Bắt đầu từ năm học 2017-2018, Bộ Gái dục và Đào tạo sẽ không chủ trì, tổ chức hoặc phối hợp tổ chức các cuộc thi dành cho học sinh như Violympic, thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn, thi dạy học theo chủ đề tích hợp…
Bộ cũng yêu cầu không được sử dụng kết quả của các cuộc thi vào việc đánh giá kết quả học tập của học sinh hoặc ưu tiên xét tuyển trong tuyển sinh đầu cấp học.
Đây là khẳng định của ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong cuộc trao nghị đổi với phóng viên bên lề Hội nghị Tổng kết năm học 2016-2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, tháng 12/2016, Bộ đã tiến hành rà soát các cuộc thi dành cho học sinh, giáo viên. Theo báo cáo của các sở giáo dục và đào tạo và kết quả rà soát của Bộ, số lượng các cuộc thi dành cho giáo viên và học sinh hiện nay quá nhiều, chồng chéo, gây áp lực cho giáo viên, học sinh, nhiều cuộc thi không nhận được sự đồng tình của xã hội. Có nhiều cuộc thi học sinh luyện thi đi luyện thi lại, thuộc cả đề thi, mất thì giờ và không tốt.
Nhằm khắc phục tình trạng trên, tháng 5/2017 Bộ đã có văn bản gửi các địa phương về việc Bộ chủ trương giảm các cuộc thi cấp quốc gia, chỉ chọn một số cuộc thi cơ bản, gắn liền với nhiệm vụ chính trị của ngành để chỉ đạo tổ chức. Bộ cũng điều chỉnh chính sách đối với người dự thi và không lấy thành tích cuộc thi để xét thi đua đối với các địa phương, đơn vị.
Những cuộc thi nào do địa phương tổ chức thì địa phương có quyền tự chủ. Bộ chỉ yêu cầu hạn chế chuyện thi để kiểm tra kiến thức học trong trường. Nếu tổ chức, đề thi, nội dung thi phải giúp trẻ tăng cường vận dụng kiến thức. Cuộc thi phải hoàn toàn tự nguyện và không tính điểm để đánh giá học sinh hay ưu tiên trong tuyển sinh đầu cấp.
Về phía Bộ sẽ dừng triển khai, không tham gia chủ trì hoặc phối hợp chủ trì các cuộc thi, như Violympic, thi vận dụng kiến thức liên môn…
“Tất nhiên, bản thân cuộc thi như Violympic là do các đơn vị tổ chức trên internet thì Bộ không can thiệp được, giống như các đài truyền hình vẫn tổ chức các sân chơi cho trẻ em. Bộ chỉ dừng sự phối hợp của Bộ".
"Theo đó, các năm trước, khi triển khai cuộc thi đều có văn bản từ Bộ thì năm nay sẽ không phát hành văn bản, không sử dụng kết quả thi để đánh giá học sinh, ưu tiên xét tuyển đầu cấp. Hãy để các sân chơi chỉ là sân chơi. Chơi có thưởng, nhưng thưởng lại trở thành chính sách thì cuộc thi mất ý nghĩa. Bản thân cuộc thi nếu tốt thì sẽ không cần chất xúc tác của cơ quan quản lý. Học sinh thi không phải vì cái gì đó mà vì sự ham mê, thích thú của các em”, ông Thành nói.
Cũng theo vị lãnh đạo Vụ Giáo dục Trung học, trước khi quyết định tham gia phối hợp tổ chức các cuộc thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có thẩm định rất kỹ, bàn bạc nhiều lần. Bộ cũng muốn học sinh có sân chơi tốt.
Nhưng qua ý kiến phụ huynh và dư luận nói chung, cho thấy học sinh cũng chịu nhiều áp lực. Trong khi đó, Bộ đang muốn giảm tải để dành thời gian cho các em phát triển năng lực phẩm chất, kỹ năng. Nếu chỉ thi luyện kiến thức thì lại tăng tải lên.
“Bộ không tham gia nhưng chúng tôi vẫn khuyến khích các tổ chức làm giáo dục tạo sân chơi bổ ích cho học sinh. Bộ sẽ có chế tài quản lý trong nhà trường, tăng cường giáo dục đạo đức tư tưởng lối sống để học sinh có kiến thức để tự bảo vệ mình, biết chọn lọc trong việc tham gia các cuộc thi”, ông Thành chia sẻ./.
Phạm Mai (Vietnam+)