Thứ Sáu, 20/9/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 5/7/2018 16:21'(GMT+7)

Đắk Nông: Đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm

Số lao động tham gia hoạt động kinh tế là 379.948 người (khu vực Nhà nước 20.252 người, chiếm 5,33%; ngoài Nhà nước 356.806 người, chiếm 93,90%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 2.890 người, chiếm 0,76%), theo cơ cấu ngành kinh tế thì ngành nông - lâm nghiệp chiếm trên 61%; công nghiệp - xây dựng chiếm 15,08% và thương mại - dịch vụ chiếm 23,74% số người trong độ tuổi lao động.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo tham gia hoạt động kinh tế tăng đều qua các năm, năm 2015 lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh là 35%; năm 2016 tăng lên 37% và năm 2017 là 39%. Trong giai đoạn 2015 - 2017, số lao động được tạo việc làm mới và việc làm tăng thêm là 55.42 lượt người, trong đó việc làm trong nước chiếm 99,15%; đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài 467 lao động, chiếm 0,85% tổng số lao động. Lao động đã qua đào tạo được tạo việc làm khoảng 16.488 lượt người (chiếm 29,74% tổng số lao động được tạo việc làm).

Từ bức tranh tổng thể về lao động tỉnh Đắk Nông nêu trên, chúng ta thấy rằng lao động tham gia hoạt động kinh tế chưa qua đào tạo của tỉnh còn chiếm tỷ lệ cao (năm 2017 còn chiếm 61%), do đó chất lượng lao động còn nhiều hạn chế như phân bổ nguồn lực lao động giữa thành thị và nông thôn chưa đồng đều, thiếu tính ổn định, năng suất lao động nhìn chung còn thấp, kết quả giải quyết việc làm phần lớn là lao động tự tạo việc làm… dẫn đến công tác giải quyết việc làm còn gặp nhiều khó khăn.

Giai đoạn 2018 - 2020, tỉnh Đắk Nông phấn đấu tạo việc làm mới và việc làm tăng thêm cho khoảng 54.000 người; trong đó việc làm trong nước là 53.460 người và ngoài nước là 540 người. Bình quân mỗi năm, toàn tỉnh sẽ có 3.800 người được đào tạo nghề, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của tiến trình phát triển tỉnh Đắk Nông trong giai đoạn mới. Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm trong giai đoạn 2018 - 2020 và những năm tiếp theo như sau:

Trước hết, cần khắc phục những bất cập, phân bố chưa hợp lý giữa các ngành, nghề, trình độ đào tạo theo nhu cầu thực tiễn về giải quyết việc làm, những tồn tại hạn chế về quy hoạch, sử dụng công năng của mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp như: việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp chưa được quan tâm đúng mức; cơ sở vật chất, thiết bị của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập; các điều kiện đảm bảo để đổi mới toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng với yêu cầu phát triển của thị trường lao động.

Hai là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, thực hiện các quy định để doanh nghiệp là chủ thể của giáo dục nghề nghiệp (doanh nghiệp được tham gia trong các công đoạn của quá trình đào tạo), tăng cường hơn nữa sự gắn kết giữa cơ quan quản lý Nhà nước - cơ sở giáo dục nghề nghiệp - Doanh nghiệp thông qua sự tham gia tích cực vào phát triển thông tin thị trường lao động, hệ thống kết nối cung - cầu đào tạo và giải quyết việc làm.

Ba là, thực hiện tốt công tác quy hoạch nguồn nhân lực, định hướng việc làm, tạo việc làm thông qua dự báo nhu cầu nhân lực và nhu cầu đào tạo theo cơ cấu ngành, nghề và trình độ đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thực hiện phân luồng, định hướng đối với học sinh sau khi tốt nghiệp cũng như đảm bảo người đủ tiêu chuẩn và có nhu cầu được học liên thông lên trình độ cao.

Bốn là, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hoạt động chuyển giao khoa học - kỹ thuật; liên kết vùng, hợp tác quốc tế và tăng cường công tác tuyên truyền, hướng nghiệp, tư vấn giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, cần xây dựng kế hoạch truyền thông chuyên nghiệp cùng với sự tham gia của các địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhà giáo và các cơ quan liên quan, đồng thời chủ động cung cấp thông tin kịp thời, định hướng dư luận, tạo niềm tin cho xã hội về đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo.

Để đạt được mục tiêu về nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn tiếp theo, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chuyên ngành còn đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, doanh nghệp cũng như sự tự nỗ lực, ý thức tự giác, chủ động tạo ra việc làm cho bản thân của mỗi người lao động.


Thanh Tùng

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Nông

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất