Tỉnh Đắk Lắk luôn ưu tiên đầu tư phát triển ngành học mầm non, tiểu học tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đến nay đã xây dựng được 754 trường học, trong đó có 417 trường tiểu học, còn lại là trường mầm non, thu hút hầu hết các cháu trong độ tuổi đến trường.
Bằng nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu, huy động từ công tác xã hội hóa giáo dục..., các địa phương đã đầu tư kiên cố, bán kiên cố, xóa bỏ hết tình trạng trường, lớp tranh tre, nứa lá, học 3 ca và mua sắm các trang thiết bị, đồ dùng dạy học, phục vụ tốt yêu cầu dạy và học cho học sinh tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Các trường mầm non trên địa bàn cũng đã đảm bảo an toàn cho trẻ, tổ chức khám sức khỏe, cân đo theo đúng định kỳ, nhà ăn, bếp ăn, nhà vệ sinh đảm bảo quy định.
Đặc biệt, các trường mầm non, trường tiểu học ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn chú trọng dạy thêm tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số cấp mầm non, nhất là trẻ mầm non 5 tuổi, giúp trẻ chuẩn bị vào học lớp 1. Đối với học sinh dân tộc thiểu số cấp tiểu học, các trường trong vùng cũng tăng số tiết dạy tiếng Việt ở cấp tiểu học từ 350 tiết lên 500 tiết theo cách tổ chức dạy 2 buổi/ngày, hoặc dạy thêm miễn phí một số buổi trong tuần. Các trường tiểu học trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cũng đã tổ chức dạy tiếng Êđê cho con em đồng bào dân tộc.
C ác trường học mầm non, tiểu học tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã thu hút trên 12.148 giáo viên, trong đó 1.961 giáo viên là người dân tộc thiểu số (số giáo viên đạt chuẩn chiếm trên 89%) đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học cho học sinh. Tỉnh đã có 28 trường mầm non (chiếm 11,8%), 126 trường tiểu học (chiếm 30,2%) tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia./.
Quang Huy - TTXVN