Thứ Ba, 15/10/2024
Y tế - Dân số
Thứ Hai, 11/11/2019 17:45'(GMT+7)

Đái tháo đường - mối bận tâm của mọi gia đình

TS.BS. Nguyễn Quang Bảy

TS.BS. Nguyễn Quang Bảy

Phóng viên (PV)Bên cạnh ĐTĐ thì tiền ĐTĐ cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay, bác sĩ có thể chia sẻ tiền ĐTĐ là gì và chúng ta có biện pháp nào để ngăn chặn nó trở thành ĐTĐ?

TS.BS. Nguyễn Quang Bảy: Theo điều tra dịch tễ của Việt Nam, tỷ lệ mắc tiền ĐTĐ thường cao hơn gấp đôi so với ĐTĐ (5,4% so với 13,7% theo điều tra năm 2012). Đáng lo ngại, tiền ĐTĐ nếu để diễn biến tự nhiên thì sau 10 năm, 50% sẽ chuyển thành ĐTĐ, 25% vẫn là tiền ĐTĐ và 25% có thể trở về bình thường.

Theo Liên đoàn đái tháo đường thế giới (IDF), cứ mỗi giờ có thêm hơn 1.000 bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) mắc mới, và cứ mỗi 8 giây có 1 người chết do ĐTĐ. Hiện nay trên toàn thế giới, có hơn 425 triệu người đang sống chung với bệnh ĐTĐ. Chi phí y tế điều trị ĐTĐ đang trở thành gánh nặng không chỉ cho bệnh nhân, cho gia đình mà còn cho toàn xã hội.

Liên đoàn Đái tháo đường thế giới cho biết, 50% bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ), và 90% bệnh nhân ĐTĐ tuýp 2 là có thể phòng ngừa được bằng thay đổi lối sống, tăng cường vận động, kiểm soát cân nặng và chế độ ăn.

Tiền ĐTĐ là dạng rối loạn đường huyết nhưng chưa đến mức là ĐTĐ. Có 2 dạng tiền ĐTĐ là tăng đường huyết lúc đói (đường huyết lúc đói dưới 7,0 nhưng trên 5,6 mmol/L) và rối loạn dung nạp glucose (đường huyết đo 2h sau khi uống 75g glucose từ 7,8 đến 11,0 mmol/L)

Nhiều nghiên cứu chứng minh người tiền ĐTĐ tăng cao có nguy cơ bị các biến chứng tim mạch và thần kinh, vì vậy hiện nay trên thế giới có hơn 50 quốc gia đã coi tiền ĐTĐ là một bệnh và có chỉ định điều trị nhằm 2 mục tiêu chính, là: ngăn ngừa tiến triển thành ĐTĐ; ngăn ngừa các biến chứng tim mạch - thủ phạm chính gây ra tử vong ở các bệnh nhân ĐTĐ. Cho đến nay có 3 phương pháp chính để can thiệp vào nhóm này là: thay đổi lối sống; sử dụng thuốc và phẫu thuật.

Thay đổi lối sống là phương pháp can thiệp cơ bản, gồm điều chỉnh chế độ ăn và tăng cường tập luyện thể lực để làm giảm cân. Phương pháp này có hiệu quả rất tốt trong thời gian đầu nhưng lại không bền vững. Do đó hiện nay người ta đang hướng đến phương pháp sử dụng thuốc đối với nhóm tiền ĐTĐ nguy cơ cao với các biến chứng về tim mạch, thuốc được sử dụng phổ biến nhất là Metformin. Phương pháp phẫu thuật thắt dạ dày hoặc nối thông dạ dày – ruột được áp dụng đối với nhóm béo phì, có chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 34.

 Thăm khám cho bệnh nhân ĐTĐ đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

PV: ĐTĐ thai kỳ được coi như một vấn đề mới nổi. Xin bác sĩ cho biết một số thông tin khuyến cáo cũng như biện pháp kiểm soát những tai biến sau sinh cho sản phụ cũng như cho em bé?

TS.BS Nguyễn Quang Bảy: Theo một số điều tra tại các bệnh viện lớn, khoảng 6 – 9% những phụ nữ mang thai ở Việt Nam bị ĐTĐ thai kỳ, đó là những người được phát hiện ĐTĐ lần đầu tiên trong khi mang thai. Còn những người đã bị ĐTĐ từ trước khi có thai thì không gọi là ĐTĐ thai kỳ mà gọi là ĐTĐ ở phụ nữ có thai. Thông thường 90% trường hợp ĐTĐ thai kỳ sẽ hết sau khi sinh nhưng về lâu dài những người đó sẽ có nguy cơ ĐTĐ tuýp 2 cao hơn người bình thường. ĐTĐ thai kỳ thường xuất hiện từ tuần 24-28 của thai kỳ.

Để sàng lọc ĐTĐ thai kỳ, người ta sẽ phân tầng nguy cơ. Những phụ nữ có nguy cơ cao như đã bị ĐTĐ thai kỳ, tiền sử đẻ con to (> 4000g), gia đình có người bị ĐTĐ, thừa cân béo phì, tuổi trên 35… thì phải sàng lọc ngay lần khám thai đầu tiên. Những người nguy cơ trung bình thì sàng lọc ở tuần 24-28. Những người nguy cơ thấp nên thì không cần sàng lọc.

Để sàng lọc ĐTĐ thai kỳ người ta cũng sử dụng nghiệm pháp tăng đường huyết, bằng cách cho uống 75g glucose pha trong 250ml nước, và tiến hành đo đường huyết tại 3 thời điểm là trước uống, sau uống 1h và sau uống 2h. Những trường hợp có ít nhất 1 kết quả đo đường huyết trước uống ≥ 5,1ml/l, đường huyết sau uống 1h ≥ 10,0 và sau 2h  ≥ 8,5mmol/l được chẩn đoán là ĐTĐ thai kỳ.

Tại Khoa Nội tiết – ĐTĐ, BV Bạch Mai luôn có khoảng 10% bệnh nhân nội trú mắc ĐTĐ thai kỳ (10 BN) và mỗi ngày phòng khám của khoa có 15-20 bệnh nhân ĐTĐ thai kỳ đến khám. Nguy cơ của ĐTĐ thai kỳ đối với mẹ và con là cực lớn nếu không được kiểm soát tốt đường huyết. Với những tuần đầu có thể gây sảy thai, thai chết lưu, có nhiều trường hợp hỏng thai liên tiếp nhiều lần sau đó mới được phát hiện bị ĐTĐ. Một số trường hợp rất đáng tiếc thai đã 37 – 38 tuần bị chết lưu, và mẹ bị hôn mê do chỉ số đường huyết quá cao mà không được tầm soát dù người mẹ có nhiều yếu tố nguy cơ cao.

Bên cạnh đó, ĐTĐ thai kỳ cũng có thể gây ra một số biến chứng như dị tật cho thai đặc biệt là dị tật về tim mạch, thần kinh, thai to… Đối với mẹ sẽ là các nguy cơ đa ối, ĐTĐ về sau.

PV: Thưa bác sĩ, hiện nay, tình trạng trẻ hóa bệnh nhân ĐTĐ có phải là vấn đề đáng quan tâm?

TS.BS Nguyễn Quang Bảy: Trẻ hóa ĐTĐ cũng là vấn đề đáng lo ngại do thời gian gần đây tỷ lệ trẻ béo phì gia tăng. Có cháu 14, 15 tuổi đã mắc ĐTĐ và thường là những đứa trẻ béo phì, gáy và nách thường có gai đen (có đám da sần và chuyển màu). Việc điều trị nhóm này khó khăn hơn vì các thuốc uống hạ đường huyết thường ít được nghiên cứu ở trẻ em, và trẻ thường tuân thủ điều trị kém, duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt không thể giống như người lớn.Có bệnh nhân 16 tuổi, bị ĐTĐ, cao 1m83, nặng 88 kg, vào viện vì đường máu quá cao. Sau khi điều trị, cân nặng vẫn tăng do chế độ ăn không đảm bảo, đi học thường xuyên ăn thêm.

Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy ĐTĐ ở người trẻ thì biến chứng sẽ tiến triển nặng hơn, thời gian dẫn đến biến chứng sớm hơn và tỷ lệ có biến chứng nhiều hơn so với ĐTĐ ở người lớn tuổi. Do đó, để phòng tránh ĐTĐ cho con trẻ, bố mẹ cần kiểm soát chế độ ăn và cân nặng cho trẻ. Liên đoàn ĐTĐ thế giới cho biết 50% bệnh nhân ĐTĐ, và 90% bệnh nhân ĐTĐ tuýp 2 là có thể phòng ngừa được bằng thay đổi lối sống, tăng cường vận động, kiểm soát cân nặng và chế độ ăn./.

Thoa Đỗ

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất