Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa (23-11-1940 – 23-11-2010), NXB Chính trị Quốc gia xuất bản cuốn “Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 – Bản tráng ca sống mãi”. Sách dày 543 trang, được trình bày đẹp, trang trọng với ba phần: Đường tới cuộc khởi nghĩa, Nam Kỳ khởi nghĩa và Bản tráng ca sống mãi. Trong mỗi phần, cuốn sách giới thiệu các bài nghiên cứu có nội dung tương ứng với chủ đề của Ban nghiên cứu lịch sử Đảng các địa phương, các nhà nghiên cứu và nhân chứng lịch sử.
Mặc dù đang lâm chiến trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, nhưng đế quốc Pháp vẫn kiên trì theo đuổi chính sách thống trị Đông Dương. Xã hội Nam Kỳ những năm 30 của thế kỷ trước đang như thùng thuốc súng chờ mồi lửa. Tinh thần Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ VI được quán triệt và cụ thể hóa thành ý chí của Xứ ủy Nam Kỳ tại Hội nghị Tân Hương (Mỹ Tho, tháng 7-1940) và Hội nghị Xuân Thới Đông (Gia Định, tháng 9-1940).
Các đại biểu Xứ ủy quyết tâm phát động khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền về tay nhân dân trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề thời cơ, sự chuẩn bị chu đáo mọi mặt và chờ kế hoạch phối hợp hành động trong cả nước. Không khí chuẩn bị khởi nghĩa loang đến từng chi bộ Đảng, từng cơ sở cách mạng nơi thôn quê.
Các tổ chức quần chúng, ban quân sự, ban khởi nghĩa, đội tự vệ chiến đấu, du kích quân… lặng lẽ ra đời. Như ngọn gió bung ra không thể thu về, ngày 23-11-1940, cuộc khởi nghĩa bùng nổ, từ Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Mỹ Tho đến hầu hết các tỉnh Nam Kỳ.
Kế hoạch khởi nghĩa bị lộ từ trước, không có sự phối hợp hành động trong cả nước, cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ bị thực dân Pháp đàn áp đẫm máu. Gần 6.000 người (tính đến hết tháng 12-1940) bị bắt. Nhiều cán bộ Xứ ủy, Tỉnh ủy các địa phương bị tử hình. Chỉ còn một số đơn vị quân du kích rút vào nơi có địa thế thuận lợi tổ chức bảo tồn lực lượng, xây dựng căn cứ địa mưu chuyện lâu dài.
Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 là bản anh hùng ca bi tráng nhất trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Nam Kỳ. Như cảnh cuối cùng của một màn kịch, cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ đã lột bỏ tấm mạng che dân chủ giả hiệu trước đó, vạch trần bản chất đế quốc, phát xít của thực dân Pháp tại Đông Dương và Việt Nam nói riêng.
Lần đầu tiên, trong sự nghiệp đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược, kể từ sau cuộc khởi nghĩa Trương Định, nhân dân Nam Kỳ đã tiến hành một cuộc “động binh” với quy mô lớn chưa từng có.
Mặc dù bị thất bại, cuộc khởi nghĩa đã chứng tỏ ý chí, sức mạnh quật cường của quần chúng lao khổ trong một tình thế cách mạng đã hoàn toàn khác trước; chứng tỏ sự lớn mạnh, khả năng huy động và lãnh đạo quần chúng cách mạng của Đảng Cộng sản, chứng tỏ vai trò không thể thay thế của đội quân tiên phong của giai cấp công nhân trên vũ đài chính trị và đời sống xã hội Nam Kỳ trong những năm cuối thập niên 40 thế kỷ 20.
Với tất cả sự khốc liệt của nó, cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ đã trở thành một cuộc tổng diễn tập, một trận thử lửa, nơi tôi rèn ý chí và bản lĩnh đấu tranh của lực lượng cách mạng. Nó không chỉ cung cấp những bài học lịch sử về xây dựng lực lượng vũ trang, chọn thời cơ, xây dựng kế hoạch và điều hành khởi nghĩa, về công tác bảo mật quân sự và xây dựng căn cứ địa cách mạng; mà còn để lại nhiều đội quân du kích và một bộ phận trong số họ tiếp tục tồn tại, trở thành lực lượng vũ trang nòng cốt trong Cách mạng tháng Tám.
Cùng với khởi nghĩa Bắc Sơn (tháng 9-1940), cuộc binh biến Đô Lương (tháng 1-1941), cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ là tiếng súng báo hiệu cho một thời kỳ đấu tranh mới, thời kỳ suy đổ của chế độ cai trị chủ nghĩa thực dân kiểu cũ của thực dân Pháp ở Đông Dương, thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam nói riêng chuyển thành cao trào, tiệm bước đến ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.
Cuốn “Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 – Bản tráng ca sống mãi” ra mắt bạn đọc vào tháng 11 năm 2010 là một nỗ lực lớn của NXB Chính trị Quốc gia và tập thể các tác giả sưu tầm biên soạn (do Đại tá PGS-TS Hồ Sơn Đài làm chủ biên) nhân sự kiện lịch sử trọng đại này.
HÀ THẢO THỤC-SGGP