Thứ Sáu, 13/12/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Sáu, 29/1/2021 16:5'(GMT+7)

Đại hội Đảng XIII và nền tảng khát vọng 100 năm

THÀNH TỰU, THỜI CƠ VÀ VẬN HỘI MỚI

Nhìn lại sau hơn 35 năm đổi mới, từ một quốc gia lạc hậu, thiếu đói thường xuyên, Việt Nam đã vươn lên thoát khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển. Tiềm lực và quy mô kinh tế ngày càng tăng lên, quy mô GDP đến năm 2020 ước đạt 268,4 tỉ USD, tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015; GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD/người, gấp khoảng 1,3 lần so với năm 2015. Tỉ trọng chi đầu tư phát triển tăng lên mức 27 - 28%, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh, đạt mức kỷ lục là 39 tỉ USD (năm 2019), tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá tăng 1,7 lần. Năng suất lao động đến năm 2020 tăng gần 1,5 lần so với năm 2015, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 5,8%/năm. Đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao. Từ một quốc gia nông nghiệp lạc hậu Việt Nam đã trở thành một một thị trường mới nổi với trọng tâm là sản xuất thương mại, tham gia vững chắc vào thị trường thế giới qua chính sách thương mại tự do và chào đón các nhà đầu tư nước ngoài. Những năm gần đây, đặc biệt là năm 2020, Chính phủ đã thực hiện tốt việc giảm nợ công, tăng dự trữ ngoại hối và tạo ra môi trưởng thuận lợi hơn cho các doanh nhân khởi nghiệp.

Trên mặt trận ngoại giao, nhiều rào cản bị phá rỡ đã đưa Việt Nam đến gần với thế giới. Việt Nam đã trở thành mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu, tham gia nhiều thỏa thuận thương mại tự do quan trọng như Hiệp định thương mai tự do Việt Nam liên minh Châu Âu  EVFTA, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP, Hiệp định đối tác toàn diện khu vực RCEP… Từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, Việt Nam đã khẳng định vị thế mới trên trường quốc tế, trở thành thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức khu vực và quốc tế, thiết lập quan hệ mở rộng với 189 quốc gia thành viên Liên hợp quốc và hơn 500 tổ chức phi chính phủ, xây dựng mạng lưới 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, trong đó có 17/20 nước thành viên G20 và toàn bộ các nước ASEAN

Trong lĩnh vực quốc phòng an ninh, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và lợi ích quốc gia – dân tộc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước. Nền quốc phòng toàn dân đang trở nên ngày càng vững mạnh, toàn diện; đã có được những bước phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Việt Nam đã tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất và cung cấp nhiều loại vũ khí, nhiều tàu quân sự. Việt Nam từng bước đóng vai trò tham gia tích cực, cử sĩ quan tham gia các phái bộ quân sự, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc[1].

Bầu không khí xã hội dân chủ, cởi mở hơn; dân trí được nâng cao; con người Việt Nam năng động, sáng tạo hơn, tính tích cực cá nhân, tính tích cực xã hội được phát huy. Những nhân tố mới, giá trị mới của văn hóa, con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế từng bước được định hình trong đời sống, góp phần bồi đắp tinh thần dân tộc, củng cố, phát huy sức mạnh đại đoàn kết trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Quyền tự do sáng tạo, truyền bá văn hóa, văn học, nghệ thuật được tôn trọng; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt tâm linh của nhân dân được pháp luật bảo vệ và được tôn trọng, bảo đảm trên thực tế. Công tác xã hội, thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển giáo dục được đẩy mạnh. Mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo tiếp tục được mở rộng về quy mô, cơ sở vật chất được tăng cường [2].

Nhiều dự báo cho thấy những thuận lợi như sau đại dịch COVID-19 trọng tâm kinh tế đang chuyển dịch từ Tây sang Đông và Việt Nam đang được hưởng lợi từ sự chuyển dịch đó. Báo cáo tháng 12-2020 của Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản JCER dự báo quy mô nền kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua Đài Loan vào năm 2035 và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á, chỉ sau Indonexia. Dự báo khác cho rằng năm 2020 Việt Nam với dân số gấp 2 lần Hàn Quốc có tổng quy mô nền kinh tế đạt 300 tỷ USD, so với tổng quy mô nền kinh tế Hàn Quốc là 1,65 nghìn tỷ USD thì khoảng cách vẫn còn lớn. Nhưng nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm duy trì ở mức 7,5% thì dự kiến đến năm 2040, tổng quy mô nền kinh tế Việt Nam có thể bắt kịp hoặc vượt qua Hàn Quốc, trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 ở Châu Á.

Trang Asianmediacetre.org.vn ngày 18/1 cho rằng việc gọi nền kinh tế Việt Nam là “con hổ Châu Á” có vẻ sáo rỗng nhưng nếu duy trì mức tăng trưởng 7% trong thập kỷ tới Việt Nam cũng sẽ đi theo quỹ đạo giống như những  “con hổ Châu Á” Hồng Kông, Singaope, Hàn Quốc và Đài Loan trước đây. Theo báo cáo của tổ chức Economist Intelligence Unit (EUI) của Anh, Việt Nam nổi lên như một cơ sở sản xuất chi phí thấp, đánh bại cả Ấn Độ, thậm chí Trung Quốc về các chỉ số, bao gồm chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài, kiểm soát ngoại thương và hối đoái. Trong khi Việt Nam đạt 6 trên thang điểm 10 trong chính sách FDI thì cả Ấn Độ và Trung Quốc đều đạt điểm 5,5, về kiểm soát ngoại thương và hối đoái Việt Nam đạt 7,3 trong khi Trung Quốc là 6,4 và Ấn Độ là 5,5. Tham gia các hiệp định thương mai tự do mang đến cho Việt Nam nhiều lợi thế. Ví dụ như theo hiệp định EVFTA, nhóm hàng sản xuất giày dép sang EU phải chịu mức thuế 30% được giảm xuống 0% từ tháng 8/2020[3]. Thời cơ và dư địa phát triển đang ủng hộ những nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam.

Những thành công khá toàn diện trên nhiều mặt, lĩnh vực của sự nghiệp đổi mới không thể tách rời vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng, những năm qua Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng phát triển tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được thực hiện toàn diện, đồng bộ. Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn được đẩy mạnh; hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam tiếp tục được bổ sung, phát triển. Bộ máy của hệ thống chính trị để tinh gọn tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động được thực hiện với quyết tâm chính trị cao, đạt được kết quả quan trọng, rõ nét. Nhiều quy chế, quy định về đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, phân cấp, tăng cường kiểm tra, giám sát trong công tác cán bộ được rà soát, điều chỉnh, bổ sung và ban hành mới[4].

Dư luận quốc tế đánh giá cao về Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cho rằng đây là sự kiện quan trọng không chỉ của Việt Nam mà còn trong cả khu vực. Global Time cho rằng Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ bầu ra ban lãnh đạo mới để tiếp tục chính sách ngoại giao độc lập hóa, đa phương hóa và đa dạng hóa. Quỹ Chính trị Konrad của Đức cho rằng bất kể nhân sự ở các vị trí lãnh đạo cao nhất có thể thay đổi thế nào thì Đảng Cộng sản Việt Nam cũng sẽ tiếp tục lãnh đạo đất nước một cách vững chắc. Việt Nam tiếp tục ổn định chính trị thông qua kết nối đa phương và song phương. Các thỏa thuận thương mại sẽ tiếp tục giúp Việt Nam thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tờ FAZ ngày 23/1 đăng bài viết với nhan đề “Đảng Cộng sản Việt Nam định vị mình thế nào trong tương lai” cho rằng các vị trí lãnh đạo cho thấy sự tiếp nối liên tục. Một thế hệ trưởng thành trong thời kỳ kinh tế mở cửa đang phấn đấu mạnh mẽ hơn bao giờ hết, có nhiều khả năng đương đầu với những thách thức trong việc lãnh đạo đất nước vượt qua đại dịch và những khó khăn sắp tới. Tạp chí “Thế giới đa cực” của Nga ngày 20/1 đăng bài viết có tiêu đề “Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam - cột mốc lịch sử trong đời sống Việt Nam” bày tỏ tin tưởng Đại hội XIII của Đảng sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của Việt Nam theo hướng hiện đại. Tác giả bài viết cho rằng nội dung các dự thảo văn kiện trình Đại hội thể hiện tầm nhìn chiến lược và cách tiếp cận sáng tạo của các cơ quan lãnh đạo của Đảng, cũng như quyết tâm của dân tộc Việt Nam phấn đấu xây dựng đất nước "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn", nhân dân được ấm no, hạnh phúc.

Những thành công, kinh nghiệm và phân tích nêu trên cho thấy tính hiện thực và khả thi của những mục tiêu và giải pháp được đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra, hiệu triệu, tập hợp toàn Đảng, toàn dân sẽ làm nên những kỳ tích như những con rồng, con hổ Châu Á đã làm được trước đó.

75 năm đã đi qua, Việt Nam đã thành công trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới và đang vươn lên khẳng định vị thế, chiếm lĩnh những đỉnh cao mới trên nhiều phương diện, lĩnh vực. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII hội tụ ý chí và khát vọng toàn dân tộc, đã xác lập hành trình cho chặng đường mới tới năm 2030 - 100 năm lập Đảng, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; tới năm 2045 - 100 năm lập quốc trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

RVới khát vọng phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam dưới ngọn cờ chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đang tiếp tục khẳng định vai trò hạt nhân, không thể thay thế, dẫn dắt đất nước, nhân dân tiến lên, đạt những đỉnh cao phát triển mới.

