Thứ Ba, 24/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Năm, 22/10/2015 22:56'(GMT+7)

Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể ca trù Hà Nội

Ngày 22-10, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức tọa đàm Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể ca trù Hà Nội. Đồng chí Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chủ trì buổi tọa đàm.

Hà Nội “sở hữu” nhiều di sản ca trù nhất trong cả nước

Xuất hiện sơ khai vào đầu thế kỷ 11, bắt đầu thịnh hành trong nước từ thế kỷ 15 nhưng đến nửa cuối thế kỷ 20, Ca trù mới được thế giới biết đến lần đầu tiên qua tiếng hát của nghệ nhân Quách Thị Hồ (1909 – 2001). Từ thế kỷ 15, ca trù được định hình với tư cách là một thể loại ca nhạc có đặc trưng, phong cách riêng. Tuỳ từng địa phương, từng không gian diễn xướng mà hát Ca trù còn được gọi là hát ả đào, hát cửa đình, hát cửa quyền, hát cô đầu, hát nhà tơ, hát nhà trò hay hát ca công. Dần dần sau đó, Ca trù còn được nhiều nhạc sĩ, nhạc học gia nước ngoài theo học, tìm hiểu, nghiên cứu và giới thiệu tại nhiều trường đại học nổi tiếng trên thế giới. Trải qua quá trình phát triển thăng trầm cùng với những biến cố của lịch sử, cho tới nay, Ca trù đã đạt đến trình độ thẩm mỹ cao, khẳng định được vị trí quan trọng không chỉ của Việt Nam mà còn của cả nhân loại. Năm 2009, UNESCO đã vinh danh, công nhận ca trù của Việt Nam được xếp vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, đồng chí Trương Minh Tiến cho biết, cùng với niềm tự hào chung của cả nước, các giáo phường ca trù Hà Nội đã nỗ lực hết mình nhằm từng bước đưa ca trù thoát khỏi tình trạng khẩn cấp. Đó là tín hiệu đáng mừng bởi Hà Nội là địa phương “sở hữu” nhiều di sản ca trù nhất trong cả nước. Hiện nay, Hà Nội có 14 câu lạc bộ và nhóm ca trù đang hoạt động, trong đó câu lạc bộ ca trù Hà Nội, Thái Hà, Thăng Long, Lỗ Khê, Đồng Trữ, Ngãi Cầu, Chanh Thôn… hoạt động khá sôi nổi. Việc thực hành di sản ca trù ở Hà Nội hiện nay với 50 người có khả năng truyền dạy, 220 người thực hành, hàng trăm người theo học… Các câu lạc bộ còn giữ hơn 30 thể cách, điệu múa cổ, mới sáng tác thêm 18 làn điệu biểu diễn phục vụ nhân dân và du khách.

Hà Nội là một trong những địa phương trong cả nước bước đầu đã có sự quan tâm chăm lo cho hoạt động bảo tồn ca trù từng bước phát triển, mặc dù còn gặp rất nhiều khá khăn. Trong 6 năm qua, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức Liên hoan ca trù mở rộng (Liên hoan ca trù lần 2), tổ chức hội thảo tọa đàm về giải pháp bảo tồn Ca trù trên địa bàn Hà Nội, bước đầu có hỗ trợ trang thiết bị âm thanh cho các câu lạc bộ hoạt động. Tại Liên hoan ca trù toàn quốc 2014, Sở đã nỗ lực tổ chức cho các câu lạc bộ tham gia, đoàn Hà Nội là đơn vị có số lượng câu lạc bộ hoạt động đông nhất và là đơn vị đạt nhiều giải nhất trong liên hoan. Hiện nay, Hà Nội đang có 3 điểm thường xuyên biểu diễn ca trù hàng tuần là Bích Câu đạo quán, đền Quán Đế, Đình Kim Ngân… thu hút đông đảo người xem.

Năm 2015, lần đầu tiên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã hỗ trợ hướng dẫn nghệ nhân ca trù trong suốt quá trình chuẩn bị và tham mưu cho UBND thành phố Hà Nội lập hồ sơ xét tặng nghệ nhân di sản phi vật thể nói chung và ca trù nói riêng. Đến nay, Hà Nội là địa phương có nhiều nghệ nhân được xét tặng nhất cả nước. Trong 39 nghệ nhân được Hội đồng xét tặng danh hiệu cấp Nhà nước đã thông qua có 17 nghệ nhân ca trù. Là một trong 14 địa phương có Di sản văn hóa phi vật thể ca trù, Hà Nội được đánh giá là nơi ca trù có sức sống mạnh mẽ hơn cả. Điều này đặt ra trách nhiệm cho thành phố trong việc gìn giữ, phát huy, đưa ca trù ra khỏi danh sách Di sản phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

 
 


Bảo tồn bằng các hành động thiết thực

Thực tế, thời gian qua, các các câu lạc bộ ca trù ở Hà Nội duy trì hoạt động chủ yếu bằng cái tâm của những người yêu ca trù. Sự hỗ trợ của địa phương mới chỉ rất khiêm tốn so với thời gian, công sức, kinh phí mà chính các ca nương, kép đàn bỏ ra. Nhưng với nhiều người, đặc biệt là lớp trẻ, dù yêu ca trù nhưng nỗi lo cơm áo hàng ngày đã không đủ sức giữ họ ở lại với các câu lạc bộ. Nhiều câu lạc bộ đã bỏ công đào tạo ca nương miễn phí. Nhưng các ca nương không thể sống được nhờ ca trù nên bỏ sang làm nghề khác. Trong khi lớp trẻ không mặn mà với ca trù thì các nghệ nhân cao tuổi cũng thưa dần, các thế hệ kế cận cũng không có nhiều. Ngay cả các nghệ nhân, những người thường xuyên trao truyền di sản thì đa phần sức khỏe yếu, ảnh hưởng đến việc truyền dạy cho lớp kế cận. 

Nghệ nhân Nguyễn Thị Thúy Hòa (Câu lạc bộ Thái Hà) vui mừng và tự hào vì bản thân mình là người thực hiện di sản. Nghệ nhân luôn tâm niệm phải gìn giữ, trau dồi và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ca trù. Theo Nghệ nhân này, để  bảo vệ văn hóa phi vật thể ca trù, cần  có những lớp nghệ nhân giỏi, tâm huyết với nghề và những người quản lý văn hóa giỏi để ca trù không bị mai một. Các cơ quan chức năng, sở ban ngành của Hà Nội cũng cần tạo điều kiện cho các câu lạc bộ ca trù có những không gian trình diễn phù hợp, thường xuyên. Cần có một chính sách đãi ngộ hợp lý đối với những người đang thực hiện di sản phi vật thể ca trù để họ toàn tâm toàn ý bảo tồn di sản mà không cần phải lo mưu sinh.

Theo PGS. TS Đỗ Thị Hảo, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội cho biết, việc bảo tồn văn hóa phi vật thể ca trù Hà Nội là việc làm khẩn cấp, cấp bách. Chúng ta chưa có một chiếc lược để bảo tồn ca trù. Điều này không chỉ phụ thuộc vào riêng Hà Nội mà còn phụ thuộc vào chính sách của quốc gia.

TS Lê Thị Minh Lý (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du  lịch) cho rằng, việc bảo tồn văn hóa phi vật thể ca trù Hà Nội là việc làm khẩn cấp, cấp bách. Chúng ta chưa có một chiếc lược để bảo tồn ca trù. Điều này không chỉ phụ thuộc vào riêng Hà Nội mà còn phụ thuộc vào chính sách của quốc gia. Theo TS. Lê Thị Minh Lý, trước hết, cần có đánh giá toàn diện về bảo vệ văn hóa phi vật thể ca trù trong 6 năm qua, kiểm kê để xem ca trù đã “sống khỏe” chưa, sự thoát ra khỏi khẩn cấp có bền vững không hay là chỉ là giải pháp tình thế. Bên cạnh đó, cần đầu tư mạnh mẽ vào việc trao truyền. Hiện nay, Hà Nội mới có 50 người truyền dậy. Đây là số lượng không nhiều. Hầu hết, những người truyền dậy này đều là những nghệ nhân đã nhiều tuổi. Cần đào tạo một thế hệ truyền dạy kế cận, đủ năng lực, nhiệt tình và tâm huyết bảo tồn di sản. Các ý kiến tại buổi tọa đàm cũng cho rằng, phải tư liệu hóa về nghiên cứu ca trù. Mỗi câu lạc bộ đều có những sắc thái riêng chưa  nhưng đã có đặc trưng để tạo thành bản sắc của mình chưa? Đây cũng là điều các câu lạc bộ cần lưu ý, tư liệu hóa và đó cũng là các nội dung để truyền dạy. 

Các ý kiến thảo luận tại buổi tọa đàm cũng nhấn mạnh, Hà Nội cần xây dựng dự án bảo vệ trong vòng 2 năm tới để báo cáo Quốc gia, làm cơ sở để Quốc gia báo cáo UNESCO đưa di sản ca trù thoát ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp. Giải pháp tập trung trước mắt là đầu tư cấp tốc cho việc trao truyền di sản, thường xuyên tổ chức trình diễn, tư liệu hóa di sản, giáo dục di sản… Về lâu dài, Hà Nội cần xây dựng đề án, có định hướng cụ thể, có các cơ chế chính sách cho di sản ca trù. 

Cần đẩy mạnh về giáo dục di sản trong nhà trường, cộng đồng. Nếu ca trù được đưa vào trong nhà trường, điều đó cũng sẽ tạo ra một lớp công chúng và những người thực hiện ca trù mới. Tiếp tục phổ biến, nâng cao nhận thức về giá trị đặc sắc của ca trù. Đó mới chính là những giải pháp thiết thực để bảo tồn di sản phi vật thể ca trù. Các ý kiến tại buổi tọa đàm cũng chính là cơ sở để Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội xây dựng kế hoạch bảo tồn phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể ca trù giai đoạn 2016 - 2020, trình UBND thành phố Hà Nội phê duyệt. 

Thu Hằng


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất