Thứ Sáu, 22/11/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Sáu, 8/6/2018 9:12'(GMT+7)

Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát

(Ảnh minh họa: TTXVN)


4 vấn đề được lựa chọn để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát trong năm 2019 cũng là những vấn đề đang rất thu hút dư luận xã hội: Phòng cháy, chữa cháy; quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi; lập, quản lý, sử dụng các loại quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách Nhà nước.

Có thể nói, hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp càng ngày càng phát huy hiệu quả. Các chuyên đề gần đây như năm 2017 là an toàn thực phẩm, cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; năm 2018 là quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và quản lý vốn vay của Nhà nước để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đang giúp các lĩnh vực được giám sát nêu trên thay đổi theo chiều hướng tích cực. Để đạt được hiệu quả như vậy, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của các chủ thể giám sát là sự quan tâm, ủng hộ của cử tri và nhân dân, cùng với sự đồng hành của các chủ thể được giám sát.

Thực tiễn hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp cho thấy, nhìn chung các cơ quan, tổ chức, cá nhân đều coi trọng hoạt động giám sát. Tuy nhiên, cũng có lúc, có nơi, có chủ thể được giám sát chưa thực sự coi trọng công tác này; làm việc với chủ thể giám sát theo kiểu đối phó; cử người không có nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực giám sát làm việc với đoàn giám sát... Bên cạnh đó, vẫn còn những hiện tượng chưa thực sự quan tâm thực hiện các kết luận, yêu cầu, kiến nghị của chủ thể giám sát.

Theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, chủ thể giám sát có quyền yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát nhưng có hành vi cản trở hoặc không thực hiện nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị của chủ thể giám sát. Tuy nhiên, đến nay, chưa thấy có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào bị đề nghị xử lý vì không thực hiện nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị của chủ thể giám sát. Do đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, các chủ thể giám sát cần sử dụng công cụ đắc lực mà luật đã quy định. Cao hơn nữa, các đại biểu Quốc hội/HĐND có thể sử dụng lá phiếu tín nhiệm để rung hồi chuông cảnh báo cho những cơ quan, tổ chức, cá nhân có biểu hiện xem thường hoạt động giám sát.

Cùng với đó, các cơ quan dân cử cũng cần tiến hành các biện pháp cần thiết để giám sát việc thực hiện nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị giám sát, tức là quan tâm hơn tới các hoạt động hậu giám sát. Thậm chí, có thể yêu cầu tái giám sát về nội dung đã tiến hành giám sát, có những đề xuất, kiến nghị mạnh mẽ hơn, kiên quyết hơn, buộc các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải tôn trọng, thực hiện nghiêm nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị của chủ thể giám sát.

Thực tế cho thấy, khi hoạt động giám sát được thực hiện thường xuyên sẽ thúc đẩy các cơ quan Nhà nước nỗ lực thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình. Bộ, ngành, địa phương nào càng coi trọng hoạt động giám sát, bộ, ngành, địa phương ấy càng có nhiều nỗ lực để thực thi pháp luật tốt hơn, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Hy vọng hoạt động giám sát sẽ ngày càng phát huy hiệu quả cao hơn, tạo thêm động lực cho sự phát triển./.

Chiến Thắng (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất