Chủ Nhật, 13/10/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 23/7/2011 15:14'(GMT+7)

Đã có tới 80 người chết trong vụ xả súng ở Na Uy

Đưa người bị thương rời đảo Utoya. (Ảnh: AP)

Đưa người bị thương rời đảo Utoya. (Ảnh: AP)

"Số liệu cập nhật mới nhất mà chúng tôi có được là có ít nhất 80 người (chết)", người đứng đầu lực lượng cảnh sát Oystein Maeland phát biểu tại một cuộc họp báo. "Chúng tôi không thể đảm bảo rằng con số này không tăng lên," ông nói và cho biết thêm rằng có một số người bị thương rất nặng.
 
Một quan chức cảnh sát cấp cao khác là Sveinung Sponheim cho biết cảnh sát đang nỗ lực tìm hiểu với giả thiết có một số người tham gia vào vụ tấn công. "Ít nhất có một khẩu súng tự động đã được sử dụng", ông nói.

Trước đó báo chí Na Uy cho biết cảnh sát nước này đã bắt giữ một người đàn ông giả dạng cảnh sát bắn chết ít nhất 10 người tại một hội nghị thanh niên của Công Đảng ngày 22/7 ở một trại Hè trên hòn đảo Utoya gần thủ đô Oslo. Trong khi đó, đài truyền hình NRK đưa tin một nhân chứng nói đã nhìn thấy hơn 20 xác chết trong vụ xả súng này.

Vụ xả súng này diễn ra ngay sau vụ nổ đã làm hư hại các toà nhà chính phủ ở Oslo, làm bảy người thiệt mạng và hai người bị thương nặng.

Cảnh sát nói rằng người đàn ông bị bắt giữ nói trên có liên quan đến vụ đánh bom ở trung tâm thủ đô Oslo. Theo một số nhân chứng thì nghi phạm này là một người Na Uy, tóc vàng, cao khoảng 1m90. Kẻ này đã giả dạng cảnh sát và nói rằng tới để bảo vệ an ninh sau vụ đánh bom ở Oslo, rồi xả súng vào những người tham dự trại hè.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, nhà chức trách Na Uy đã cử lực lượng chống khủng bố tới đảo Utoya.

Trước đó, có thông tin nói rằng Thủ tướng Jens Stoltenberg đã không có mặt ở tòa nhà văn phòng tại Oslo thời điểm xảy ra vụ đánh bom vì ông tới dự trại hè của Công đảng, tức đảng phái mà ông đại diện. Tuy nhiên sau đó, phát biểu trên kênh truyền hình TV2 từ một địa điểm bí mật, Thủ tướng Jens Stoltenberg cho biết cảnh sát đề nghị ông không tiết lộ nơi mình đang ở để đảm bảo an toàn.

Hiện một nhóm khủng bố có tên Ansar al-Jihad al-Alami (tạm dịch là Những kẻ giúp đỡ chiến binh Thánh chiến toàn cầu) đã phát đi thông cáo nhận trách nhiệm về vụ đánh bom vào tòa nhà chính phủ Na Uy tại Oslo, chuyên gia về chống khủng bố Will McCants của Viện nghiên cứu chiến lược CNA cho biết.

Thông điệp này nói rằng đây là vụ tấn công nhằm đáp trả việc Na Uy đưa quân tới Afghanistan, đồng thời đã xúc phạm tới đấng Tiên tri Muhammad. “Chúng ta đã cảnh báo kể từ sau vụ tấn công ở Stockholm”, thông cáo của nhóm này viết, có liên hệ tới vụ đánh bom ở Thụy Điển tháng 12/2010. “Những gì mà các người thấy mới chỉ là bắt đầu mà thôi.”

Tuy nhiên, lời nhận trách nhiệm này vẫn chưa được giới chức Na Uy xác nhận. Cảnh sát Na Uy vẫn chưa khẳng định vụ nổ ở tòa nhà chính phủ có phải là đánh bom khủng bố hay không./.

Cộng đồng quốc tế lên án các vụ tấn công ở Na Uy

Nhiều nước trên thế giới đã lên án mạnh mẽ hai vụ tấn công đẫm máu ở Na Uy ngày 22/7 khiến nhiều người thiệt mạng.

Chính phủ các nước khẳng định những thủ phạm đã hoàn toàn mất nhân tính trong hành động bạo lực "hèn hạ" này, đồng thời cam kết tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tình báo nhằm ngăn chặn những vụ việc tương tự xảy ra trong tương lai.

Trong một tuyên bố, Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU), ông Herman Van Rompuy cho biết ông đã gửi thông điệp chia buồn và đoàn kết của 27 nước trong liên minh tới chính phủ và nhân dân Na Uy.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso khẳng định ông choáng váng trước "những hình ảnh ghê rợn" của vụ đánh bom ở thủ đô Oslo và vụ xả súng sau đó vài giờ.

Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU, bà Catherine Ashton tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Na Uy vượt qua tình cảnh khó khăn hiện nay và EU sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình.

Trong khi đó, ông Anders Fogh Rasmussen, Tổng Thư kí Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), mà Na Uy là một thành viên, cùng lãnh đạo nhiều quốc gia châu Âu khác như Anh, Pháp, Đức, Hà Lan cũng cam kết sát cánh với nhân dân và chính phủ Na Uy sau các vụ tấn công này.

Phát biểu sau cuộc hội đàm tại Washington với Thủ tướng New Zealand, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hối thúc cộng đồng quốc tế đẩy mạnh hợp tác chống khủng bố, sau vụ tấn công kép tại Na Uy. Theo ông, đây là lời nhắc nhở rằng toàn thể cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ ngăn chặn hành động khủng bố như thế này xảy ra và rằng các nước cần phải hợp tác trong lĩnh vực tình báo để ngăn chặn những vụ tấn công đó. Bộ Ngoại giao Mỹ cùng ngày đã gọi các vụ tấn công tại Oslo là "hèn hạ" đồng thời cho hay đã đề nghị giúp đỡ nhà chức trách Na Uy.

Trong khi đó, Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg tuyên bố nước này đang ở trong tình thế "nghiêm trọng" sau vụ tấn công kép ở thủ đô, đồng thời cho biết đã triệu tập một cuộc họp nội các khẩn cấp cũng như sẽ gặp lãnh đạo các chính đảng lớn trong ngày 23/7.

Thủ tướng Stoltenberg nêu rõ tình hình rất nghiêm trọng sau khi xảy ra vụ đánh bom ở khu nhà chính phủ cũng như sau vụ xả súng ở đảo Utoeya. Các nhân viên y tế và lực lượng an ninh đang khẩn trương thực hiện công tác cứu hộ.

Theo các nhà phân tích, dù mang đặc trưng của những vụ tấn công kiểu Hồi giáo cực đoan, song hiện nay còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận nào về lực lượng đứng đằng sau hai vụ tấn công trên./.

(TG - Tổng hợp theo TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất