|
Richard A. Posner |
Gần đây nhất, cuốn sách có tên “Một thất bại của chủ nghĩa tư bản: Cuộc khủng hoảng năm 2008 và sự rơi vào suy thoái” (A Failure of Capitalism: The Crisis of '08 and the Descent into Depression) do Harvard University Press xuất bản tháng 4-2009 đã gây tiếng vang lớn trên dư luận thế giới.
Có lẽ cuộc khủng hoảng ấy cùng các hậu quả tai hại của nó sẽ được thế hệ những người đang sống trên Trái Đất này mãi mãi ghi nhớ trong đời mình. Không chỉ ghi nhớ, họ còn muốn biết nguyên nhân xảy ra và giải pháp vượt qua cuộc khủng hoảng này.
Đó là lý do tại sao người ta hết sức quan tâm tới những bài nói và viết cùng những cuốn sách trình bầy quan điểm của các nhà nghiên cứu.
Tác giả sách, giáo sư Richard Posner là một tên tuổi rất nổi danh trong giới luật-kinh tế học, hiện là thẩm phán Tòa án Kháng án Liên bang Mỹ Vòng thứ 7 tại Chicago (judge on the United States Court of Appeals for the Seventh Circuit in Chicago, từ 1981 tới nay; và từng là Chánh án Tòa này nhiệm kỳ 1993-2000) đồng thời là giảng viên cấp cao trường Luật thuộc đại học Chicago. Ông là tác giả của hơn 40 đầu sách về pháp lý và kinh tế, là người sáng lập môn kinh tế pháp luật học. Năm 1999, Posner từng được Thời báo New York bình chọn là Thẩm phán được kính trọng nhất nước Mỹ.
Trong tác phẩm dầy 346 trang nói trên (sau đây viết tắt là Thất bại của chủ nghĩa tư bản) Posner đưa ra lời giải cho các câu hỏi của tất cả mọi người khi họ bàn về cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế hiện nay:
- Cuộc khủng hoảng đã xảy ra như thế nào, nhất là sau khi đã có bài học về cuộc Đại Suy thoái kinh tế hồi thập niên 30 thế kỷ XX?
- Vì sao người ta không dự kiến được cuộc khủng hoảng đó?
- Có thể dùng giải pháp nào để ngăn chặn nền kinh tế rơi vào cảnh suy thoái sâu sắc?
- Chính sách kích thích kinh tế của chính phủ sẽ có thể đem lại những tác động nào nữa?
- Đâu là nguồn gốc của tất cả những tai họa tài chính?
- Khủng hoảng kinh tế có phải là số phận không thể tránh khỏi của chủ nghĩa tư bản hay không? Đâu là sự thay thế tốt hơn?
- Tương lai nền kinh tế sẽ ra sao?
Khi trả lời các câu hỏi nói trên, Posner đã giải đáp một cách ngắn gọn dễ hiểu, không đòi hỏi người đọc phải có kiến thức về kinh tế vĩ mô hoặc lý thuyết tài chính, đây là ưu điểm chính của cuốn sách này. Tuy vậy, các quan điểm cấp tiến và sự phân tích vấn đề một cách sâu sắc của ông cũng làm các chuyên gia kinh tế quan tâm. .
Posner dẫn người đọc lướt qua các sự kiện chủ yếu trong cuộc khủng hoảng nói trên: nguồn vốn dư thừa từ châu Á đổ vào Mỹ và việc Cơ quan Dự trữ Liên bang Mỹ FED khinh xuất duy trì chính sách lãi suất thấp; mối quan hệ giữa mức lương bổng (quá cao) của các nhà lãnh đạo công ty với mục tiêu lợi ích ngắn hạn và các khoản vay rủi ro cao; bong bóng nhà đất phát sinh từ tác động tổng hợp của các tình trạng lãi suất thấp, tăng cường cho vay có thế chấp và hệ thống giám sát quản lý tài chính lỏng lẻo; mức tích lũy thấp của người Mỹ ... Trong phần kết luận, tác giả cho rằng con lắc kinh tế đã lắc (giao động) quá xa, hiện nay cần thực thi giám sát quản lý nghiêm ngặt thị trường tài chính Mỹ. Nguyên nhân cơ bản của tai họa này là sự rủi ro có tính hệ thống của thị trường tự do, bởi vậy có thể nói đây là một thất bại của chủ nghĩa tư bản.
Điểm nổi bật làm cho Thất bại của chủ nghĩa tư bản không giống với các trước tác khác viết về khủng hoảng kinh tế 2008 là ở chỗ sách này đã đào bới vấn đề đến các tầng nấc của chế độ tư bản. Là một nhà kinh tế học pháp luật, Posner đưa cuộc thảo luận về khủng hoảng kinh tế xuống sâu tới tận tầng nấc chế độ, thể chế đã gây ra khủng hoảng. Là một người tin vào thị trường tự do, ông nhìn thấy khả năng chủ nghĩa tư bản tất nhiên phải có sự thỏa hiệp trong cuộc khủng hoảng này – báo chí Mỹ gọi đó là khởi điểm mới không thể thiếu trong tiến trình vượt qua khủng hoảng. Vì vậy, Thất bại của chủ nghĩa tư bản không chỉ bàn thảo các vấn đề kinh tế mà còn đề cập rộng rãi tới những tình hình thay đổi mới trong tương lai trên các lĩnh vực chính trị và kinh tế – đây là đặc điểm làm cho tác phẩm của Posner có sức thu hút người đọc.
Giờ đây báo, đài, mạng trên toàn thế giới đang hăng hái bàn thảo về khủng hoảng tài chính kinh tế, và cùng với sự bàn thảo ngày một đi vào chiều sâu, người ta đang tái suy ngẫm về khủng hoảng và thử bàn luận về những thay đổi có tính thể chế, chế độ nên có. Đọc Thất bại của chủ nghĩa tư bản của Richard Posner, người ta có thể tìm ra những lời giải thích hợp cho các thắc mắc của mình về cuộc khủng hoảng tồi tệ chưa từng có này. Giới bình luận sách cho rằng hiện nay là thời điểm thích hợp nhất để đọc sách Thất bại của chủ nghĩa tư bản./.
(Theo: ND)