Thứ Hai, 14/10/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 29/5/2011 11:46'(GMT+7)

Dải Ga-da đã được “nối liền” với thế giới

Em bé Pa-le-xtin M. A-mét tươi cười cầm quyển hộ chiếu, chuẩn bị cùng cha nhập cảnh vào Ai Cập qua cửa khẩu Ra-pha, ngày 28-5. (Ảnh: AP).

Em bé Pa-le-xtin M. A-mét tươi cười cầm quyển hộ chiếu, chuẩn bị cùng cha nhập cảnh vào Ai Cập qua cửa khẩu Ra-pha, ngày 28-5. (Ảnh: AP).

Sự kiện trên giúp người dân Pa-le-xtin đang gặp rất nhiều khó khăn có thể sớm nhận được viện trợ của cộng đồng quốc tế. Việc cửa khẩu Ra-pha bị Ai Cập phong tỏa và các cửa khẩu khác bị I-xra-en phong tỏa đã khiến tình hình kinh tế ở Dải Ga-da lâm vào tình trạng tồi tệ. Cửa khẩu Ra-pha được mở lại cũng đồng nghĩa với việc 1,5 triệu người Pa-le-xtin có cơ hội đi ra thế giới.

Động thái này của Ai Cập diễn ra phù hợp với các nỗ lực của Ai Cập nhằm chấm dứt tình trạng chia rẽ và hoàn tất tiến trình hòa giải dân tộc của Pa-le-xtin. Hồi tháng 4, Ngoại trưởng Ai Cập Na-bi An A-ra-bi (Nabil al-Arabi) đã thông báo rằng cửa khẩu biên giới Ra-pha sẽ được mở lâu dài, cho rằng quyết định này sẽ giúp nới lỏng tình trạng phong tỏa do I-xra-en áp đặt.

Năm 2007, Ai Cập và I-xra-en đã phong tỏa Dải Ga-da sau khi phong trào Hamas của Pa-le-xtin giành quyền kiểm soát vùng đất này. Tình trạng phong tỏa, bao gồm cả việc cấm vận chuyển hàng hóa bằng đường không, đường bộ, đường biển vào Ga-da được I-xra-en coi là biện pháp nhằm làm suy yếu Hamas, một phong trào có quan điểm cứng rắn của Pa-le-xtin. Chính vì vậy, ngay sau khi cửa khẩu Ra-pha được mở lại, Ten A-víp đã lên tiếng cho rằng, đây là động thái nguy hiểm đối với an ninh I-xra-en vì nó có thể giúp các tay súng ra, vào Ga-da tự do để chống I-xra-en.

Hiện phía Pa-le-xtin cho rằng, I-xra-en đang cố tình cản trở tiến trình hòa bình. Trong bài phát biểu dài 45 phút trước Quốc hội Mỹ hôm 24-5, Thủ tướng I-xra-en Ben-gia-min Nê-ta-ni-a-hu (Benjamin Netanyahu) đã tái khẳng định Nhà nước Do Thái sẽ không rút về đường biên giới trước năm 1967, không chia sẻ Giê-ru-xa-lem với người Pa-le-xtin, đồng thời sẽ kiên quyết duy trì quân đội ở khu vực biên giới phía Đông của Nhà nước Pa-le-xtin tương lai.

Phát biểu của ông Nê-ta-ni-a-hu đã vấp phải sự phản đối gay gắt của chính giới Pa-le-xtin vì cho rằng đây là hành động tiếp tục cản trở tiến trình hòa bình Trung Đông, vốn đã bị đình trệ từ tháng 9-2010 sau khi Ten A-víp tiếp tục xây dựng các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây mà nước này chiếm đóng của Pa-le-xtin trong cuộc chiến tranh năm 1967. Phát biểu của ông Nê-ta-ni-a-hu cũng đi ngược lại lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) về việc I-xra-en và Pa-le-xtin cần sớm nối lại hòa đàm với việc lấy đường biên giới trước năm 1967 làm cơ sở đối thoại.

Các nhà lãnh đạo Pa-le-xtin đã tuyên bố sẽ đưa vấn đề công nhận nhà nước Pa-le-xtin lên Liên hợp quốc vào tháng 9 tới trước khi xúc tiến các thủ tục để trở thành thành viên chính thức của tổ chức lớn nhất thế giới này./.

(Theo: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất