Thứ Sáu, 8/6/2018 9:28'(GMT+7)
Dọn sạch cản trở trên con đường phát triển
Ngày nay, đất nước ta có nhiều tiến bộ, văn minh, mặt bằng chung đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, sự tiến bộ đó chưa đạt mục tiêu đề ra. Con đường mà Đảng và nhân dân lựa chọn tiến tới mục đích dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh không ít gian nan, cản trở. Những cản trở đó là:
Khoảng cách giàu nghèo lớn
Sự phân hoá giàu nghèo quá lớn có nguyên nhân từ yếu kém của công tác quản lý nhà nước. Chúng ta khuyến khích làm giàu chính đáng nhưng người làm ăn chân chính giàu lên không nhiều. Trong khi đó, làm ăn bất chính lại giàu nhanh, có nhiều kẻ siêu giàu. Đó là nhờ thủ đoạn chiếm đoạt tài nguyên, tài sản công hoặc được bảo kê làm ăn phi pháp. Nếu người giàu là chủ doanh nghiệp, làm giàu chính đáng, hợp pháp, bằng trí thông minh, sức sáng tạo, có đóng góp phát triển lực lượng sản xuất của đất nước được trân trọng, tôn vinh. Số lượng doanh nghiệp loại này chiếm tỷ lệ thấp. Số doanh nghiệp thành lập ra vừa sản xuất kinh doanh theo nhu cầu thị trường vừa là “sân sau” hoặc thành lập ra chỉ làm "sân sau" của các quan chức có quyền lực chiếm một phần đáng kể trong cơ cấu doanh nghiệp. Số doanh nghiệp không phải “sân sau” tìm mọi cách quan hệ với quan chức có quyền lực, nhằm tạo quan hệ thân hữu, khai thác triệt để cơ chế “ xin - cho” hoặc có sự bảo kê để tăng lợi nhuận.
Quá trình hình thành quan hệ thân hữu trong sản xuất kinh doanh cũng là quá trình hình thành phát triển và củng cố nhóm lợi ích. Khi trong quan hệ sản xuất kinh doanh đã có sự hiện diện gắn bó của nhóm lợi ích thì việc thực hiện các quy định của pháp luật chẳng qua là hợp thức hóa quy trình, thủ tục chỉ để đối phó. Thí dụ nhiều doanh nghiệp trúng thầu mà vốn và năng lực, kinh nghiệm không phải là những yếu tố quyết định. Yếu tố quyết định phải là thân hữu quan chức và phải “chịu chơi”. Từ đó có nhiều nhà đầu tư “tay không” mà vẫn “ bắt được giặc”. Đáng sợ hơn là nhóm lợi ích chi phối xây dựng chính sách và dùng nhiều thủ đoạn đục khoét bòn rút tài sản công. Tiền Nhà nước vào túi nhiều quan chức ở bộ ngành và chủ doanh nghiệp bằng những ma thuật và lợi dụng sơ hở của pháp luật.
Các nghị quyết của Trung ương Đảng gần đây đã nhận diện đầy đủ và sâu sắc những thoái hóa, biến chất cùng những nguy cơ đe dọa sự sống còn của Đảng, của chế độ. Kết quả bước đầu của cuộc chiến chống “giặc nội xâm”, xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm dòng chảy thất thoát, lãng phí tài sản công đã củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và chế độ.
Vấn nạn hợp thức hóa dân chủ
Trong các văn kiện của Đảng, Hiến pháp và các đạo luật của Nhà nước luôn đề cao vai trò dân chủ, xác định dân chủ vừa là mục tiêu vừa động lực phát triển. Nhưng trong thực tế, việc thực thi dân chủ còn nhiều hạn chế, dân chủ trong không ít trường hợp được biến thái hợp thức ý chí của những người dùng quyền, tiền và tình cảm chi phối. Nhiều ngành, cấp, cơ quan, đơn vị đề ra và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở chưa thực chất. Trong nhiều cuộc họp, hội nghị, ý kiến người chủ trì hội nghị được coi là ý kiến kết luận, bất chấp những ý kiến phản biện. Không thể có các cuộc hội thảo, toạ đàm, hội nghị có chất lượng nếu không bảo đảm sự phản biện, tranh luận. Lâu nay các cuộc hội thảo, toạ đàm, hội nghị vẫn theo khuôn mẫu và kịch bản chuẩn bị sẵn. Nói thẳng, nói thật không được phát huy trong khi nói thẳng, nói thật của cán bộ, đảng viên, nhân viên vừa là ý kiến mà lãnh đạo cần sàng lọc tiếp thu, vừa là một kênh thông tin để tổ chức đánh giá về người phát biểu.
Chúng ta không thể thu hút được nhân tài nắm giữ các vị trí chủ chốt trong các cơ quan đảng, nhà nước, đơn vị sự nghiệp công nếu không mở rộng và thực thi dân chủ thực chất. Nhiều trường hợp về công tác cán bộ thời gian qua, như bổ nhiệm thần tốc, bổ nhiệm không đúng tiêu chuẩn, cán bộ không đủ phẩm chất và năng lực vẫn được giữ vị trí quan trọng, trong khi có nhiều cán bộ khác đủ tiêu chuẩn lại không được bổ nhiệm. Nhưng khi kiểm tra hồ sơ bổ nhiệm đều theo đúng quy trình. Việc hợp thức hoá để đúng quy trình là biểu hiện của mất dân chủ, áp đặt theo ý chí của những người có quyền và có tiền. Việc hợp thức hoá ý chí của người có quyền lực phù hợp với ý chí của số đông còn thể hiện ngay trong bầu cử. Không ít cử tri đi bầu cử không biết rõ tài, đức thật sự của người được bầu, chỉ biết lý lịch trích ngang đã được chuẩn bị sẵn.
Lạm dụng quyền lực nhà nước
Bản chất Nhà nước Việt Nam là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Nhưng do một bộ phận không nhỏ cán bộ trong các cơ quan công quyền suy thoái nên quyền lực do họ nắm giữ cũng bị tha hóa. Khi quyền lực bị tha hóa thì việc sử dụng quyền lực luôn hướng vào mục đích cá nhân.
Nhân dân trao quyền cho bộ máy nhà nước để phục vụ nhân dân, nhưng trên thực tế có nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, quyền lợi hợp pháp của người dân bị xâm hại, không được bảo vệ. Có nhiều vụ việc cơ quan công quyền làm ngơ trước khiếu nại, đề đạt nguyện vọng của người dân, thậm chí còn sử dụng quyền lực để bảo bệ lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân. Những cản trở trên cần có nhiều giải pháp khắc phục.
1. Cần thanh lọc đội ngũ cán bộ, đảng viên. Muốn Đảng vững mạnh không bị biến chất, cần phải thanh lọc, đưa ra khỏi Đảng và bộ máy nhà nước những đảng viên, cán bộ, công chức đã suy thoái, biến chất. Thanh lọc đảng viên và cán bộ, công chức trên cơ sở kiện toàn tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế, đấu tranh chống tham nhũng, chống “tự diễn biến” “tự chuyển hoá” theo các quy định của Trung ương. Đồng thời, trên cơ sơ kiểm tra giám sát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức.
Đổi mới việc phân tích chất lượng đảng viên. Kết quả phân loại đảng viên như lâu nay không phản ánh đúng thực chất. Cần phải phân loại rõ loại nào đưa ra ngay khỏi Đảng, bộ máy nhà nước. Loại nào cần thời gian thử thách, giáo dục, rèn luyện. Loại nào làm nòng cốt, bố trí làm người đứng đầu, cán bộ chủ chốt. Thước đo năng lực và phẩm chất của cán bộ đảng viên trước hết là kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Vì thế phải đưa ngay ra khỏi Đảng và bộ máy Nhà nước những cán bộ, đảng viên, công chức không hoàn thành chức trách nhiệm vụ, hoặc có vi phạm đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, vi phạm các nguyên tắc thủ tục, quy trình chuyên môn nghiệp vụ, hoặc thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng trong thực hiện chức trách được giao, có hành vi bảo vệ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Đồng thời phải loại bỏ những đảng viên suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, phá nhiều hơn xây. Điều đáng lo ngại hiện nay là đánh giá phân loại cán bộ, đảng viên thiếu khách quan, nhầm lẫn giữa người tốt và người xấu, nhất là những nơi có vấn đề mất đoàn kết, nội bộ không thành thực.
Trong thanh lọc sắp xếp lại cán bộ, công chức, cần phải xây dựng đội ngũ cán bộ nòng cốt, xây dựng lực lượng trong từng cơ quan, đơn vị đủ sức chống tiêu cực và triển khai tốt nhiệm vụ. Cần chú trọng đến nguồn cán bộ là người ngoài Đảng. Tiêu chuẩn hàng đầu là sự trung thực, liêm chính, không tham lam, tâm huyết và đức hy sinh vì sự nghiệp chung, không quá coi trọng bằng cấp và chức danh đã đảm nhiệm. Cần có những cuộc thi khách quan để đánh giá năng lực cán bộ, có nhiều kênh thông tin trong đánh giá cán bộ. Lựa chọn xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác tổ chức cán bộ, kiểm tra đảng thực sự liêm chính, gương mẫu, sắc sảo phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chống "giặc nội xâm" và xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động.
2. Kiểm soát chặt đầu vào. Bên cạnh những người trung thực, liêm chính, có động cơ đúng đắn, có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực đáp ứng được yêu cầu thì có rất nhiều người cơ hội, phẩm chất và năng lực cách xa yêu cầu chức trách nhiệm vụ. Trong đó có người nhà, người thân của cán bộ chủ chốt, người có mối quan hệ trong nhóm lợi ích, người bỏ tiền “chạy” những quan chức có quyền lực. Cần ban hành và thực hiện ngay các quy chuẩn và cách thức để kiểm soát chặt chẽ đầu vào. Trong đó phải có một cơ chế giám sát, kiểm soát bảo đảm lựa chọn đúng người. Người vào Đảng, tuyển dụng vào bộ máy nhà nước trước hết phải là người đủ tiêu chuẩn. Khi kết nạp Đảng, những lời tuyên thệ phải theo suốt cuộc đời hoạt động của đảng viên, phải trở thành lẽ sống, là ý chí, niềm tin, nghị lực phấn đấu, cống hiến. Chúng ta không thể chấp nhận đảng viên tuyên thệ một đường làm một nẻo, nói không đi đôi với làm, nghĩ khác, nói khác, làm khác. Hệ luỵ của nó là góp phần tạo thêm sự dối trá trong Đảng. Chúng ta không thể chấp nhận tuyển người vào biên chế nhà nước mà người được tuyển không thực hiện được chức trách, nhiệm vụ “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” tạo ức chế cho những cán bộ, công chức tâm huyết, tài năng.
Xây dựng Đảng và bộ máy nhà nước trong sạch vững mạnh trước hết phụ thuộc vào chất lượng đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức. Chất lượng đảng viên và cán bộ, công chức trẻ là yếu tố cực kỳ quan trọng đối với tương lai của Đảng và chế độ.
3. Giải quyết hợp lý đầu ra. Nếu cán bộ đến tuổi nghỉ hưu mà là những cán bộ liêm chính, tâm huyết, có năng lực tốt, tín nhiệm cao, sức khoẻ bảo đảm, nên kéo dài thời gian làm việc dưới nhiều hình thức phù hợp, không nên cứng nhắc. Nhất là ở những cơ quan, đơn vị có vấn đề suy thoái nghiêm trọng. Thực tiễn cho thấy nhiều cán bộ tuy tuổi cao nhưng sức làm việc vẫn rất bền bỉ. Nên khai thác sử dụng cán bộ đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng sức khỏe, tâm huyết, năng lực, kinh nghiệm vượt trội.
4. Cấp trên gương mẫu. Đảng và chế độ trường tồn cần cán bộ cấp càng cao càng phải gương mẫu. Gương mẫu trong lời nói, việc làm, trong quan hệ ứng xử của cuộc sống thường ngày. Gương mẫu đặt lợi ích nhân dân trên danh lợi cá nhân, không tham vọng quyền lực, không háo danh. Gương mẫu "tự giác gột rửa nếu đã trót nhúng chàm". Gương mẫu trung thực kê khai tài sản, bằng cấp, tuổi tác… Cấp trên phải coi phẩm chất không tham lam là báu vật cần phải gìn giữ. Người đứng đầu phải đặc biệt quan tâm đến sự minh bạch và thực thi dân chủ, đồng thời phát huy hiệu lực của vai trò báo chí truyền thông trong chống “giặc nội xâm”, xây dựng Đảng vững mạnh, trong sạch, Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động./.
Nguyễn Hòa Văn
(Nguồn: TC Xây dựng Đảng)