Tác giả sách này, bác Nguyễn Bá Đạm, năm 2010 đã là chín mươi ba tuổi. Quê bác là làng Mọc cách Hồ Gươm không quá năm nghìn mét. Suốt thời thanh niên cho tới tuổi "cổ lai hy", bác sống giữa lòng Hà Nội cổ.
Vậy mà ký ức con người ta có thể ghi nhớ những gì đã thấy, đã nghe, từ khi bảy, tám tuổi. Cho nên bác Đạm đã là chứng nhân của "thuở ấy Hà Nội". Nay bác ghi chép lại những việc và người Hà Nội mà bác biết suốt gần một thế kỷ qua.
Thật đáng quý công việc này, ngoài chín mươi tuổi mà bác vẫn cần mẫn viết để giúp bạn đọc ngày nay hiểu về ngày xưa, biết về một đô thành đi đầu trong quá trình chuyển hóa từ một đô thị trung cổ sang một đô thị hiện đại ở đất Bắc. Mà khi đã sang phạm trù hiện đại thì sự việc biến đổi khá nhanh, có những chuyện Hà Nội cũ mà ngay bạn đọc nay ở tuổi trung niên không phải ai cũng tỏ tường.
Bằng một lối kể dung dị, hồn hậu, tác giả như dựng lại một bộ "phim ký sự" về Hà Nội thế kỷ XX với một tình cảm thân thiết, trìu mến. Có những việc nhỏ nhặt nhưng thú vị: Tiếng súng lúc 10h, ngày hội Tây cắt-tó dâu-dê (14 Juillet), cách quảng cáo một tối hát tuồng, lối bán dầu tây, nước mắm…
Có những sự kiện làm xôn xao thành phố như phiên xử án cụ Phan Bội Châu, vua Thành Thái ra dự khánh thành cầu Đume; người Tàu chạy loạn quân Nhật, sang trú ở Hà Nội… Rồi chuyện về những người từng một thời là nhân vật nổi tiếng của Hà Nội: Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố, Bạch Thái Bưởi, cô Tư Hồng… Có những trang ghi lại các sự kiện mà tác giả từng tham gia như đám cưới rồi đám ma Vũ Trọng Phụng, kỷ niệm mặn nồng với nhà văn Nguyễn Tuân, với danh họa Bùi Xuân Phái…
Đặc biệt là vốn gốc Kẻ Mọc nên những mục "Làng Mọc", "Hội Mọc", "Quận Thanh Xuân" là những ghi chép rất thực, rất chính xác về dải đất ven đô này. Có thể nói hễ ai khảo về vùng Mọc thì trước hết hãy đọc những mục trên.
Ngoài ra, tác giả vốn là một nhà sưu tầm tiền cổ tiên phong và lâu đời nhất ở Hà Nội hiện nay nên những trang viết về "Tiền Việt Nam" có thể coi là một luận văn chuyên khảo công phu về đề tài này.
Nếu cứ điểm ra như trên thì còn nhiều điều phải nêu nữa, song phạm vi một bài giới thiệu không cho phép nói dài nên tôi chỉ muốn phát biểu một cảm nhận là: được tác giả cho đọc tác phẩm khi còn ở dạng bản thảo như thế này thật là vui và cảm động. Tôi cũng đã có dăm sáu chục năm nghiên cứu Hà Nội, song có những điều mà chỉ khi đọc "Thuở ấy Hà Nội", tôi mới thấu hiểu.
Cho nên trước hết, xin cảm ơn tác giả đề nghị tôi viết bài Tựa, đồng thời đã giúp tôi hiểu thêm về thành phố Thủ đô mà tôi hằng yêu quý. Do vậy, tôi xin trân trọng giới thiệu tác phẩm này với đông đảo bạn đọc và tin rằng khi đọc nó, hẳn bạn sẽ thực sự hài lòng./.
(Nguyễn Vinh Phúc/CAND)