THÁCH THỨC CẦN VƯỢT QUA

Đại dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát gần đây tại Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng và một số tỉnh thành đã cho thấy những nguy cơ thiệt hại lớn nếu dịch bệnh không được kiểm soát tốt. Bên cạnh đó, những thành tích đạt được cũng dễ biến thành tâm thế chủ quan, ngủ quên trên chiến thắng nếu không được phân tích, kế thừa và xử lý một cách bình tĩnh, khoa học.

Văn kiện Đại hội đã chỉ ra những thách thức nội tại như tham nhũng vẫn là nguy cơ đối với sự tồn vong chế độ; một bộ phận đảng viên phai nhạt lý tưởng, tính tiền phong, gương mẫu giảm sút. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với hệ thống chính trị, trọng tâm là Nhà nước chậm, có mặt lúng túng. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội còn nhiều vướng mắc, bất cập. Luật pháp, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực còn chồng chéo. Môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp. Năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Tăng trưởng xuất khẩu và xuất siêu chủ yếu ở nhóm hàng của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tư duy phát triển chưa có nhiều đột phá, như trong giai đoạn 2006-2016 nhiều tổng công ty, tập đoàn nhà nước được kỳ vọng là “quả đấm thép” của nền kinh tế đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng. Kết quả giảm nghèo đa chiều chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao, nhất là đối với đồng bào dân tộc ở vùng sâu vùng xa. Hay nguy cơ chưa giàu đã già, Việt Nam bắt đầu bước vào thời kỳ già hóa dân số từ năm 2011 với tỷ lệ người từ 65 tuổi trở nên (chiếm 9,9%), sẽ trải qua giai đoạn dân số già từ 2026-2054 (chiếm 10-19,9%) và giai đoạn dân số rất già từ 2054-2069 (chiếm 20-29,9%), được xem là nước có thời gian chuyển từ già hóa dân số sang dân số già nhanh nhất thế giới.

Nhiều câu hỏi của bạn bè quốc tế đặt ra và phân tích, liệu Việt Nam có lại là một “con hổ giấy”? Ví dụ như muốn trở thành một quốc gia trỗi dậy, một cường quốc tầm trung thì phải có hệ thống cảng biển, cơ sở hạ tầng và điều kiện năng lượng tốt để phục vụ sản xuất, vận chuyển, xuất khẩu hàng hóa. Những yếu tố này hiện vẫn là hạn chế của Việt Nam. Bên cạnh đó việc duy trì nhịp độ tăng trưởng của Việt Nam trong những năm tới cũng phụ thuộc rất nhiều vào các điều kiện quốc tế bên ngoài như cạnh tranh nước lớn, chuyển dịch chuỗi cung, chuyển dịch trọng tâm địa chính trị và các vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo. Sự phục hồi của Việt Nam cũng phụ thuộc những yếu tố khó kiểm soát như đại dịch COVID-19 hay sự phục hồi của Mỹ và Châu Âu. Việt Nam sẽ phải giải quyết thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc cũng như phải vượt qua nguy cơ bị Mỹ áp thuế và các biện pháp thao túng tiền tệ. Việt Nam hiện vẫn là một nước tương đối nghèo cần phải nâng cao trình độ công nghệ, các chính sách kinh tế cần phải hướng đến đồng đều các lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Trong thời gian tới, vì cạnh tranh với các nước ASEAN khác sẽ gia tăng nên Việt Nam cần cải thiện các điều kiện hơn nữa để trở thành “điểm đến công nghệ cao”, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào các nhà đầu tư nước ngoài và nâng cao giá trị gia tăng của chính các công ty, cơ sở hạ tầng, cung cấp năng lượng và cảnh quan giáo dục phi bắt kịp sự phát triển kinh tế

Bên cạnh đó, sự chống phá của các thế lực thù địch, sự gia tăng căng thằng tranh chấp biển đảo, biến đổi khí hậu nhất là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng đặt ra những câu hỏi lớn cho bài toán phát triển của Việt Nam.

          Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đang thổi bùng lên khát vọng dân tộc, đặt nền tảng quan trọng cho khát vọng 100 năm từ một nước đói nghèo nô lệ, Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển, thu nhập cao, người dân có cuộc sống ấm no hạnh phúc. Bên cạnh những thời cơ và vận hội mới, con đường đi về phía trước còn không ít chông gai, thách thức, đòi hỏi sự bình tĩnh, kiên nhẫn, niềm tin, tinh thần đoàn kết, sáng tạo và chung lòng chung sức của toàn Đảng, toàn dân./.

TS. Nguyễn Phú Trường

Ban Tuyên giáo Trung ương



[1] Thông tấn xã Việt Nam: Tài liệu tham khảo đặc biệt số 23 ngày 26/1/2021

[2] Trung tâm Thông tin Công tác Tuyên giáo: Tài liệu “Những thành tựu nước ta đạt được sau 75 năm thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”

[3] Thông tấn xã Việt Nam: Dư luận thế giới về Việt Nam số 04 ngày 22/1/2021

[4] Trung tâm Thông tin Công tác Tuyên giáo: Tài liệu “Những thành tựu nước ta đạt được sau 75 năm thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất