Đắk Nông có hơn 40 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có nhiều dân tộc thiểu số tại chỗ như M’nông, Mạ, Êđê… với đời sống văn hóa đa dạng và phong phú như văn hóa cồng chiêng, các lễ hội truyền thống, sử thi… Trong những năm qua, tỉnh Đắk Nông luôn chú trọng việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo tồn bản sắc của các dân tộc không bị mai một lai căng.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch tỉnh Đắk Nông Lê Khắc Ghi cho biết: "Đến nay tỉnh đã tổ chức được hơn 36 lượt lễ hội tiêu biểu như: Lễ GNglăp bon (Lễ sum họp, đoàn kết các bon), Lễ mừng chiến thắng, cúng bến nước, mừng lúa mới, mừng được mùa… của các dân tộc bản địa M’Nông, Mạ, Êđê. Tổ chức được 25 Ngày hội văn hóa các dân tộc ở cấp huyện, thị; 5 Ngày hội văn hóa các dân tộc cấp tỉnh; đồng thời, tổ chức được 68 lớp truyền dạy cồng chiêng,16 lớp chế tác nhạc cụ, 14 lớp dân ca, cấp 119 bộ chiêng …
Văn hóa truyền thống của cộng đồng M’Nông, Mạ, Êđê hết sức phong phú và đa dạng, độc đáo từ kiến trúc bon, nhà ở, trang phục, ẩm thực, đến âm nhạc, múa dân gian, lễ hội, đặc biết một loại hình sinh hoạt cồng đồng hết sức độc đáo của các dân tộc Tây nguyên nói chung và các dân tộc trên địa bàn Đắk Nông nói riêng đó là cồng chiêng. Âm nhạc cồng chiêng không thể thiếu trong tất cả các nghi lễ, sinh hoạt cộng đồng nên cồng chiêng rất quan trọng đối với đời sống tinh thần của các dân tộc Tây nguyên.
Một nét văn hóa đặc sắc nữa của dân tộc bản địa ở Đắk Nông đó là sử thi. Sử thi được người M’nông gọi là hát Ót N’drong, người Êđê gọi là kể Khan. Sử thi phản ánh mọi mặt đời sống xã hội của cộng đồng, nó được diễn xướng ở bất kì lúc nào, bất cứ nơi đâu. Sử thi là một phần của cuộc sống của đồng bào bản địa, nó là sợi dây kết nối con người với thế giới thần linh nên rất được đồng bào trân trọng và tôn thờ.
Đứng trước quá trình hội nhập, phát triển, giao lưu văn hóa cũng như nhiều nguyên nhân khác khiến văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc tại Đắk Nông đang dần mai một theo thời gian.
Trước tình hình đó, trong thời gian qua tỉnh Đắk Nông đã nỗ lực để bảo tồn văn hóa truyền thống cho các dân tộc bản địa, để thế hệ sau tiếp nối những giá trị tốt đẹp đó, làm giàu cho văn hóa chung của dân tộc Việt Nam. Đắk Nông đã triển khai nhiều đề án như: “Bảo tồn, phát huy Lễ hội- Hoa văn- Cồng chiêng và nhạc cụ dân gian của các dân tộc bản địa tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2010-2015; Sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị hiện vật lịch sử tỉnh Đắk Nông đến năm 2015, định hướng năm 2020. Các đề án chủ yếu tập trung bảo tồn các loại hình văn hóa dân gian của các dân tộc bản địa.
Cũng theo ông Ghi: "Trong thời gian tới, Đắk Nông sẽ tiếp tục chú trọng công tác phục dựng các Lễ hội truyền thống có nguy cơ mai một ở các bon buôn, khơi dậy các hoạt động văn hóa cộng đồng, để lớp trẻ học hỏi tiếp thu các giá trị văn hóa của dân tộc mình. Thường xuyên tổ chức các chương trình hội diễn nghệ thuật, hội thi thông tin tuyên truyền, ngày hội văn hóa theo định kỳ theo nhiều chủ đề và nội dung khác nhau để khơi dậy văn hóa truyền thống. Tiếp tục mở các lớp dạy sử dụng, chế tác nhạc cụ truyền thống cho các thế hệ trẻ, khơi dậy niềm đam mê, tự hào dân tộc cho thế hệ tiếp nối sau này"./.
Theo Trần Hữu Hiếu/TTXVN