà tấu ca ngợi công lao của Đảng đối với sự nghiệp đổi mới của đất nước ta. Và khi nghe bài hát, ta không thể phân biệt được “chuyên nghiệp” hay nghiệp dư, bởi bài hát đã giúp người nghe cảm nhận được nét vui tươi, niềm phấn khởi cuả mỗi người dân Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, dưới ánh sáng của Đảng.

 Mỗi khi nghe giai điệu bài hát cất vang, ta lại như muốn bay lên cùng cánh én, chao liệng trên trời cao để ngắm nhìn sự thay đổi từng ngày cuả quê hương Việt Nam. Đó cũng chính là tâm trạng của tất cả những công dân Việt Nam đang muốn cống hiến cho sự nghiệp đổi mới, góp phần dựng xây mùa xuân cuả dân tộc Việt Nam mãi mãi trường tồn.


Tác giả Đông Huyền có tên thật là Nguyễn Văn Đồng - nguyên là chuyên viên của Văn phòng Chính phủ - nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Côn Minh (Trung Quốc) từ tháng 3/2004 đến tháng 12/2007. Tuy sự nghiệp của ông không chuyên về sáng tác âm nhạc, nhưng ngoài bài  “Én nhỏ ơi thấy chăng” ông còn rất nhiều bài hát khác mà khi còn làm Tổng lãnh sự tại Côn Minh như: Em là cô sinh viên ( để tặng sinh viên), Quê hương mình đẹp nhất (để tặng Việt Kiều), Đêm trung thu (ca ngợi quê hương đất nước Việt Nam), Điện đến bản ta, Khi chuối được muà, Lưu luyến Xuân Thành, Đêm chia tay, Việt Nam - Trung Quốc kề vai tiến lên (ca ngợi tình hữu nghị)… Ông đã được nước bạn tổ chức một đêm nhạc mang tên “Nốt nhạc bắc nhịp cầu vồng, âm thanh nối tình hữu nghị” trong đó có giới thiệu 8 bài hát của ông.

Diệp Nguyễn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất