Thứ Hai, 20/5/2024
Vấn đề quan tâm
Chủ Nhật, 10/6/2018 10:37'(GMT+7)

“Không thổi tắt nến của người khác để mình tỏa sáng”

Câu chuyện “cực chừ, sướng sau”
Kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948), phong trào thi đua yêu nước đã tạo nên những chiến công như huyền thoại trong hai cuộc kháng chiến, cũng như những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới. Thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, phong trào thi đua đánh giặc đã được phản ánh đậm nét vào cả ca dao, tục ngữ hiện đại: “Nhà tan cửa nát cũng ừ/ Quyết tâm đánh Mỹ, cực chừ, sướng sau”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”... Các điển hình thi đua một thời như: “Gió Đại Phong”, “Sóng Duyên Hải”, “Cờ Ba Nhất”... không chỉ là đỉnh cao của một thời mà sẽ mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc như những minh chứng sống động cho lòng yêu nước đã phát triển thành chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Ở Tổng công ty May 10 hiện nay vẫn duy trì rất hiệu quả những hình thức, biện pháp thi đua từ thời chống Pháp, chống Mỹ như: Tổ chức cho các lao động tiên tiến được vào Lăng viếng Bác Hồ và tổ chức báo công dâng Bác, tuyên dương người lao động tiêu biểu vào giờ chào cờ đầu tuần, khen thưởng các gia đình công nhân tiêu biểu trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...
Công nhân may Công ty TNHH 888, Tổng công ty May 10 nỗ lực đóng góp vào thành tích của công ty. Ảnh: ANH TÚ
Tổng công ty May 10 là một doanh nghiệp đi đầu trong chủ động hội nhập quốc tế mà vẫn duy trì và phát triển những phương thức thi đua “cổ điển” là một điều rất đáng trân trọng. Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết: Kế thừa những mặt tích cực của phong trào thi đua yêu nước thời kỳ May 10 còn là một xưởng may của quân đội, hay một công ty quốc doanh thời bao cấp là một nét văn hóa của doanh nghiệp. Đến nay, những công nhân thế hệ đầu của doanh nghiệp vẫn không ngừng kể chuyện “làm ngày không đủ, tranh thủ... trốn vào xưởng để làm đêm”. Mọi công nhân đều hăng say nâng cao năng suất, chất lượng may.
Nếu ví cuộc sống hôm nay như một bức tranh thì bức tranh đó chuyển động với tốc độ nhanh hơn và khối màu cũng đa dạng, phức tạp hơn. Vì lẽ đó mà có người không còn cảm nhận được những chuyển động mạnh mẽ của phong trào thi đua yêu nước. Có người còn chép miệng cho rằng “thi đua hôm nay chỉ là hình thức”. Nhưng đó là những suy nghĩ, nhận thức sai lầm. Chỉ cần nhìn vào Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” do Báo Quân đội nhân dân phối hợp với một số đơn vị tổ chức nay đã bước sang năm thứ 10 thì thấy, có những con người rất đỗi bình dị nhưng đã viết nên bao câu chuyện “cổ tích giữa đời thường”. Họ là GS, TS Nguyễn Anh Trí, Anh hùng Lao động, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương với những công trình, đề tài khoa học sáng tạo đem lại những giá trị, lợi ích lớn lao cho cộng đồng, nhưng cũng có thể là bác nông dân chân đất sẵn sàng phá nhà, hiến đất xây dựng nông thôn mới, hay những cô giáo ngày đêm thầm lặng hy sinh cả tuổi xuân của mình cho sự nghiệp giáo dục ở vùng cao. Có theo suốt chiều dài cuộc thi mới thấy phong trào thi đua yêu nước đã làm xuất hiện rất nhiều cá nhân, tập thể với lẽ sống đẹp, họ sống quanh chúng ta, cùng chúng ta nhưng nếu thiếu quan tâm đến sự nghiệp chung thì chúng ta sẽ không nhận ra vẻ đẹp lấp lánh của họ trong dòng chảy bất tận của cuộc sống hôm nay.
Nhưng phong trào thi đua hôm nay không chỉ có vẻ đẹp. Mặt trái của nó đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đúc kết và chỉ ra tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, có thể nói ngắn gọn là “nhiều nơi còn mang tính hình thức”. Bệnh hình thức trong thi đua đã đẻ ra những hiện tượng tiêu cực như “phát mà không động”, “trên vội vã dưới thư thả”, “chạy khen thưởng”, “báo cáo láo”... Chính vì thế, đã có ý kiến cho rằng, thà “cạnh tranh lành mạnh” còn hơn “thi đua hình thức”.
Câu chuyện cạnh tranh “mang khuôn mặt người”
Chữ “cạnh tranh” ở Việt Nam hiện nay đã chính thức được công nhận như một hiện tượng khách quan. Nhiều nghị quyết của Đảng đã công nhận “cạnh tranh” là một tất yếu trong cơ chế thị trường và nhiệm vụ đặc biệt quan trọng để Việt Nam phát triển bền vững chính là “nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế”.
Cạnh tranh theo nghĩa thông thường là ý thức và hành động “cố gắng giành phần thắng về mình giữa những người, những tổ chức hoạt động nhằm những lợi ích như nhau”. Trong xã hội hay trong nền kinh tế bao gồm nhiều thành phần khác nhau thì cạnh tranh là lẽ tự nhiên. Trước đây, do những ấu trĩ trong nhận thức của thời kỳ bao cấp, chúng ta đã phủ nhận cạnh tranh. Người đề xuất cần làm rõ khái niệm thi đua và cạnh tranh ở Việt Nam có lẽ là nhà báo Hữu Thọ, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương. Ngay từ những năm đầu thế kỷ 21, nhà báo Hữu Thọ từng khẳng định: Trước đây, không phải chúng ta không biết đến khái niệm cạnh tranh, nhưng khái niệm đó không được chấp nhận vì cho cạnh tranh là trạng thái chỉ tồn tại trong xã hội tư bản. Giờ đây, chúng ta chấp nhận cạnh tranh, nhưng quyết tâm tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Cạnh tranh lành mạnh luôn là ước mơ của các nhà kinh tế học hiện đại. Thế giới đã đẫm lệ chứng kiến những cuộc cạnh tranh của kinh tế thị trường tự do. Quy luật “cá lớn nuốt cá bé” khiến những doanh nghiệp nhỏ kém cỏi rất dễ bị phá sản, bất công xã hội cũng như khoảng cách giàu-nghèo trong xã hội ngày càng doãng ra. Nguyên tắc lợi nhuận là trên hết đã sinh ra cách kiếm tiền bất chính như lừa đảo, hàng giả, buôn lậu... Các nhà kinh tế học tư sản đang nỗ lực vận động cho khái niệm mới: “Cạnh tranh mang khuôn mặt người” nhằm cố gắng tăng tính nhân văn, hạn chế mặt trái của cơ chế thị trường nhưng điều đó mới chỉ tồn tại trong các cuộc hội thảo.
Nữ công nhân Công ty Cổ phần Xi măng Cẩm Phả, Tập đoàn Viettel hăng say lao động sản xuất. Ảnh: TRẦN THỌ

Khi nhìn thấy rõ cả mặt tích cực và tiêu cực của cạnh tranh, chúng ta càng thấy sự cần thiết phải duy trì và phát triển phong trào thi đua ở mọi cấp, mọi ngành, mọi thành phần kinh tế. Nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay đã kết hợp vừa tổ chức thi đua, vừa khuyến khích cạnh tranh lành mạnh để tạo sức mạnh tổng hợp cho phát triển. Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) là một ví dụ. Trong đội hình thi đua của quân đội, đây là một doanh nghiệp điển hình tiên tiến toàn diện. Khi hội nhập quốc tế, đầu tư ra nước ngoài, Viettel cũng là doanh nghiệp đi đầu trong việc tìm ra sức mạnh cạnh tranh để chiến thắng cả những “ông lớn” trên thị trường quốc tế. Từ những ngày đầu thành lập, Viettel đã biết “nghĩ khác, làm khác” cả trong tổ chức, bộ máy đến phương thức sản xuất, kinh doanh nhưng cũng luôn luôn nhấn mạnh “truyền thống và cách làm người lính”. Viettel chưa bao giờ để lộ bí quyết của mình, nhưng bằng những quan sát từ bên ngoài có thể cho thấy, đây là doanh nghiệp luôn biết thức tỉnh lòng yêu nước của cán bộ, công nhân và người lao động, khuyến khích sự khát khao cống hiến với những mục tiêu lớn lao vì một “tam giác lợi ích” có tính thống nhất đó là lợi ích cá nhân, lợi ích doanh nghiệp và lợi ích cộng đồng, đất nước.
Như vậy có thể thấy, trong thời kỳ quá độ và trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN hiện nay, phong trào thi đua đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước hoàn toàn có thể kết hợp và phát triển trong môi trường cạnh tranh lành mạnh. Thi đua là cùng nhau đem hết tài năng, sức lực ra nhằm thúc đẩy lẫn nhau đạt thành tích tốt nhất trong lao động, công tác và học tập. Cạnh tranh là cố gắng giành phần hơn, phần thắng về mình giữa những người, những tổ chức hoạt động vì lợi ích như nhau. Có nhà khoa học đã lấy hình ảnh “không thổi tắt nến của người khác để mình tỏa sáng” để tượng trưng cho những hoạt động cạnh tranh lành mạnh. Ở nước ta, với truyền thống và kinh nghiệm tổ chức phong trào thi đua yêu nước cùng khả năng chèo lái vững vàng của Đảng, chúng ta có đủ niềm tin và sự tự tin trong việc xây dựng một môi trường cạnh tranh lành mạnh để ai cũng có thể tỏa sáng.

Nguồn; QĐND cuối tuần

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất