(Ảnh minh họa: TTXVN)
Ngày 11/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Đặc xá (sửa đổi). Có nhiều ý kiến khoa học và xác đáng, rất cần được bộ phận soạn thảo luật nghiên cứu tiếp thu, bổ sung. Tuy nhiên, chúng tôi lại muốn đề cập đến một vấn đề có thể coi là cái gốc về sự nhân văn của công tác đặc xá.
Hầu hết mọi người đều hiểu rằng, đặc xá, tha tù trước thời hạn là việc làm nhân văn của Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta. Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã tiến hành công tác này và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận cả trong nước và quốc tế. Kể từ năm 2009 (khi Luật Đặc xá có hiệu lực) đến nay, Đảng, Nhà nước ta đã thực hiện đặc xá cho khoảng 87.000 người. Các trường hợp này đều được theo dõi, xét duyệt kỹ lưỡng và được ghi nhận là có sự tiến bộ về chấp hành các quy định của pháp luật trong quá trình thi hành án. Việc ghi nhận những tiến bộ của những người lầm lỗi, từ đó đi đến đề xuất quyết định đặc xá cho họ là cả quá trình thực hiện sự nghiêm cẩn của các cơ quan duy trì pháp luật. Đó là những việc tốt, cao cả và nhân văn được xã hội ghi nhận.
Tuy nhiên, để công tác đặc xá thực sự trở thành một hoạt động tư pháp mang lại hiệu quả có tính chiều sâu thì cần phải giải quyết một số vấn đề cốt lõi, trong đó có việc quan trọng là tạo điều kiện để người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng, tức là bảo đảm cho họ có việc làm với mức thu nhập ổn định, có môi trường sống hòa đồng để hạn chế những nguy cơ trở thành người tái phạm. Theo thống kê chưa đầy đủ của cơ quan chức năng thì hiện nay, cả nước có khoảng 130 mô hình và hơn 500 cá nhân (doanh nghiệp) tham gia tiếp nhận, quản lý, giáo dục người được đặc xá, tha tù tái hòa nhập cộng đồng. Đó là những cơ sở điển hình trong cộng đồng để giúp đỡ những người lầm lỗi trở lại với cuộc sống đời thường. Nhưng như thế là chưa đủ so với số lượng những người được đặc xá qua từng năm. Vì vậy, đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương, nhất là các doanh nghiệp đứng chân trên từng địa bàn. Đã có nhiều mô hình giúp người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng có hiệu quả, như: Mô hình cho người được đặc xá vay vốn sản xuất ở huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ); mô hình ở huyện Hưng Nguyên (Nghệ An); mô hình của huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc)... đã giúp hàng trăm người được vay vốn, tổ chức sản xuất, kinh doanh và mở rộng quy mô để thu hút hàng trăm lao động có cùng cảnh ngộ tham gia lao động sản xuất, tạo hiệu ứng tốt trong cộng đồng. Từ thực tiễn có thể thấy, ở địa phương nào mà cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp cùng quan tâm đến công tác tái hòa nhập cộng đồng cho những người lầm lỗi thì ở đó tình hình an ninh trật tự luôn được bảo đảm và giữ vững, các loại vi phạm, tội phạm được kiềm chế.
Chúng ta đều hiểu rằng, tạo việc làm cho những người bình thường trong xã hội đã là một việc không mấy dễ dàng đối với Đảng, Nhà nước ta, vì vậy tạo việc làm cho người được đặc xá lại càng khó khăn hơn. Do đó, vấn đề tạo việc làm, tạo thu nhập cho người được đặc xá và cả những người mãn hạn phạt tù khi họ tái hòa nhập cộng đồng cần phải được nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng, tổ chức thành một vòng khép kín từ đào tạo, dạy nghề... cho đến tư vấn giới thiệu việc làm... để khi họ có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng là có thể tìm cho mình một “bến đỗ” hoàn toàn lương thiện. Bất cứ bộ luật nào muốn đi vào thực tiễn cuộc sống cũng phải có cái gốc căn bản. Luật Đặc xá muốn thực thi được tận cùng ý nghĩa nhân văn của mình thì phải bắt đầu từ việc tạo việc làm, tạo thu nhập cho những người được đặc xá./.
Trần Tuấn (Báo QĐND)