Thứ Bảy, 23/11/2024
Bảo hiểm xã hội
Thứ Năm, 13/6/2019 14:56'(GMT+7)

Đa số đại biểu Quốc hội đồng tình với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên thảo luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên thảo luận

TĂNG TUỔI NGHỈ HƯU PHÙ HỢP VỚI XU HƯỚNG CHUNG

Đồng tình với quy định tăng tuổi nghỉ hưu, đại biểu (ĐBNguyễn Thị Thu Hà (Bắc Giang) cho rằng, các phương án Chính phủ trình vừa bảo đảm quyền, đồng thời thể hiện trách nhiệm của người lao động (NLĐcũng như có tính đến các yếu tố, điều kiện khác. Đặc biệt, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu không phải vấn đề mới, mà đã được bàn thảo nhiều lần khi sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2012, Luật BHXH năm 2014 và Luật Cán bộ- Công chức...

Theo phân tích của ĐB Hà, tuổi nghỉ hưu hiện hành được quy định cách đây gần 60 năm. Đến nay, các điều kiện về kinh tế, xã hội, lao động, sức khoẻ, tuổi thọ và yêu cầu về phát triển đất nước đều thay đổi rất nhiều... nên việc tăng tuổi nghỉ hưu đã đến lúc chín muồi. Đặc biệt, trong tương lai không xa, nước ta có nguy cơ thiếu lao động. Mặt khác, việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng đồng nghĩa với việc tăng số năm đóng BHXH, nên chắc chắn lương hưu của NLĐ, nhất là NLĐ nữ sẽ tăng; đồng thời còn tăng cơ hội đào tạo, quy hoạch bồi dưỡng cán bộ nữ.

Đồng quan điểm, ĐB Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) chia sẻ, Bộ luật Lao động (sửa đổi) tác động sâu sắc đến nhiều tầng lớp nhân dân, nên Quốc hội cần lấy ý kiến rộng rãi nhân dân trong việc tham gia vào quá trình sửa đổi luật. Tuy nhiên, việc xác định tuổi nghỉ hưu ở độ tuổi nào cần xác định trên điều kiện làm việc cũng như các yếu tố xã hội. Cũng theo ĐB Nguyệt, mặc dù độ tuổi bắt đầu tham gia vào thị trường lao động của nam và nữ ngang nhau, nhưng trong quá trình làm việc, nữ giới phải dành nhiều thời gian để thực hiện thiên chức làm mẹ cũng như chăm sóc gia đình, do đó thời gian làm việc thực tế của nữ thấp hơn nam giới, thậm chí trên trên thực tế còn thấp hơn so với luật định, dẫn đến lương hưu của nữ thấp hơn nam. Trong khi đó, tuổi thọ của nữ cao hơn nam, thời gian nữ hưởng lương hưu dài hơn nam, nên với mức lương hưu thấp đã làm chất lượng cuộc sống của nữ thấp hơn nam. Do vậy, ĐB Nguyệt kiến nghị cần rút ngắn khoảng cách thời gian nghỉ hưu của nữ và nam.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự thảo luật
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự thảo luật

Còn ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị Quốc hội lưu ý những tác động sau khi điều chỉnh tuổi nghỉ hưu được luật hóa. Theo ĐB Phương, các cơ quan báo chí, ĐBQH cần nắm bắt rõ để khi tiếp xúc cử tri thì giải thích cho người dân hiểu và thông suốt việc tăng tuổi nghỉ hưu chính là tận dụng tiềm năng trí tuệ của NLĐ cũng như phù hợp với giai đoạn dân số đang chuyển sang già hoá. “Tăng tuổi nghỉ hưu là vấn đề nhạy cảm, các nước khi tăng đều có sự phản ứng. Các DN không muốn tăng, nên cần quan tâm giải pháp tăng tuổi nhưng không gây phản ứng, tạo cơ sở ủng hộ của NLĐ khi luật ban hành”- ĐB Phương nhấn mạnh.

CÂN NHẮC ĐIỀU CHỈNH VỚI TỪNG NHÓM ĐỐI TƯỢNG

Dưới góc độ khác, ĐB Trương Phi Hùng (Long An) cho rằng, việc xem xét tăng tuổi nghỉ hưu phải quán triệt song hành với tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm và không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động; cũng như phải bảo đảm chất lượng, cơ cấu dân số và bình đẳng giới. Theo ĐB Hùng, từ năm 2021 thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, sẽ thu hẹp dần khoảng cách về thời gian nghỉ. Đối với những ngành nghề đặc biệt, NLĐ được nghỉ hưu sớm hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung.

Tuy nhiên, ĐB Hùng kiến nghị cần cân nhắc, xem xét tuổi nghỉ hưu của các đối tượng là công nhân lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất dịch vụ và một số ngành nghề sản xuất đặc thù, để tránh gây sốc về tình trạng thất nghiệp cũng như không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động. Cũng theo ĐB Nguyễn Phi Hùng, NLĐ hiện nay đang làm việc trong điều kiện còn rất khó khăn so với các nước trong khu vực, mức sinh hoạt bảo đảm cho cuộc sống còn hạn chế. Do vậy, trong trường hợp tăng tuổi nghỉ hưu, nên chia theo nhóm như: Nhóm lao động làm việc trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và nhóm lao động làm việc trong DN- để có sự tính toán hợp lý.

Cùng quan điểm, ĐB Ma Thị Thuý (Tuyên Quang) nhận định, tăng tuổi nghỉ hưu liên quan đến hàng chục triệu NLĐ, nên Chính phủ phải cân nhắc tính toán. Đặc biệt, Chính phủ cần đánh giá rõ tác động của quy định này đối với 5 vấn đề: Lực lượng lao động- cơ cấu lao động, chế độ hưu trí, quy hoạch bổ nhiệm cán bộ, thể lực, ý chí nguyện vọng của NLĐ... sau đó có phương án tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp.

Tranh luận về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho biết: Chế độ hưu trí chính thức bắt nguồn từ Nghị định 218/CP ngày 27/12/1961, thực hiện gần 60 năm và trong 60 năm qua không tăng tuổi nghỉ hưu- trong khi hệ thống tuổi thọ tăng từ 59,04 tuổi (từ năm 1960) lên 76,05 tuổi hiện nay. “Tuổi thọ cao đã gây áp lực lên hệ thống quỹ hưu trí Việt Nam. Trước đây, quỹ hưu trí là quỹ được Nhà nước bao cấp, bây giờ Nhà nước không bao cấp quỹ hưu trí, nhưng quỹ BHXH vẫn bao cấp. Nếu một người 55 tuổi về hưu khi có 20 năm đóng BHXH, trung bình mỗi năm đóng 4 tháng BHXH thì có 80 tháng tiền lương, nhưng khi về hưu tính bình quân sống 21 năm hưởng lương hưu nữa, thì tính ra đóng 80 tháng lương lại được hưởng tới 189 tháng- như vậy quỹ BHXH phải bù 89 tháng. Còn nếu về hưu sau khi có 25 năm đóng BHXH thì bù 89 tháng, 30 năm đóng thì bù 69 tháng, 35 năm đóng thì bù 59 tháng; còn nếu nghỉ hưu ở tuổi 60 thì quỹ bù cao nhất 45 tháng. Số tiền đó Nhà nước không bù, mà lấy của người đang đóng BHXH bù cho người đang hưởng, nên áp lực rất cao lên quỹ BHXH”- ĐB Lưu Bình Nhưỡng phân tích.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, về cơ bản, Quốc hội đồng thuận với phương án 1 và thống nhất với Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa yêu cầu Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng cũng yêu cầu Ban soạn thảo cần xem xét đến ý kiến của NLĐ, nhất là còn nhiều NLĐ trực tiếp (công nhân trong ngành giày da, dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, sản xuất đồ gỗ, lấy mủ cao su, giáo viên mầm non…) chưa đồng thuận với đề xuất lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu. Bên cạnh đó, cần xem xét đến nguyện vọng của một bộ phận NLĐ lớn tuổi, không còn muốn tiếp tục làm việc; hay như nhiều DN có thâm dụng lao động lớn, DN sử dụng nguồn lao động trực tiếp không muốn sử dụng lao động lớn tuổi cho những công việc trực tiếp sản xuất, bởi e ngại sức khỏe, độ nhanh nhạy, kỹ năng làm việc giảm, trong khi phải trả lương cao do thâm niên làm việc.

Cũng theo Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng, tuy tuổi thọ trung bình của người Việt Nam ngày càng cao nhưng sức khỏe chưa thật sự tốt (mắc nhiều bệnh tật ở người cao tuổi), trong khi tính chất công việc, môi trường làm việc, điều kiện an toàn vệ sinh lao động chậm được cải thiện. Do vậy, việc tăng tuổi nghỉ hưu cần xem xét đến các yếu tố, đối tượng, lĩnh vực ngành nghề; cần được thiết kế linh hoạt hơn và cân nhắc đến từng nhóm đối tượng cụ thể. “Chính phủ cần xem xét để tăng hoặc có lộ trình tăng; có các chính sách hỗ trợ linh hoạt đối với NLĐ bị suy giảm sức khỏe, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có quyền nghỉ sớm hơn so với quy định của luật”- Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng nói./.

Nguyệt Hà

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất