Thứ Sáu, 22/11/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Hai, 4/6/2018 8:21'(GMT+7)

Cử tri kỳ vọng

“Hỏi nhanh, đáp gọn”

Tại cuộc họp báo trước kỳ họp lần này, theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Bắt đầu từ kỳ họp này, Quốc hội sẽ đổi mới quan trọng về cách thức tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn. Đại biểu chỉ được hỏi một phút. Đây là lần thứ 3 thời lượng đặt câu hỏi dành cho đại biểu Quốc hội (ĐBQH) được điều chỉnh (trước kia là 3 phút, sau đó rút xuống còn 2 phút). Bộ trưởng (hoặc trưởng ngành) sẽ trả lời ngay sau khi có 3 đại biểu đặt câu hỏi. Thời gian cho câu trả lời là 3 phút, đi thẳng vào nội dung.

Thể thức “hỏi nhanh, đáp gọn” đã được thí điểm tại Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 3-2018. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cách làm này nhằm giảm áp lực cho các bộ trưởng (trưởng ngành) khi trả lời chất vấn. Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho hay cách thức này được cử tri hoan nghênh vì "hấp dẫn, tăng cường đối thoại, lại tránh được tình trạng hỏi trùng lặp".

Còn nhớ, tại Kỳ họp thứ tư diễn ra vào cuối năm ngoái, 3 ngày chất vấn đã hết mà vẫn còn đến 50 ĐBQH đăng ký nhưng không được chất vấn vì hết thời gian. Cách thức “hỏi nhanh, đáp gọn” chắc chắn sẽ khắc phục được tình trạng nhiều đại biểu đăng ký nhưng không được đăng đàn. Các bộ trưởng (trưởng ngành) cũng không thể trả lời dài để “câu giờ” như trước đây.

Khảo sát của chúng tôi từ những kỳ họp trước, có đại biểu đặt câu hỏi không đến một phút, thậm chí chỉ 30 giây. Cũng có đại biểu đặt câu hỏi đến hơn 3 phút, chủ yếu là dẫn giải rồi mới đặt câu hỏi.

Theo chương trình làm việc của kỳ họp, sáng nay (4-6), trước khi tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội sẽ nghe Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV.
 



Nhiều vấn đề “nóng” sẽ được chất vấn

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sau khi tổng hợp từ phiếu xin ý kiến các đại biểu, Quốc hội đã chọn ra 4 nhóm vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này.

Nhóm vấn đề thứ nhất là giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhất là tại các thành phố lớn. Giải pháp xử lý triệt để những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông BOT. Người chịu trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể.

Nhóm vấn đề thứ hai là công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn, các địa phương có nhiều khiếu nại, tố cáo, nhất là trong quản lý, sử dụng đất công, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi giải phóng mặt bằng. Tình trạng ô nhiễm lưu vực sông và kiểm soát hoạt động xả thải của doanh nghiệp, thực trạng xử lý rác thải và giải pháp, các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà có trách nhiệm trả lời chính về nhóm vấn đề này.

Nhóm vấn đề thứ ba là chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông, công tác quản lý giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập, tình trạng xuống cấp về chuẩn mực đạo đức, lối sống trong ngành giáo dục. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ chịu trách nhiệm trả lời chính.

Nhóm vấn đề thứ tư là thực trạng thị trường lao động, công tác quản lý xuất khẩu lao động, giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm sau đào tạo; tình trạng bạo hành và xâm hại tình dục đối với trẻ em. Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội  (LĐ,TB&XH) Đào Ngọc Dung trả lời chính về nhóm vấn đề này.

Ngoài ra, một số phó thủ tướng và bộ trưởng các bộ liên quan sẽ tham gia “chia lửa” cùng với 4 thành viên Chính phủ nói trên.

Theo chương trình chi tiết các phiên chất vấn và trả lời chất vấn gửi đến các ĐBQH vào cuối tuần qua, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ sẽ có 120 phút vào chiều 6-6 để trả lời chất vấn của các ĐBQH. Đây là lần đầu tiên trên cương vị Phó thủ tướng, đồng chí Vương Đình Huệ trở thành "nhân vật chính" của "ghế nóng" tại nghị trường. Trước đó, khi còn giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính, đồng chí Vương Đình Huệ đã nhiều lần được chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội.

