Thứ Bảy, 23/11/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Bảy, 15/5/2021 10:40'(GMT+7)

Đại đa số các tầng lớp nhân dân quan tâm đến bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Bùi Huyền Mai kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại điểm bầu cử số 7, phường Thanh Xuân Nam.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Bùi Huyền Mai kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại điểm bầu cử số 7, phường Thanh Xuân Nam.

Kết quả điều tra cho thấy, 68% số người được hỏi cho biết họ quan tâm nhiều đến cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

So sánh với kết quả cuộc điều tra bầu cử Quốc hội khóa XIV năm 2016, tỷ lệ số người quan tâm đến cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV đã tăng lên đáng kể.

Đa số ý kiến đều thống nhất, đưa ra các tiêu chí quan trọng nhất đối với cử tri khi lựa chọn ứng viên là: Khả năng nắm bắt, thấu hiểu được thực tế và những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, để từ đó phản ánh, kiến nghị biện pháp giải quyết với Quốc hội. Ứng viên phải là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín, có kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác.

Xu hướng lựa chọn đại biểu Quốc hội khóa XV nghiêng về các ứng cử viên thỏa mãn các tiêu chí: Ứng cử viên phải là người được cơ quan, tổ chức giới thiệu; ứng cử viên có trình độ học vấn sau đại học (có học hàm, học vị); là đảng viên, từ 40 tuổi trở lên.

Những vấn đề, biểu hiện khiến cử tri băn khoăn, lo lắng và bức xúc nhất trước bầu cử Quốc hội khóa XV là:  Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị chống phá công tác nhân sự, phá hoại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội; Hội nghị lấy ý kiến cử tri tại cơ quan công tác hoặc nơi cư trú đối với người được dự kiến giới thiệu đại biểu Quốc hội còn mang nặng tính hình thức, thiếu thực chất; Vận động, chạy chọt để được lọt vào danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội; Tình trạng coi trọng “cơ cấu” hơn “chất lượng” của ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV; Biểu hiện giới thiệu người thân, quen, cánh hẩu hoặc cục bộ địa phương, ngành, lĩnh vực trong giới thiệu danh sách ứng cử Đại biểu Quốc hội; Tâm lý thờ ơ, không quan tâm đến sự kiện bầu cử Quốc hội khóa XV; Biểu hiện thiếu dân chủ hoặc dân chủ hình thức trong quá trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội.

Cuộc điều tra sử dụng phương pháp kết hợp giữa điều tra trực tiếp và điều tra online (qua Internet).

Đối tượng điều tra là cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Mẫu điều tra được chọn theo cách lấy mẫu ngẫu nhiên phân tầng dựa trên 6 khu vực gồm: Đồng bằng sông Hồng, Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long.

Địa bàn triển khai điều tra trực tiếp gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Lạng Sơn, Phú Thọ, Lào Cai, Nghệ An, Quảng Trị, Đà Nẵng, Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước, Cần Thơ, Long An, Trà Vinh, Cà Mau và một số cơ quan Trung ương.

Địa bàn triển khai online: trên 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Bảo Long

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất