Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần đặt văn hóa ngang hàng vị trí với các lĩnh vực
trọng yếu trong phát triển kinh tế đất nước; cần đẩy mạnh phát triển văn
hóa trên cơ sở đảm bảo bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế và
phát triển văn hóa.
Ngày 12/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự hội nghị tổng kết công
tác của ngành văn hóa, thể thao và du lịch năm 2016, triển khai nhiệm vụ
năm 2017 diễn ra tại ba điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí
Minh.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh cần đặt văn hóa ngang hàng
vị trí với các lĩnh vực trọng yếu trong phát triển kinh tế đất nước; cần
đẩy mạnh phát triển văn hóa trên cơ sở đảm bảo bền vững, hài hòa giữa
phát triển kinh tế và phát triển văn hóa. Ngành văn hóa phải có sản phẩm
cụ thể xuất sắc để phục vụ số đông.
Năm thành công toàn diện
Thủ tướng nhắc lại quan điểm của Bác Hồ về văn hóa: “Văn hóa soi đường
quốc dân đi” và nêu rõ, 60 năm qua đây là vấn đề thời sự của đất nước,
tuy trong những giai đoạn, điều kiện khác nhau đã được cụ thể hóa thành
phương châm hành động, nguyên tắc xây dựng phát triển đất nước. Toàn
ngành cần quán triệt nội dung xây dựng văn hóa trong kinh tế, khai thác
hiệu quả yếu tố văn hóa trong kinh tế, nâng cao giá trị văn hóa thành
sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương.
“Nếu một đất nước chỉ có kinh tế, không có văn hóa, thể thao và du lịch thì không thể phát triển bền vững,” Thủ tướng nói.
Thủ tướng đánh giá năm 2016 là một năm gặt hái được nhiều kết quả trong
việc hoàn thiện các chủ trương, đường lối của Đảng, thể chế quản lý nhà
nước đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch như Đề án phát triển
du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Luật Du lịch...; cải cách hành
chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành được thực
hiện tốt.
Nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc, quy mô được tổ chức góp phần
quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam, xã hội hóa
hoạt động nghệ thuật hiệu quả, nhất là lĩnh vực điện ảnh. Việc bảo tồn,
phát huy giá trị văn hóa đạt được kết quả quan trọng, đặc biệt là tôn
vinh được các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, góp phần xây dựng
sản phẩm văn hóa, du lịch hấp dẫn; nhiều di sản văn hóa của Việt Nam
được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Năm 2016, UNESCO đã công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của
người Việt” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nâng
tổng số di sản của nước ta được UNESCO ghi danh lên 25 di sản. Thể thao
Việt Nam đạt được nhiều thành tích nổi bật trên đấu trường khu vực, châu
lục và thế giới. Công tác gia đình được thực hiện hiệu quả với nhiều
hoạt động, chủ đề thiết thực. Đặc biệt, Việt Nam đã đón được 10 triệu
khách quốc tế, thu nhập từ khách du lịch đạt 400.000 tỷ đồng, về đích
trước bốn năm so với mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển du lịch
Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030...
Tình trạng nghèo nàn về văn hóa vẫn diễn ra ở nhiều nơi
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra một số những hạn chế, tồn
tại mà toàn ngành văn hóa, thể thao và du lịch cần nhìn rõ để khắc phục
trong thời gian tới.
Điều đáng lo ngại là môi trường văn hóa tồn tại những biểu hiện thiếu
lành mạnh, lệch lạc ngoại lai, trái thuần phong mỹ tục, xuống cấp trong
đạo đức, lối sống, chuộng hư danh, lãng phí khoa trương tốn kém trong
việc cưới, việc tang, lễ hội còn nhiều, Thủ tướng lo lắng.
Thủ tướng cho rằng trong xã hội còn xuất hiện thứ văn hóa không “nhúc
nhích” như bàng quan, thờ ơ, vô cảm trước những vấn đề của đất nước, xã
hội, nhân dân; một bộ phận chưa tích cực hưởng ứng một số cuộc vận động
lớn của Đảng, Nhà nước.
"Phải quyết liệt thì đất nước mới không tụt hậu," Thủ tướng nói và cho
biết thêm: Có tình trạng nhập khẩu, tiếp thu dễ dãi, không chọn lọc sản
phẩm văn hóa từ nước ngoài đã tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa của
một bộ phận nhân dân, nhất là giới trẻ. Tình trạng nghèo nàn về văn hóa
ở nhiều nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa, miền núi, khu công nghiệp thiết
chế văn hóa còn thiếu đồng bộ, xuống cấp, kém hiệu quả...
"Việt Nam còn chưa có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật chất lượng cao,
phản ánh toàn diện thành tựu sau 30 năm đổi mới để góp phần định hướng
thẩm mỹ, bồi dưỡng tâm hồn cho giới trẻ. Cơ chế chính sách quản lý nhà
nước về văn hóa còn lúng túng, nhất là cơ chế tài chính cho các đơn vị
sự nghiệp công lập," Thủ tướng chỉ rõ.
Trong thể thao vẫn tồn tại những biểu hiện tiêu cực, bạo lực, chạy theo
thành tích,, chưa thiết thực, so với các nước trong khu vực và thế giới,
trình độ thể thao của Việt Nam còn thua kém, nhất là thể thao thành
tích cao. Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch
song sức cạnh tranh còn thấp, chưa thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn…
Chú trọng yếu tố con người
Về nhiệm vụ năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cần đẩy mạnh
phát triển văn hóa trên cơ sở đảm bảo bền vững, hài hòa giữa phát triển
kinh tế và phát triển văn hóa; giữa tiến bộ xã hội với nâng cao đời sống
nhân dân, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, giữ gìn,
nâng cao bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Trong phát triển văn hóa,
yếu tố con người đóng vai trò quan trọng, không chỉ là hạt nhân sáng tạo
mà còn là đối tượng thụ hưởng, chịu tác động từ văn hóa.
Bên cạnh việc phát triển toàn diện đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng
tạo... phải kiên quyết đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái lạc hậu,
thói thờ ơ vô cảm, quan điểm, hành vi sai trái, ảnh hưởng đến văn hóa
của người Việt Nam. Ngành văn hóa phải tạo ra hình tượng con người mới,
hình ảnh đất nước Việt Nam vươn lên phát triển mạnh mẽ trong hội nhập
quốc tế, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, hội nhập quốc tế, Thủ
tướng yêu cầu.
Thủ tướng đề nghị mỗi cán bộ, cơ quan quản lý văn hóa phải chủ động phát
huy vai trò, trở thành hạt nhân nòng cốt trong việc vận động, hướng dẫn
quần chúng nhân dân đẩy mạnh các phong trào văn hóa; làm lan tỏa, quảng
bá các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong toàn xã hội.
Chia sẻ với văn nghệ sỹ
Mong muốn ngành văn hóa phải có sản phẩm cụ thể xuất sắc để phục vụ số
đông, Thủ tướng cũng đề nghị ngành cần tiếp tục xây dựng bản lĩnh văn
hóa của đất nước, của mỗi công dân; tạo dựng một không gian sáng tạo để
xuất hiện những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc hơn thông qua việc cán bộ
quản lý lắng nghe các nhà văn hóa góp ý, coi trọng nhân tài, đầu tư
chiến lược và có chiều sâu. Thủ tướng nhấn mạnh, các cán bộ quản lý nhà
nước về văn hóa các cấp phải hiểu rõ điều này.
Tại hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ và Thủ tướng chia sẻ với những
khó khăn vướng mắc, nỗi vất vả trong công việc, với đồng lương, thu
nhập còn thấp, còn khiêm tốn của cán bộ ngành văn hóa, nhất là với văn
nghệ sỹ, vận động viên, huấn luyện viên.
Xây dựng cộng đồng làm du lịch
Về du lịch, Thủ tướng nhấn mạnh cần xây dựng được một cộng đồng làm du
lịch văn minh, trật tự, không lộn xộn như hiện nay; phải có thể chế,
chính sách để phát triển du lịch. Việt Nam cần phải xây dựng được các
thương hiệu du lịch nổi tiếng ở các vùng miền của đất nước. Thủ tướng đề
nghị phải giải quyết được năm vấn đề: thu hút được đông khách quốc tế
đến Việt Nam hơn nữa; khách lưu trú lâu hơn; khách chi tiêu nhiều hơn
thay vì không có gì để chi tiêu; khách kể lại những câu chuyện thú vị
với người thân, bạn bè một cách hứng khởi chứ không phải kể xấu, chê bai
sau khi đi du lịch Việt Nam; khách quay trở lại Việt Nam sớm nhất chứ
không phải một đi không trở lại... Trước mắt, ngành cần khắc phục ngay
những “nỗi sợ hãi” của du khách về an ninh, an toàn; gắn văn hóa, du
lịch, thể thao với năm APEC 2017...
Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Độc lập hạng
Nhì tặng ông Hoàng Tuấn Anh, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và
Du lịch./.
(TTXVN)