Cử tri kỳ vọng, nhiều vấn đề “nóng” của xã hội, bức xúc của cử tri sẽ được các ĐBQH chất vấn tại kỳ họp lần này.

Quan trọng là các giải pháp thực hiện

Theo báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, từ sau Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.463 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội, trong đó rất nhiều ý kiến, kiến nghị liên quan đến 4 nhóm vấn đề sẽ được chất vấn tại kỳ họp này.

Cử tri  đề nghị Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ,TB&XH quan tâm hơn nữa đến việc nâng cao chất lượng đào tạo ở tất cả cấp học, quản lý chặt chẽ hơn trong đào tạo và cấp chứng chỉ đào tạo, giải quyết việc làm sau đào tạo. Cử tri một số địa phương lo lắng về thái độ, hành vi ứng xử của một số học sinh, giáo viên và phụ huynh đã làm xấu hình ảnh người thầy và truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc. Đề nghị các bộ, ngành có liên quan, các đoàn thể, chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân và cộng đồng, lên án mạnh mẽ những hành vi thiếu chuẩn mực đạo đức; xử lý nghiêm những trường hợp bạo hành và xâm hại tình dục đối với trẻ em.

Cử tri tiếp tục phản ánh về công tác quản lý đất đai của một số địa phương chưa chặt chẽ, các dự án quy hoạch chưa được công khai, việc thu hồi đất thiếu minh bạch; công tác đền bù, hỗ trợ tái định cư còn nhiều hạn chế, bất cập, gây bức xúc trong nhân dân; tình trạng chuyển nhượng, giao dịch đất, đầu cơ “đẩy giá” đất tràn lan đang gây bất ổn ở một số địa  phương. Cử tri thể hiện sự bất bình trước nạn khai thác cát, sỏi không phép, trái phép tiếp tục hoành hành ở một số địa  phương. Cử tri cho rằng, những vụ việc trên xảy ra trong thời gian dài mà không được xử lý triệt để là có dấu hiệu của sự bao che, tiếp tay của một số cán bộ ở địa phương, là biểu hiện của “lợi ích nhóm” và đề nghị cần phải có biện pháp xử lý kiên quyết, nghiêm minh.

Đông đảo cử tri và nhiều ĐBQH mong muốn, chất vấn và trả lời chất vấn không chỉ dừng lại ở việc nêu ra những vấn đề “nóng” mà quan trọng hơn là giải pháp thực hiện. Đây cũng là nơi mà các thành viên Chính phủ có thể giãi bày, chia sẻ những khó khăn và thể hiện quyết tâm, lộ trình khắc phục.

Cử tri mong muốn tại phiên chất vấn "tư lệnh ngành" giao thông sẽ trình bày những giải pháp khả thi để điều chỉnh lại việc đầu tư hệ thống BOT. Bởi, việc đầu tư hạ tầng ồ ạt trong phát triển BOT gây bức xúc trong dư luận. Các giải pháp về bảo đảm an toàn giao thông, hệ thống giao thông thông minh, quy hoạch đường sắt, đường bộ... cũng là những vấn đề cử tri quan tâm khi nghe Bộ trưởng Bộ GTVT trả lời chất vấn.

“Điều tối kỵ khi chất vấn là chất vấn khi chưa đủ thông tin. Điều này làm lãng phí thời gian của Quốc hội và làm người trả lời lúng túng”, ĐBQH Lê Thanh Vân đã từng chia sẻ với chúng tôi như vậy.

Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội được truyền hình và phát thanh trực tiếp, vì thế, cử tri cũng có thể “chia lửa” cùng các ĐBQH. Cử tri mong muốn, tại các phiên họp này, Văn phòng Quốc hội nên tổ chức đường dây “nóng”, hộp thư điện tử “nóng” để cử tri có thể góp ý với từng đại biểu, từng bộ trưởng; nêu rõ các ý kiến, kiến nghị của mình và có thể gửi câu hỏi để các ĐBQH chất vấn. 
 

“Cử tri và nhân dân ghi nhận và đánh giá cao những đổi mới của Quốc hội, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Đặc biệt, cử tri và nhân dân đánh giá cao Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nhiều đổi mới trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn; nâng cao chất lượng tập hợp và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; giám sát có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề lớn của đất nước và những vấn đề mà đông đảo cử tri, nhân dân quan tâm”. (Trích Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi Kỳ họp thứ năm).

 

Đỗ Phú Thọ/QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất