Thứ Tư, 27/11/2024
Khoa học, công nghệ
Chủ Nhật, 25/9/2011 14:46'(GMT+7)

Đà Nẵng chủ động phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống

 

Thành phố đã thành lập Trung tâm Công nghệ sinh học, Phòng nuôi cấy mô tế bào thực vật; Phòng xét nghiệm Sinh học phân tử và thiết bị Sinh học phân tử ứng dụng kỹ thuật y sinh học phân tử trong chẩn đoán bệnh và xét nghiệm Elisa, test nhanh, giải trình tự AND …; triển khai thành công nhiều dự án như: Dự án sản xuất hàng hóa nấm ăn và nấm dược liệu từ khâu sản xuất giống, sản xuất nấm thương phẩm đến sơ chế và bảo quản như nấm đùi gà, nấm kim châm, nấm rơm, nấm sò, nấm Linh chi... Dự án xây dựng Phòng thí nghiệm Enzim-Protein nhằm phục vụ nghiên cứu, triển khai thử nghiệm và ứng dụng công nghệ Enzim-Protein phục vụ trong các lĩnh vực công nghiệp tiêu dùng, thực phẩm, nông lâm ngư nghiệp, y dược và bảo vệ môi trường cho khu vực miền Trung và Tây nguyên.

Có 9 dự án Nông thôn miền núi được triển khai thực hiện với tổng kinh phí là 22.460,76 triệu đồng. Các dự án này đã tập trung triển khai ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất các giống hoa, cây trồng bằng công nghệ sản xuất nuôi cấy mô như hoa lan, hoa cúc, cây lá màu, các loại cây Dược liệu như Dó bầu, Sa nhân, cây Hồng Diệp (cây lá đỏ)... Các mô hình sản xuất tiên tiến, sử dụng giống mới cho năng suất và chất lượng cao như các mô hình nuôi bò lai sind, mô hình chăn nuôi dê thâm canh, mô hình sản xuất thức ăn chức năng cho tôm cá và chế phẩm vi sinh vật xử lý môi trường, mô hình sử dụng dung dịch anolite để xử lý môi trường trong chăn nuôi, mô hình về sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu...

Có 6 đề tài khoa học cấp thành phố liên quan đến công nghệ sinh học được triển khai với tổng kinh phí là 1.225,887 triệu đồng. Các đề tài chủ yếu tiếp tục hoàn thiện các quy trình sản xuất giống hoa nuôi cấy mô, xây dựng vườn giống gốc phục vụ nhân giống, ngoài ra có các đề tài về nghiên cứu sản xuất giống cá ngựa, nhân giống và trồng thử nghiệm cây lá đỏ, ứng dụng kỹ thuật PCR trong chẩn đoán điều trị bệnh viêm gan B, nghiên cứu ứng dụng biogas để chạy động cơ đốt trong. Bên cạnh đề tài khoa học cấp thành phố còn có một số đề tài cấp cơ sở, tuy quy mô nhỏ nhưng hiệu quả rất thiết thực, góp phần ứng dụng các thành tựu về công nghệ sinh học trên địa bàn thành phố như các đề tài về sản xuất hoa Cúc giống thương phẩm từ cây nuôi cấy mô bằng phương pháp bấm ngọn, sản xuất giống hoa Đồng tiền bằng phương pháp tách thân, sản xuất Phân vi sinh từ phế thải nông nghiệp, ứng dụng các chế phẩm sinh học trong xử lý môi trường và bảo vệ thực vật …

Trong lĩnh vực sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, đã tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, đóng góp thiết thực vào chuyển đổi cơ cấu kinh tế; tạo ra các công nghệ sản xuất các chế phẩm bảo vệ cây trồng, vật nuôi; tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị và xây dựng nông thôn mới, hình thành vùng nông nghiệp hàng hóa, áp dụng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi tiên tiến phục vụ phát triển nông thôn miền núi.

Thành phố đã tập trung du nhập, chuyển giao một số công nghệ sản xuất giống vật nuôi cho nông dân như ếch thương phẩm, cá rô phi đơn tính, cá điêu hồng, ba ba, cá bống tượng, tôm sú, tôm thẻ, cá ngựa... góp phần đa dạng đối tượng nuôi với các phương thức nuôi: thâm canh, xen canh, quản canh… Bên cạnh đó, các chế phẩm sinh học cũng đã được sử dụng rộng rãi trong nuôi trồng thủy sản, phổ biến như các chế phẩm BZT, EM, Dbest, Probiotic… được sử dụng để cải tạo ao nuôi, xử lý môi trường trong quá trình nuôi, bổ sung vào hệ tiêu hóa (cho ăn) và xử lý chất thải.

Đến nay đã có trên 90% diện tích lúa, 90% diện tích ngô được sử dụng giống mới, giống lai. Triển khai đến nông dân sử dụng cây giống nuôi cấy mô vào sản xuất, cụ thể như các đối tượng hoa lan, hoa cúc, hoa đồng tiền, hoa Lyly...Việc trồng hoa bằng giống nuôi cấy mô phát triển mạnh mẽ và phổ biến ở các vùng trồng hoa chuyên canh của thành phố. Các chế phẩm sinh học được ứng dụng trong phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng như BT1, Rolam … bước đầu được sử dụng thay thế các lọai thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Ngoài ra, một số chế phẩm sinh học dùng cải tạo đất, xử lý phế thải nông nghiệp như Acticlear, EM... sử dụng rộng rãi nhất là xử lý phế thải sau trồng nấm để sản xuất phân hữu cơ vi sinh. Phân bón hữu cơ sinh học như phân hữu cơ vi sinh Sông Gianh, phân hữu cơ Đầu trâu, phân có nguồn gốc sinh học chiết xuất từ thảo dược như WEHG, phân vi sinh do Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố hướng dẫn sản xuât được sử dụng tại các vùng sản xuất lúa, cây màu, rau an toàn nhằm giảm và thay thế dần các loại phân có nguồn gốc hóa học.

Trong chăn nuôi, đã chuyển từ chăn nuôi quy mô nhỏ, hộ gia đình sang chăn nuôi trang trại ứng dụng công nghệ chuồng lồng, hầm Biogas và triển khai thực hiện nhiều chương trình như nạc hoá đàn heo, sind hoá đàn bò, sử dụng các giống mới vào sản xuất nên năng suất, chất lượng được nâng cao. Thành phố đã có trại giống heo hướng nạc cấp giống ông bà để cung cấp giống heo bố mẹ cho các trang trại chăn nuôi trên địa bàn thành phố. Trại giống cá nước ngọt Hòa Khương của thành phố và các cơ sở giống của tư nhân về ba ba, lợn, đà điểu, giun quế, ươm cá, nuôi lợn bán hoang dã cũng góp phần cung cấp giống trên địa bàn. Về trang trại chăn nuôi, tính đến năm 2010 trên địa bàn thành phố có tổng cộng 154 trang trại chăn nuôi.

Người chăn nuôi trên địa bàn thành phố đã sử dụng khá phổ biến thức ăn có các chế phẩm enzyme như amylase, phytase, protease… và các nhóm vi sinh vật hữu ích được bổ sung vào thức ăn chăn nuôi nhằm cải thiện hiệu quả chăn nuôi thông qua cải thiện hệ tiêu hóa, hạn chế vi sinh vật gây bệnh, giảm dần và thay thế các chất kích thích tăng trưởng có nguồn gốc hóa học và các chất kháng sinh; Sử dụng chế phẩm EM để xử lý môi trường chăn nuôi kìm hãm và hạn chế sự phát triển của nhóm vi sinh vật lên men thối và gây bệnh; Ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả các loại vacxin phòng bệnh gia súc, gia cầm.

Trong lĩnh vực y tế, đã áp dụng kỹ thuật PCR trong chẩn đoán bệnh, đây là một kỹ thuật y sinh học phân tử tiên tiến giúp chẩn đoán sớm và có độ chính xác cao trong chẩn đoán các bệnh nhiễm virus, vi khuẩn; dùng để xét nghiệm, chẩn đoán và theo dõi các bệnh phổ biến như viêm gan B, viêm gan C, lao, sốt xuất huyết, ung thư cổ tử cung; xét nghiệm xác định kiểu gen và các điểm đột biến kháng thuốc trên gen của một số virus, vi khuẩn gây bệnh khác. Bên cạnh đó, các kỹ thuật sinh thiết, kỹ thuật nuôi cấy tế bào cũng được sử dụng phổ biến trong chẩn đoán bệnh. Ngoài ra, trong phòng bệnh, ngành y tế thành phố đã tiến hành triển khai dịch vụ tiêm chủng vắc xin. Bên cạnh các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, thành phố đã triển khai nhiều loại vắc xin dịch vụ để đáp ứng nhu cầu phòng bệnh như văc xin viêm gan B, Thủy đậu, Viêm não Nhật Bản B, Quai bị-Sởi-Rubella, Viêm màng não Hib, cúm, dại ...

Trong công tác bảo vệ môi trường, thành phố đã áp dụng thành công kỹ thuật hầm Biogas xử lý chất thải chăn nuôi làm chất đốt rẻ tiền và bảo vệ môi trường nông thôn. Triển khai một số mô hình chuyển đổi Biogas để thay thế dầu Diesel chạy động cơ đốt trong, phục vụ chạy máy phát điện tại một số cơ sở chăn nuôi tập trung. Ứng dụng các chế phẩm sinh học trong xử lý nước thải, rác thải đô thị, xử lý môi trường chăn nuôi như xử lý nước thải sinh hoạt tập trung bằng công nghệ sinh học kỵ khí; xử lý nước thải tập trung tại một số Khu công nghiệp bằng công nghệ sinh học hiếu khí kết hợp với kỵ khí; ứng dụng công nghệ sinh học để xử lý rác thải, nước thải tại bãi rác Khánh Sơn; ứng dụng công nghệ chôn lấp kỵ khí tại bãi rác và công nghệ kỵ khí, hiếu khí kết hợp hồ sinh học đối với nước rỉ rác; kết hợp các loại chế phẩm vi sinh với sinh vật tự nhiên đã xử lý hiệu quả ô nhiễm về rác thải, nước thải tại bãi rác Khánh Sơn; xử lý chất thải tại các hộ chăn nuôi tạo ra khí sinh học (biogas) phục vụ cho nhu cầu cuộc sống tại các hộ nông dân ở huyện Hòa Vang của thành phố; hệ thống xử lý nước thải, sử dụng công nghệ men vi sinh để xử lý nước thải tại các bệnh viện, đảm bảo xử lý tốt toàn bộ nước thải bệnh viện trước khi thải ra môi trường.

Sử dụng chế phẩm sinh học Effective Microorganism (EM) và Enchoice Solutions, các chế phẩm thương mại dạng đa vi sinh vật để phun xịt tại các điểm ô nhiễm nhằm tăng cường khả phân giải chất thải hữu cơ, giảm thiểu mùi hôi và xử lý ô nhiễm. Sử dụng các sản phẩm thương mại có khả năng xử lý mùi hôi nhanh trong quá trình thu gom rác thải trên đường phố và tại các trạm trung chuyển. Sử dụng các sản phẩm vi sinh tăng cường hiệu quả xử lý nước thải ở một số công trình xử lý nước thải tập trung và tại các doanh nghiệp. Sử dụng các chế phẩm vi sinh kết hợp các giải pháp bổ sung xử lý mùi và ô nhiễm tức thời tại các công trình như: Hồ Đảo Xanh, sông Phú Lộc, Âu thuyền Thọ Quang...Thử nghiệm trồng cỏ Vetiver để xử lý kim loại trong nước thải tại một số doanh nghiệp, nước rỉ rác tại bãi rác Khánh Sơn để cải tạo, gia cố và tăng độ phì nhiêu cho đất. Thử nghiệm nuôi bèo để xử lý ô nhiễm và duy trì vệ sinh hồ Thạch Gián, Vĩnh Trung.

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW, thành phố Đà Nẵng đã bước đầu hình thành nên được một nguồn nhân lực công nghệ sinh học tương đối; đã thành công trong việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống trên lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, y tế và bảo vệ môi trường; góp phần rất lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng.

Phạm Phú Bình – Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất