Thứ Tư, 9/10/2024
Thể thao
Thứ Ba, 22/12/2009 21:19'(GMT+7)

Đại tá Phạm Ngọc Dương, Trưởng phòng TDTT Quân đội: Thể thao là một phần quan trọng của Quân đội

Đại tá Phạm Quang Dương, Trưởng phòng

Đại tá Phạm Quang Dương, Trưởng phòng



* Thưa ông, xin ông giới thiệu đôi nét về lịch sử của ngành thể thao Quân đội?


- Sau khi Quân đội Nhân dân Việt Nam được thành lập thì không lâu sau đó ngành thể thao Quân đội cũng xuất hiện, bởi bản chất của thể thao chính là huấn luyện thể lực xen kẽ với huấn luyện chiến đấu. Nói một cách khác, trong huấn luyện chiến đấu thì huấn luyện thể lực là một trong 4 nội dung (3 nội dung còn lại là huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật và điều lệnh).

Hiện nay ngành thể thao Quân đội vẫn chưa có ngày truyền thống và chúng tôi đang đề nghị lấy ngày 23/9 hàng năm làm ngày truyền thống của ngành thể thao Quân đội. Lý do là vì vào ngày 23/9/1957, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã ký quyết định thành lập đoàn công tác thể thao Quân đội, gọi tắt là Thể Công. Sau bao năm Thể Công đã có nhiều lần thay tên đổi họ, nhưng Thể Công vẫn là tên gọi chung cho công tác thể thao Quân đội.

* Ở SEA Games 25 vừa qua, thể thao Quân đội đã có đóng góp như thế nào với thành tích của đoàn thể thao Việt Nam?


- Tại SEA Games 25, thể thao Quân đội đóng góp 50 HLV, VĐV cho đoàn thể thao Việt Nam ở các môn điền kinh, karatedo, quyền Anh, vật, bắn súng, bóng chuyền và bóng bàn. Thành tích mà các VĐV thể thao Quân đội giành được tại SEA Games 25 là 6 HCV cá nhân và 6 HCV đồng đội.


Cụ thể như sau, 6 HCV cá nhân thuộc về Vũ Văn Huyện (10 môn phối hợp, phá kỷ lục SEA Games), Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Vũ Thị Nguyệt Ánh (karate hạng 50kg), Mẫn Bá Xuân (vật hạng cân 74kg, HCV SEA Games thứ 5 liên tiếp), Đinh Quang Linh (bóng bàn đôi nam), Nguyễn Văn Hùng (vật).


6 HCV đồng đội là của Đỗ Đức Hùng (10m súng trường hơi di động 60 viên), Nguyễn Huy Hoàng (50m súng trường 3 tư thế), Hà Minh Thành (25m súng ngắn bắn nhanh), Nguyễn Hoàng Hiệp (Kumite đồng đội nam), Trần Xuân Hiệp (wushu đối luyện tay không nam).


Đấy là thể thao thành tích cao của thể thao Quân đội, còn với nhiệm vụ chính là huấn luyện sức khỏe cho bộ đội thì trong năm 2009, thể thao Quân đội đã duy trì và thực hiện tốt huấn luyện thể lực và hoạt động thể thao ở các đơn vị và nhà trường trong Quân đội.


Các nội dung huấn luyện chính khóa và ngoại khóa đều được thực hiện đầy đủ, đúng theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Điểm nhấn của thể thao Quân đội trong năm 2009 là Hội thao TDTT quốc phòng toàn quốc vừa diễn ra tại trường bắn Miếu Môn (8-15/12) với sự tham dự của hơn 2000 HLV, VĐV từ 47 đoàn VĐV bộ đội thường trực, 8 đoàn VĐV dân quân tự vệ.


* Vậy còn số phận của đội bóng đá Thể Công, một cái tên tiêu biểu của thể thao Quân đội thì sao, thưa ông?


- Đội bóng đá Thể Công sẽ được điều chuyển về Trung tâm TDTT Quân đội như ngày trước để thực hiện 3 chức năng lớn. Thứ nhất là làm nòng cốt phát triển phong trào bóng đá toàn quân. Thứ hai là tham gia công tác tổ chức các giải bóng đá trong Quân đội. Thứ ba làm nòng cốt tổ chức thành lập ĐT bóng đá Quân đội để tham gia các hoạt động trong khu vực và quốc tế nếu được Bộ Quốc phòng giao phó.


Về nguồn nhân lực của đội bóng đá Thể Công thì bộ khung quản lí sẽ là các sỹ quan chuyên nghiệp, còn lực lượng cầu thủ sẽ lấy từ Trung tâm đào tạo bóng đá Viettel hoặc sẽ đào tạo từ tuyến năng khiếu. Tất cả các cầu thủ này đều sẽ được quản lí theo hướng kí kết hợp đồng với đội bóng đá Thể Công.


Hiện tại, theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Cục Quân huấn đang triển khai từng bước để đưa bộ khung vào hoạt động. Nếu trong tương lai, đội bóng đá Thể Công đủ điều kiện tham dự các giải đấu của VFF thì cũng có thể tham gia, nhưng trên hết vẫn phải phục vụ nhiệm vụ chính là làm nòng cốt phát triển phong trào bóng đá toàn quân, các nhiệm vụ khác chỉ là song song chứ không phải chủ đạo.



 Vũ Văn Huyện, một trong những VĐV tiêu biểu của thể thao Quân đội tại SEA Games 25. Ảnh: Quốc Khánh.

* Trong tương lai, thể thao Quân đội sẽ phát triển theo hướng nào, thưa ông?

- Hướng phát triển của thể thao Quân đội trong tương lai là tiếp tục duy trì và củng cố, lấy chất lượng và hiệu quả làm ưu tiên hàng đầu, còn mở rộng quy mô thì chỉ là với một số ít môn để phát triển thành tích.


Để đáp ứng với sự thay đổi của cuộc sống xã hội, thể thao Quân đội cũng phải có sự biến chuyển, nhưng cái gốc vẫn phải giữ nguyên. Nghĩa là thể thao vẫn là một nội dung của huấn luyện quân sự, lấy việc rèn luyện sức khỏe và nâng cao thể lực cho bộ đội là trọng tâm.


Song song với đó, thể thao Quân đội cũng sẽ tiếp tục duy trì lực lượng thể thao thành tích cao để làm nhiệm vụ chính trị cho Quân đội và đóng góp cho thể thao quốc gia.


* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.


H.Huy (thực hiện)

Thể thao đỉnh cao Quân đội hiện có gần 30 môn trực thuộc 5 Trung tâm TDTT. Ngoài ra còn có các đoàn và đội thể thao khác như đoàn bóng chuyền Quân đoàn 4, đội bóng chuyền nữ Bộ Tư lệnh Thông tin… Thể thao đỉnh cao Quân đội được xếp vào hàng trung tâm mạnh của toàn quốc, ở 2 kỳ ĐH TDTT toàn quốc gần đây nhất vào năm 2002 và 2006 đều giành vị trí thứ Ba toàn đoàn, sau Hà Nội và TP.HCM.



Theo Thể thao & Văn hóa
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất