Chủ Nhật, 22/12/2024
Nhịp cầu Công Thương
Thứ Năm, 28/11/2024 17:43'(GMT+7)

Đắk Lắk: Xây dựng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột thành thương hiệu quốc gia

Cà phê Buôn Ma Thuột và các sản phẩm nông sản của Đắk Lắk là nguồn thu ngân sách chính của tỉnh Đắk Lắk.

Cà phê Buôn Ma Thuột và các sản phẩm nông sản của Đắk Lắk là nguồn thu ngân sách chính của tỉnh Đắk Lắk.

Ngày 28/11, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 24/2017/NQ-HĐND ngày 13/7/2017 về phát triển cà phê bền vững đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Tổng kết niên vụ cà phê 2023 - 2024.

Dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh; đại diện các hiệp hội, viện, ngân hàng nhà nước, chi nhành ngân hàng thương mại; đại diện Tổng Công ty cà phê Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố...

Chủ trì và phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoài Dương cho biết, thời gian vừa qua, đặc biệt là năm 2024, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, chiến tranh thương mại, thiếu nguồn lực, đặc biệt là vốn... nhưng ngành nông nghiệp của Đắk Lắk vẫn đạt được thành quả hết sức ấn tượng. Sản xuất nông nghiệp trong những năm qua tiếp tục thể hiện rõ vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, không chỉ bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, mà còn khẳng định vị trí là tỉnh xuất khẩu nông sản như cà phê, hồ tiêu, cao su, điều, tinh bột sắn và sầu riêng hàng đầu của cả nước, đóng vai trò quan trọng trong thu ngoại tệ và đảm an ninh lương thực của tỉnh.
 
Hội đồng nhân dân tỉnh đã bàn hành Nghị quyết 24/2017 phát triển cà phê bền vững đến 2020 và định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 24) với các mục tiêu như: ổn định diện tích khoảng 180 ngàn ha; nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức sản xuất theo chuổi giá trị ưu tiên phát triển các hợp tác xã thành vùng chuyên canh tập trung; hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư thu hút các các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu; ứng dụng khoa học công nghệ tưới tiết kiệm nước và giống mới; xây dựng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột thành thương hiệu quốc gia...
 
Đến nay những mục tiêu của Nghị quyết 24 của Hội đồng nhân dân tỉnh đã cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra, thúc đẩy ngành hàng cà phê của tỉnh phát triển bền vững. Trong niên vụ 2023 - 2024, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt khoảng 913 triệu USD chiếm khoảng 17% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Thương hiệu chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột ngày càng được khẳng định đã được bảo hỗ tại 32 quốc gia và vùng lãnh thỗ. Cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản đã nâng cao giá trị ngành hàng cà phê của tỉnh.
 
Trong năm qua đã có hơn 100 nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm hiệu thị trường và hợp tác đầu tư vào lĩnh vực cà phê của tỉnh đây là một trong những tín hiệu rất đáng mừng.
 
Qua Hội nghị này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Hoài Dương mong muốn đại biểu tập trung đánh giá và thảo luận việc thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 24/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh và đánh giá tổng kết Niên vụ cà phê 2023-2024 để UBND tỉnh làm cơ sở để chỉ đạo phát triển cà phê cho giai đoạn tới.
 
Cùng với đó là đánh giá việc tổ chức sản xuất, đặc biệt là sản xuất theo hướng tập trung chuyên canh để nâng cao chất lượng; việc thực hiện cam kết của tỉnh đối với dự luật thẩm định không gây mất rừng EUDR của liên minh châu Âu, tìm giải pháp để thực hiện trong bối cảnh EU cho phép lùi thời gian thêm 1 năm (30/12/2025) dự luật sẽ có hiệu lực; giải pháp thúc đẩy liên kết, tổ chức lại sản xuất ngành hàng theo hướng an toàn, bền vững về mặt kinh tế, xã hội và môi trường; vai trò chủ đạo là HTX để liên kết bền vững; bàn giải pháp tháo gỡ những nguyên nhân của nghị quyết chưa đạt như: giảm diện tích; tăng tỷ lệ sản xuất có chứng nhận, tăng tỷ lệ tưới chủ động; giải pháp để nâng tầm cà phê Buôn Ma Thuột thành "thủ phủ cà phê" thế giới, thu hút các nhà đầu tư chế biến sâu trong lĩnh vực cà phê…
 
Tại Hội nghị, báo cáo về công tác xúc tiến thương mại ngành hàng cà phê niên vụ 2023 - 2024 và kế hoạch niên vụ 2024 - 2025, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Nhiệm đã nêu rõ, trong niên vụ cà phê 2023 - 2024, Sở Công Thương đã phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại đối với ngành hàng cà phê, tổ chức hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất chế biến cà phê tham gia các hội chợ triển lãm chuyên ngành, khu vực hay các chương trình kết nối giao thương với các địa phương trong và ngoài nước để đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, hướng tới xuất khẩu; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị Doanh nghiệp và Đầu tư giữa Ấn Độ và các tỉnh Tây Nguyên; tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Tây Nguyên...
 
Tại Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Tây Nguyên, nhiều đơn vị kinh doanh ngành cà phê đăng ký tham gia trưng bày sản phẩm bên lề Hội nghị và có các cặp biên bản ký kết tại Phiên kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ. Nhiều sản phẩm cà phê chế biến của các doanh nghiệp trong tỉnh đã có mặt ở khắp các tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt là sản phẩm cà phê rang xay nguyên chất, các sản phẩm cà phê sử dụng các công nghệ tiên tiến như sấy thăng hoa, ủ lạnh…được nhiều khách hàng ở các địa phương trong nước ưa chuộng.
 
Trong niên vụ 2023 - 2024, cà phê Đắk Lắk đã tiếp tục xuất khẩu tới hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có các thị trường lớn và khó tính như Nhật Bản, Ý, Đức, Nga và Thái Lan.
 
Niên vụ cà phê 2023 - 2024, tỉnh Đắk Lắk xuất khẩu 264.404 tấn cà phê, giảm 54.095 tấn so với niên vụ 2022-2023 (giảm 17%), chiếm tỷ trọng 17,9% so với cả nước; Kim ngạch xuất khẩu đạt 915,795 triệu USD, tăng 168,238 triệu USD so với niên vụ trước (tăng 22,5%), chiếm tỷ trọng 16,9% so với cả nước. So với niên vụ 2022 - 2023, cà phê xuất khẩu của tỉnh giảm về lượng nhưng tăng về kim ngạch do giá cà phê liên tục tăng nóng trong niên vụ vừa qua. Sản phẩm cà phê hòa tan và cà phê rang xay nguyên chất đã được nhiều phản hồi tích cực từ khách hàng trong và ngoài nước.
 
Báo cáo tham luận cũng đã nêu ra các giải pháp và kế hoạch về công tác xúc tiến thương mại trong thời gian tới như: tiếp tục tuyên truyền, thông tin sâu rộng đến các doanh nghiệp tình hình các thị trường thế giới thông qua Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hàng tháng do Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng tổ chức; Các hội nghị tập huấn nâng cao năng lực xúc tiến thương mại phát triển thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ, hội nghị kết nối giao thương trong và ngoài nước.
 
Đã có 2 báo cáo và 6 bài tham luận của các đơn vị được trình bày tại Hội nghị qua đó Hội nghị đã đánh giá toàn diện những kết quả đạt được, thách thức và bài học kinh nghiệm của ngành cà phê trong niên vụ vừa qua, đề ra các giải pháp nhằm xây dựng chuổi giá trị cà phê ngày càng bền vững hơn./.

 

Nhật Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất