Thứ Hai, 14/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Ba, 24/12/2013 22:31'(GMT+7)

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà tổ chức mẫu mực phong trào thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (người đứng vỗ tay) với các cán bộ, chiến sĩ dự Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1952. Ảnh tư liệu.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (người đứng vỗ tay) với các cán bộ, chiến sĩ dự Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1952. Ảnh tư liệu.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sinh ngày 1/1/1914 ở thôn Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế và ra đi sau một cơn đau tim đột ngột ngày 6/7/1967. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từ buổi ban đầu cho đến khi giữ những cương vị lãnh đạo cao trong Đảng và quân đội, lúc nào cũng gương mẫu đi đầu, lăn lộn trong các phong trào, sẵn sàng gánh vác những công việc khó khăn, nhất là chỉ đạo và tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, đem lại hiệu quả thiết thực. Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng, những kỷ niệm khó quên, những dấu ấn của một nhà lãnh đạo, tổ chức thành công các phong trào thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên giá trị thời sự, sâu sắc và lắng đọng.

 1. Ngày 11/6/1948, giữa lúc cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược đang ở vào giai đoạn cam go, đầy thử thách, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Theo lời Người, "Thi đua là một cách yêu nước thiết thực và tích cực" đã mở đầu cho một phong trào hành động cách mạng sôi nổi của toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, được chỉ đạo thống nhất, chặt chẽ từ Trung ương xuống từ cơ sở; phát triển trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà. Tiếp đó, phong trào ngày càng phát triển trong thời kỳ cả nước thống nhất đi lên CNXH, trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, thi đua yêu nước là huy động và phát huy sức mạnh "người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua ", nhân nguồn sức mạnh nội lực của dân tộc nhằm đạt được mục tiêu của cách mạng. Phát triển rộng rãi trên tất cả các lĩnh vực, các giai tầng mà "nền tảng là công việc hàng ngày ngày chính là nền tảng thi đua”, Hồ Chí Minh kêu gọi: “Toàn thể quốc dân ta, vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì, phải ra sức tham gia cuộc Thi đua yêu nước”. Cùng với sự phát triển của tiến trình cách mạng, tuy có thể khác nhau về tên gọi cụ thể, nhưng khi “mọi người đều thi đua, mọi việc đều có thi đua”, sẽ vượt qua khó khăn, gian khổ, từng bước chiến thắng giặc đói, giặc dốt, từng bước chiến thắng những tập tục hủ lậu, những toan tính nhỏ nhen, xây dựng đời sống mới, hướng tới chiến thắng giặc ngoại xâm, xây dựng một nước Việt Nam độc lập, tự cường… Để thực hiện mục tiêu cao cả, không thay đổi là "Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc", trong mỗi một thời kỳ, cách thức tiến hành thi đua có khác nhau, nhưng xuyên suốt và nhất quán vẫn là dựa vào "Lực lượng của dân, Tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân"[1]. Thấm nhuần tư tưởng của Người, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh- người học trò được Chủ tịch Hồ Chí Minh hết mực yêu quý, dù đảm nhận trọng trách công tác nào cũng luôn vận dụng một cách sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác- Lênin, những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh trong lãnh đạo và tổ chức thực hiện, đặc biệt là tổ chức và nhân rộng các phong trào thi đua yêu nước nhằm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của mỗi thời kỳ.

Là người cán bộ lãnh đạo luôn biết cách vượt qua mọi  hiểm nguy và khó khăn để nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, đồng chí Nguyễn Chí Thanh ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp đã là linh hồn của cuộc chiến đấu ở Bình- Trị-Thiên. Câu nói nổi tiếng của Đại tướng khi ấy là "Chúng ta cần phải tranh thủ từng người, từng thôn. Chúng ta không để mất dân, chết cũng không rời cơ sở. Chúng ta nhất định thắng"[2] và "kháng chiến, cách mạng cần phải có đông đảo nhân dân tham gia… nhân dân là cái vốn cách mạng quý nhất, quý hơn tất cả"[3] vẫn còn nguyên giá trị thời sự, đồng thời cũng cho thấy, sức mạnh làm nên mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng luôn gắn liền với sự đồng tình, ủng hộ, tham gia của nhân dân.

Là người làm công tác tư tưởng giỏi, đồng chí đã luôn quan niệm công tác tư tưởng không chỉ dừng lại ở việc động viên con người, cao hơn, sâu sắc hơn là phải giải quyết một cách hài hòa mối quan hệ giữa cán bộ và chiến sĩ, tiền tuyến với hậu phương, con người và vũ khí, quân đội với Đảng… Vì vậy, khi đảm nhiệm trọng trách Chủ nhiệm Tổng cục chính trị, Phó Bí thư tổng Quân ủy, dưới sự lãnh đạo của đồng chí, công tác chính trị đã không còn thuần là công tác động viên, bảo đảm, mà đã trở thành công tác lãnh đạo của Đảng trong quân đội, đảm bảo xây dựng quân đội vững mạnh trong tư tưởng và trong tác chiến, tạo ra sinh khí mới, sức mạnh mới cho quân đội ta. Năm 1950, tại hội nghị chuẩn bị chiến dịch Biên Giới, nói với cán bộ làm chính trị trong quân đội, đồng chí đã nhấn mạnh một trong những phương pháp góp phần "làm cho cuộc vận động lập công được phổ biến hơn nữa là thi đua giữa các đơn vị và cá nhân"[4]. Quan điểm này của Đại tướng không chỉ được quán triệt vận dụng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà còn được phát huy trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là, sau khi đánh giá đúng thế mạnh và yếu của ta, của địch, một trong những công việc cần phải làm ngay chính là làm tốt công tác tư tưởng trong quân đội, cổ vũ, động viên cán bộ và chiến sĩ phát huy thế chủ động tiến công, đánh địch theo cách đánh do mình lựa chọn, phù hợp sở trường, sở đoản của mình, gắn liền với đẩy mạnh phong trào thi đua giữa các đơn vị, cá nhân trong toàn quân…

Cũng theo đồng chí, trong tổ chức và lãnh đạo và phong trào thi đua, thì công tác chính trị cũng rất quan trọng; và nếu làm tốt công tác tư tưởng - tuyên truyền, giải thích, cổ vũ và động viên mỗi người nhiệt thành tham gia thì hiệu quả và sức mạnh của phong trào sẽ được nhân lên rất nhiều. Cùng đó, "việc học tập cái mới, ủng hộ cái mới, thúc đẩy cái mới phát triển đang trở thành một vấn đề quan trọng và nóng hổi nhất trong sinh hoạt Đảng và Nhà nước ta"[5]. Đó chính là một cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, để cả cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân nhận thức đúng đắn tính tất yếu khách quan của tình hình mà vận dụng, thực hiện cho phù hợp.

Đầu năm 1960, thực hiện nhiệm vụ xây dựng quân đội chính quy, hiện đại, trong đó "lấy thi đua huấn luyện quân sự làm chính" như Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh đã quán triệt và vận dụng sáng tạo lời dạy của Người, chỉ đạo làm tốt công tác tư tưởng, đẩy mạnh phong trào "tiến nhanh vượt mức kế hoạch" trong quân đội, đưa phong trào phát triển cao hơn về cả nội dung và hình thức. Làm công tác tư tưởng ở một cơ quan chiến lược, với sự nhạy cảm chính trị, Đại tướng đã kịp thời phát hiện các điển hình tiên tiến, nêu gương, phân tích và phổ biến kinh nghiệm, phát động quần chúng học tập điển hình, đấy lên phong trào "Ba Nhất" trong toàn quân.

Từ một đơn vị huấn luyện trước thuộc loại kém nhưng sau một thời gian kiên quyết phấn đấu, chống tư tưởng bảo thủ, trì trệ, ra sức khiêm tốn học tập, quyết tâm vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật, nên Đại đội 2, Trung đoàn Pháo binh 68, Đoàn Vinh Quang nằm trong đội hình của Đại đoàn 304, đã chuyển thành đơn vị tiên tiến và là đơn vị đầu tiên đạt danh hiệu "Ba nhất" vào ngày 18/6/1960. Nội dung "Ba nhất"- (nhất về huấn luyện quân sự, rèn luyện kỹ thuật; nhất về mặt gương mẫu, kỷ luật; nhất về lao động và sản xuất) đã lôi cuốn các đơn vị trong toàn quân, mở rộng ra cả những đơn vị dân quân, thắt chặt thêm tình đoàn kết giữa bộ đội thường trực và lực lượng hậu bị, củng cố khối đoàn kết công - nông - binh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. “Ba nhất” được Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng phát động thành phong trào thi đua trong toàn quân. Đó là một phong trào thi đua, một hình tượng thi đua điển hình vừa cụ thể vừa sinh động, lấy huấn luyện chiến đấu, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu làm trung tâm, lấy việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị mình làm mục tiêu thi đua cụ thể". Với ý nghĩa đó, Ba nhất” được nêu lên như một khẩu hiệu hành động có sức hấp dẫn mạnh mẽ, cổ vũ cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân hăng say thi đua sáng tạo lập thành tích xuất sắc. Từ cái nôi của phong trào thi đua “Ba nhất” ở Đại đội 2, các đơn vị trong toàn quân nô nức hưởng ứng, với các điển hình được nhân rộng là Đoàn pháo binh: Trường Sơn, Tất Thắng, Yên Thế, Hòa Bình-Tây Bắc; Đoàn công binh Sông Lô, Sông Thao... cùng những tên gọi rất sáng tạo như: Đại đội chuyên môn cờ đỏ; Đêm tháng Năm; Đi cùng Ba nhất; Dũng cảm đánh hăng, tiến chắc, tiến nhanh, thi đua vững vàng; Một bước lấy đà ba bước nhảy vọt...cổ vũ tinh thần phấn đấu vươn lên trong học tập và rèn luyện của cán bộ và chiến sĩ để tăng nguồn sức mạnh đánh thắng mọi kẻ thù. Sự phát triển và lan tỏa sâu rộng của phong trào thi đua "Ba nhất" cũng cho thấy ý nghĩa của việc làm tốt công tác tư tưởng, lựa chọn đơn vị làm điểm, cách làm phù hợp, nội dung thiết thực và việc tuyên truyền, nhân rộng điển hình trong phong trào thi đua là nhân tố quan trọng, góp phần làm cho phong trào thành công…

Cuối năm 1960, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được phân công về làm Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương, chăm lo hoàn thiện quan hệ sản xuất mới và phát triển sản xuất. Khi ấy, kinh nghiệm làm ăn tập thể chưa có, phong trào hợp tác hóa nông nghiệp cũng không tránh khỏi những khó khăn…Từ một vị tướng cầm quân đánh giặc, chuyển sang cương vị người chỉ đạo một ngành kinh tế trọng yếu của đất nước, trực tiếp liên quan đến đời sống, sự đói no của hàng chục triệu người dân, vị Đại tướng của nhân dân đã nỗ lực và để lại dấu ấn trên cương vị công tác mới này. Thực hiện lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi giao nhiệm vụ cho mình: “Phong trào mới nhóm, trầm trầm. Chú hãy cố gắng tìm cho được điển hình tốt, rút kinh nghiệm và phát huy nó lên, để đánh tan bầu không khí kém phấn khởi”, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đi sâu nghiên cứu, điều tra nhiều hợp tác xã ở miền Bắc (Hải Phòng, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng), phát hiện và tổng kết kinh nghiệm của Hợp tác xã Đại Phong (Lệ Thủy, Quảng Bình). Chủ trương phát động phong trào thi đua với Đại Phong - đơn vị đó có thành tích đi đầu trong phong trào: Cải tiến quản lý hợp tỏc xó; cải tiến kỹ thuật; đẩy mạnh sản xuất ra đời từ huấn thị đó của Bác Hồ. Nhân tố mới Đại Phong đã đem đến một luồng gió mới trong sản xuất nông nghiệp. Noi gương Đại Phong, hơn 10.000 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ở miền Bắc khi ấy (số liệu của Viện Thi đua khen thưởng Trung ương) đã hăng hái thi đua, tỏ rõ sức mạnh to lớn của nông dân nước ta trên con đường hợp tác hoá, xây dựng đời sống hạnh phúc ấm no, đem lại những thành tựu to lớn về phát triển hợp tác xã và sản xuất nông nghiệp; góp phần to lớn vào việc xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sang năm 1961, phong trào thi đua học tập, đuổi kịp và vượt "Gió Đại Phong" ngày càng lan tỏa sâu rộng ở miền Bắc.

2. Từ thực tế tổ chức và chỉ đạo phong trào thi đua trong nông nghiệp, Đại tướng nhận thấy việc phát hiện nhân tố, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình, phát động phong trào thi đua, thực hiện xóa đói giảm nghèo, tăng hộ giàu, phân hóa tích cực trong trong nông thôn và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, gần gũi, sâu sát với nông dân, với thực tế nông thôn để đưa ra mục tiêu sát thực tế là rất cần thiết. Và muốn làm được điều đó, tất yếu phải sửa đổi lối làm việc quan liêu, bàn giấy, mệnh lệnh… cả trong quá trình xây dựng chủ trương, đường lối và cả trong quá trình xây dựng chương trình, kế hoạch, mục tiêu các phong trào thi đua yêu nước trên mặt trận nông nghiệp.

Sau khi đi tham quan, học tập và tìm hiểu kinh nghiệm phong trào thi đua XHCN trong nông nghiệp Thanh Sơn Lý ở Triều Tiên về, Đại tướng đã đưa ra những nhận xét chi tiết, chính xác về cách thức tổ chức phong trào, sự giúp đỡ của Nhà nước đối với phong trào và sự lan tỏa của phong trào trong thực tiễn ở Triều Tiên so với Việt Nam. Khẩu hiệu "Học tập, đuổi kịp và vượt hợp tác xã Đại Phong" mà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nêu ra cho thấy việc làm tốt công tác tư tưởng, lựa chọn, phát hiện nhân tố mới trong phong trào thi đua là rất quan trọng. Đại Phong và những kết quả thiết thực trong thực tiễn đã chứng minh cách làm này đúng và hiệu quả ngay từ ban đầu. "Đại Phong" và "Ba nhất" là hai điển hình của phong trào thi đua yêu nước những năm kháng chiến chống Mỹ và xây dựng CNXH ở miền Bắc. Dấu ấn không thể phai mờ của hai điển hình tiên tiến, với những cách làm hay, sáng tạo đó là minh chứng sinh động một phong cách của nhà tổ chức và lãnh đạo phong trào thi đua Nguyễn Chí Thanh- đó là luôn tìm tòi những cái mới, nhân tố mới, xây dựng những điển hình và cá nhân, rồi phát triển rộng thành phong trào thi đua sâu rộng trong thực tiễn.

Phát huy ý nghĩa và những bài học kinh nghiệm về thi đua yêu nước trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược và những năm miền Bắc xây dựng CNXH, từ khi cả nước thống nhất cùng đi lên CNXH và đặc biệt là trong 27 năm thực hiện công cuộc đổi mới, cả nước đã dấy lên hàng loạt phong trào thi đua yêu nước. Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, tiếp tục ngọn cờ "Ba nhất", "Đại Phong"- gắn liền với tên tuổi nhà tổ chức thi đua tài năng Nguyễn Chí Thanh, phong trào thi đua yêu nước đã phát triển lên một tầm cao mới, có nhiều hình thức sáng tạo, thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Nhiều năm qua, thực hiện Chỉ thị 39-CT/TW ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị về việc “Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến”, nhận thức của các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân ngày càng chuyển biến. Các cấp, các ngành đã thấy rõ hơn tác dụng to lớn của các phong trào thi đua yêu nước, nhận thức sâu sắc rằng “càng khó khăn thì càng phải đẩy mạnh các phong trào thi đua”, làm cho phong trào thi đua trở thành động lực to lớn thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới XHCN. Theo đó, phong trào thi đua của các bộ, ngành, địa phương đã bám sát nhiệm vụ chính trị, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa, giáo dục và củng cố quốc phòng, an ninh... Các địa phương trong cả nước đã đẩy mạnh các phong trào thi đua chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng các tiêu chí thi đua về xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, giảm tỷ suất sinh, công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quản lý đô thị, giảm tai nạn giao thông, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, tham nhũng, bảo vệ môi trường, xây dựng cơ sở hạ tầng… Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội, các tổ chức chính trị – xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp đã đẩy mạnh các phong trào thi đua theo chuyên đề, gắn với việc biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến, góp phần giáo dục, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và góp phần phát triển kinh tế – xã hội. Điển hình như các phong trào: “Thi đua quyết thắng”; “Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa ở khu dân cư”; phong trào “Dạy tốt, học tốt”; "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi", "Thanh niên lập nghiệp", "Ðền ơn đáp nghĩa", "Vì Trường Sa thân yêu", các phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành; phong trào thi đua về đích trước tiến độ trên các công trình trọng điểm quốc gia, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”...

Tuy nhiên, bên cạnh phong trào chung, vẫn có không ít những hiện tượng làm giảm ý nghĩa của thi đua yêu nước. Những hoạt động nặng về bề nổi, chạy theo phong trào không ít, hoặc một số ngành, địa phương còn lúng túng, không chỉ đạo thường xuyên, để phong trào thi đua “có phát, mà không có động”. Đó là khi phát động, khởi xướng phong trào thi đua thì rầm rộ, nhưng sau đó thì vắng lặng, im ắng theo kiểu “đánh trống, bỏ dùi”, chẳng mấy ai hăng hái.  Song khi sơ kết, tổng kết, khen thưởng  ai cũng có bằng khen, giấy khen, tiền thưởng… do đó, chẳng mang lại hiệu ứng tích cực nào, thậm chí lại phản tác dụng theo hướng tiêu cực. Bên cạnh đó, dưới hình thức thi đua, nhiều hoạt động mang tính ganh đua, với nhiều biện pháp tiêu cực vì lợi ích nhóm, địa phương đã làm mất đi tính tích cực và giá trị nhân văn của phong trào thi đua yêu nước, khiến số người hưởng ứng, tham gia phong trào thi đua không còn mặn mà, nhiệt huyết...

Quá trình tổ chức và lãnh đạo các phong trào thi đua theo tư tưởng Hồ Chí Minh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã để lại những kinh nghiệm
quý, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong thời gian tới, đó là:

Thứ nhất, chú trọng kiện toàn Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp, đảm bảo phát huy tốt vai trò tư vấn về công tác thi đua, khen thưởng; trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, phát động phong trào thi đua; thực hiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan Đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong tổ chức, chỉ đạo phong trào thi đua yêu nước phù hợp điều kiện thực tế của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị.

Thứ hai, lựa chọn người làm công tác thi đua có tâm, có tầm, không chỉ nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà còn phải có năng lực trong tổ chức phong trào, có kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, có lòng nhiệt tình với công việc, gần gũi với mọi người, sâu sát và cụ thể trong từng công việc, từng phong trào.

Thứ ba, gắn việc phát động, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước với việc thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị. Tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, tổng kết và phổ biến kinh nghiệm, xây dựng và nhân điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua, thẩm định thành tích và xét chọn các đơn vị, tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước để đề nghị khen thưởng "đúng và trúng".

Thứ tư, phải gắn kết và thực hiện nghiêm túc giữa định hướng phong trào thi đua và biện pháp thi đua cụ thể, toàn diện, sâu rộng, khắc phục tình trạng thi đua chạy theo hình thức, tránh thổi phồng thành tích hoặc né tránh sự thật làm trở ngại, triệt tiêu động lực của phong trào thi đua, đồng thời khắc phục hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh trong thi đua.

Thứ năm, có chính sách, chế độ ưu đãi đặc biệt, thiết thực với những người có thành tích xuất sắc, điển hình trong các phong trào thi đua yêu nước cũng như những người kiến tạo, tổ chức và chỉ đạo thành công phong trào thi đua bằng nhiều hình thức khen thưởng kịp thời và theo định kỳ, để khuyến khích nhiều người tham gia hưởng ứng, sáng tạo những cách làm hay, mô hình tốt để nhân rộng trong thực tiễn./.

TS. Văn Thị Thanh Mai



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, xuất bản lần thứ ba, Nxb. CTQG, H, 2011, t.5, tr.556

[2] Thừa Thiên- Huế kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1994, tr.67

[3]Nguyễn Chí Thanh:  Những bài viết chọn lọc về quân sự, Nxb. QĐND, H, 1977, tr.48

[4] Nguyễn Chí Thanh: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và công tác chính trị trong quân đội, Nxb. QĐND, H, 1997, tr.11

[5] Nguyễn Chí Thanh: Giương cao hơn nữa ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, rèn luyện lập trường vô sản của chúng ta, Nxb. Sự thật, H, 1969, tr.169


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất