Thứ Hai, 14/10/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 29/5/2011 8:58'(GMT+7)

Quá trình bầu Tổng Giám đốc mới của IMF: Cần thay đổi cấu trúc lãnh đạo

Bộ trưởng Tài chính Pháp, bà Christine Lagarde nhiều khả năng trở thành Tổng Giám đốc mới của IMF

Bộ trưởng Tài chính Pháp, bà Christine Lagarde nhiều khả năng trở thành Tổng Giám đốc mới của IMF

Sự ra đi sớm hơn dự kiến của Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss Kahn buộc tổ chức này phải tìm người kế nhiệm. Đây là một việc khó khăn, được coi là một cuộc chiến gay cấn bởi nhiều ý kiến đòi phải thay đổi cấu trúc lãnh đạo của định chế tài chính quốc tế này.

Thời gian bầu chọn Tổng Giám đốc mới của IMF bắt đầu từ ngày 23/5 và kết thúc vào ngày 10/6/2011. Điều kiện người được bầu chọn là công dân của bất cứ thành viên nào của IMF, nhưng phải có thành tích nổi bật trong hoạch định chính sách kinh tế ở cấp cao, có trình độ nghiệp vụ xuất sắc và có kỹ năng quản lý hợp tác đa phương. Tuy nhiên, còn có một “thỏa thuận bất thành văn” được coi là điều kiện tiên quyết, đã thực hiện hơn 6 thập niên qua giữa Mỹ và châu Âu: người đứng đầu IMF là người châu Âu, còn người đứng đầu WB (Ngân hàng Thế giới), là người Mỹ.

Thời gian gần đây, quy trình này bị phản đối gay gắt từ các nền kinh tế mới nổi, như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil… Đây là các nước trong những năm qua có tốc độ tăng trưởng khá cao, trên 8% mỗi năm, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế toàn cầu. Riêng Trung Quốc, năm 2010 đã vượt qua cả Pháp và Anh để trở thành thành viên có quyền bỏ phiếu lớn thứ ba trong IMF và WB, sau Mỹ và Nhật Bản.

Vai trò của các nền kinh tế mới nổi khác tại IMF cũng tăng lên và có tiếng nói quan trọng tại định chế tài chính quốc tế lớn nhất này. Bởi thế, họ không chấp nhận luôn bị gạt khỏi thành phần Ban lãnh đạo của IMF. Trung Quốc tuần trước đã kêu gọi tiến hành việc bầu chọn lãnh đạo mới phải công khai, minh bạch và dựa trên phẩm chất của các ứng cử viên. Một loạt nước có nền kinh tế đang phát triển ủng hộ quan điểm này và nhấn mạnh thêm rằng, IMF cần phải loại bỏ yếu tố quốc tịch, nghĩa là không chỉ châu Âu mà đại diện các châu lục khác cũng có quyền trở thành người đứng đầu.

Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan cho rằng: “Chính G-20 công nhận phần còn lại của thế giới nên tham gia các diễn đàn quyết định quan trọng thế giới. Nên sẽ rất hay khi không phải là đại diện của các nước châu Âu giữ vị trí Tổng Giám đốc IMF - một cương vị đang ngày càng quan trọng”.

Trong khi đó Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 16/5 vừa qua bày tỏ mong muốn có một công dân châu Âu làm người đứng đầu IMF. Theo nhà lãnh đạo này, châu Âu đóng góp nhiều nhất cho IMF và ngược lại, chính định chế này đang giúp đỡ có hiệu quả các nước khu vực này ra khỏi cuộc khủng hoảng nợ công.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đang trong tình thế lúng túng. Nếu Mỹ ủng hộ một ứng cử viên từ các nền kinh tế mới nổi cũng đồng nghĩa với việc nước này phải từ bỏ chiếc ghế lãnh đạo WB. Tại Hội nghị Cấp cao G-8 ở Pháp vào ngày 26/5, người đứng đầu Nhà Trắng sẽ phải thể hiện quan điểm cụ thể về vấn đề này. Nhiều khả năng, Mỹ sẽ bỏ phiếu ủng hộ đại diện của châu Âu, không chỉ nhằm củng cố vị trí lãnh đạo tại WB mà còn để khẳng định quan hệ vững chắc, đặc biệt với các đồng minh châu Âu, như lời ông Obama tuyên bố tại London trong chuyến thăm chính thức Anh vừa kết thúc ngày 25/5 vừa qua.

Mặc dù trong lịch sử IMF đã có 4 Tổng Giám đốc là người Pháp, nhưng hiện nay, các nhà phân tích quốc tế vẫn có chung nhận định, Bộ trưởng Tài chính Pháp, bà Christine Lagarde, đang có nhiều cơ hội được lựa chọn vào cương vị quan trọng này. Do các châu lục khác, đặt biệt các nền kinh tế mới nổi, chưa có kế hoạch cụ thể ở tầm chiến lược. Nhưng, những nỗ lực của họ trong việc khẳng định vai trò lãnh đạo, cũng buộc các thành viên của IMF phải suy nghĩ và từng bước thay đổi tư duy hoạt động cũng như cấu trúc quản lý của định chế tài chính quốc tế này theo hướng công bằng và tính đến sự đóng góp của họ đối với nền kinh tế, tài chính toàn cầu./.

Vân Hương (Báo TNVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất