Thứ Ba, 26/11/2024
Tin hoạt động
Chủ Nhật, 25/10/2015 16:10'(GMT+7)

Nỗ lực thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng

Đông đảo người dân thăm quan gian hàng sách tại Lễ hội “TP Hồ Chí Minh - Phát triển và hội nhập”.

Đông đảo người dân thăm quan gian hàng sách tại Lễ hội “TP Hồ Chí Minh - Phát triển và hội nhập”.

Tạo sân chơi phát triển văn hóa đọc

Với mục đích đề cao tầm quan trọng của sách, báo và tri thức trong đời sống và thúc đẩy văn hóa đọc, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều hoạt động tôn vinh văn hóa đọc, triển khai các mô hình đọc sách hiệu quả. Đặc biệt, gắn với những ngày lễ lớn của dân tộc, Thành phố thường tổ chức các hoạt động như: Lễ hội đường sách dịp Tết Nguyên đán, Hội sách TP Hồ Chí Minh, Ngày sách Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, Hội chợ sách quốc tế, phiên chợ sách, triển lãm sách, báo… thu hút hàng vạn người tham gia, trong đó có nhiều du khách quốc tế. Mới đây, tại Lễ hội “TP Hồ Chí Minh-Phát triển và hội nhập”, các gian hàng giới thiệu sách trong nước và quốc tế thu hút đông đảo người dân và khách du lịch. Nhiều người dân tham quan đánh giá rất cao các gian hàng sách, báo và coi đây là điểm nhấn tại lễ hội. Tính hiệu quả từ các hoạt động trên là minh chứng cho tinh thần ham học hỏi và yêu tri thức của người dân Thành phố, cũng như những cố gắng của các cơ quan chức năng trong việc thúc đẩy văn hóa đọc.

Độc giả Hoàng Thy, ngụ tại quận Bình Thạnh, người thường xuyên tham gia các hoạt động văn hóa đọc tại TP Hồ Chí Minh, đánh giá: Hiện nay, nhiều người, đặc biệt là giới trẻ thường tiếp nhận thông tin hằng ngày từ các trang mạng xã hội như facebook, diễn đàn mạng... Tuy nhiên, các trang mạng như vậy thường chỉ thể hiện ý kiến cá nhân, thông tin không được bảo đảm chính xác, làm ảnh hưởng đến suy nghĩ và cuộc sống của giới trẻ. Mặt khác, nhiều bạn trẻ quan niệm nếu muốn tìm kiếm thông tin, tài liệu chỉ cần vào mạng, không cần tốn thời gian đọc sách. Vì vậy, những hoạt động tôn vinh văn hóa đọc của Thành phố rất có ý nghĩa, góp phần khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng.

Bên cạnh các hoạt động trên, nhiều mô hình giới thiệu sách tới người đọc, phong trào đọc sách được các cơ quan, đơn vị, nhà trường trên địa bàn Thành phố thực hiện hiệu quả. Tiêu biểu là mô hình đưa sách ra công viên của Trung tâm Văn hóa quận 6. Theo đó, do ít người đọc trong thư viện nên Trung tâm Văn hóa quận 6 đã đưa các đầu sách ra công viên Phú Lâm theo phương châm "sách đi tìm người" giới thiệu cho người dân. Đây là mô hình thư viện tại công viên đầu tiên ở TP Hồ Chí Minh, mở cửa 4 giờ/ngày (sáng từ 6 giờ đến 8 giờ, chiều từ 16 giờ đến 18 giờ), từ thứ tư đến thứ sáu hằng tuần. Người dân sống gần công viên rất thích thú với mô hình trên, bởi thay vì ngồi trong thư viện, người đọc cảm thấy thoải mái, thư giãn hơn khi đọc sách ở công viên. Anh Trần Văn Hồng, Trưởng thư viện quận 6 cho biết: Mô hình "sách đi tìm người" thu hút đông đảo người dân tham gia, trung bình mỗi ngày có khoảng 300 đến 500 người đọc gồm nhiều thế hệ, gấp 10 lần so với số người đọc trong thư viện. Chúng tôi dự tính trong thời gian tới sẽ mở thêm vào hai ngày cuối tuần để phục vụ nhu cầu đọc sách của người dân.

Hình thành đường sách tiêu biểu của cả nước

Vào thập niên 1980, TP Hồ Chí Minh có một số đường sách chuyên mua bán, trao đổi sách như đường Đặng Thị Nhu (nay là đường Ký Con-Calmette, quận 1). Những con đường trên từng là nơi hàn huyên, gắn bó của nhiều người yêu sách, nhưng giờ  đã trở thành hoài niệm của người dân TP Hồ Chí Minh. Thành lập một đường sách hay phố sách từ lâu là mong mỏi của nhiều độc giả và người dân Thành phố. Sau nhiều năm chờ đợi, mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã công bố kế hoạch về thực hiện “Đường sách TP Hồ Chí Minh” trên đường Nguyễn Văn Bình (quận 1). Đây là công trình trọng điểm chào mừng Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020.

Đường Nguyễn Văn Bình có chiều dài hơn 100m, nằm gần những địa điểm du lịch nổi tiếng như: Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, Hội trường Thống Nhất... Theo thiết kế, đường sách Nguyễn Văn Bình sẽ có 19 gian hàng (diện tích 4,5m x 4,5m/gian), kèm theo không gian cà phê, trưng bày và tổ chức sự kiện… Thiết kế, thi công đường sách sẽ trải qua 3 giai đoạn, từ ngày 15-10-2015, dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động thường xuyên vào tháng 3-2016. Hoạt động chính của đường sách theo quy hoạch của UBND Thành phố gồm: Trưng bày, giới thiệu và kinh doanh tác phẩm mới, tổ chức các phiên chợ trao đổi sách cũ, các hoạt động mua bán sách, vật phẩm văn hóa và cà phê sách. Ngoài ra, đường sách sẽ có thêm các hoạt động văn hóa gắn với các ngày lễ, Tết Nguyên đán, sinh hoạt chính trị của Thành phố, các sự kiện giao lưu và kết nối xuất bản trong nước, thế giới. 

Đa số các ý kiến chuyên gia và độc giả đều ủng hộ đường sách Nguyễn Văn Bình và tin tưởng rằng đây sẽ là địa chỉ văn hóa, du lịch hấp dẫn của Thành phố, thúc đẩy văn hóa đọc sách cho nhiều thế hệ, đặc biệt là giới trẻ. Nếu đường sách TP Hồ Chí Minh hoạt động tốt, hiệu quả thì cũng sẽ là mô hình để các tỉnh, thành phố khác học tập, triển khai. Theo Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, đường sách Nguyễn Văn Bình không chỉ là nơi trưng bày những quyển sách hay, quý mà còn phải là nơi diễn ra những hoạt động tôn vinh văn hóa đọc, tác giả gặp gỡ độc giả để trao đổi và cùng sáng tạo… Bà Nguyệt tin rằng, từ những đường sách này sẽ làm cho văn hóa đọc của người dân Thành phố ngày càng tăng lên.

Theo QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất