Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trình phương án Điều chỉnh giá một số dịch vụ y tế. Ngày 8/2/2012, tại Công văn số 707/VPCP-KGVN Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý để Liên bộ ký thông tư Điều chỉnh giá một số dịch vụ Y tế. Ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính đã trao đổi xung quanh chủ trương mới này.
PV: Xin ông cho biết dựa trên cơ sở nào Bộ Y tế đề xuất việc điều chỉnh giá viện phí cũng như Phương án của liên Bộ vừa trình Thủ tướng Chính phủ?
Ông Nguyễn Nam Liên: Bộ Y tế đề xuất việc điều chỉnh giá viện phí và cùng các Bộ liên quan xây dựng phương án điều chỉnh giá một số dịch vụ y tế, dựa trên 5 vấn đề thực tiễn sau:
Thứ nhất: Giá viện phí chúng ta đang áp dụng đã ban hành từ những năm cuối của thế kỷ 20 và năm đầu thế kỷ 21. Cụ thể như Thông tư 14 ban hành từ năm 1995 đến nay đã 17 năm và trong số 3000 dịch vụ y tế đang triển khai, có khoảng 350 dịch vụ được ban hành kèm theo Thông tư 14 và 2.700 dịch vụ được ban hành kèm theo Thông tư 03 đã 6 năm, nhưng đến nay chưa được sửa đổi, bổ sung. Nhiều dịch vụ chỉ thu bằng 30%-50% chi phí trực tiếp theo thời giá từ năm 1995. Trong khi các chí phí, giá đầu vào để đảm bảo hoạt động của bệnh viện như điện, nước, xăng đầu, vật tư, chỉ số giá 1995 đến nay đều đã tăng 3,4 lần và tiền lương tối thiểu 6,9 lần...
Thứ hai, cùng với hàng loạt chi phí mới phát sinh như chi phí về xử lý chất thải theo luật bảo vệ môi trường, chi phí chống nhiễm khuẩn, lây nhiễm HIV theo luật Phòng chống HIV/AIDS.
Thứ ba, hàng loạt kỹ thuật và công nghệ y tế ngày càng phát triển, các yêu cầu về vô trùng, đảm bảo chất lượng dịch vụ ngày càng cao, nên nhiều loại vật tư, hóa chất thay đổi hoàn toàn phương thức sử dụng, làm chi phí tăng lên nhiều. Ví dụ như là bơm, kim tiêm trước đây dùng nhiều lần, nay chỉ dùng một lần, giá 500-2000 đồng; chi phí phẫu thuật trước dùng loại chỉ không tiêu, giá từ 1000-2000 đồng/sợi, nay dùng chỉ tự tiêu đảm bảo vô trùng, giá khoảng 45.000 -70.000 đồng/sợi, có loại 100.000 đồng/sợi; thuốc gây mê, gây tê chất lượng ngày càng cao, thông thường phải 200.000- 300.000 đồng cho một ca phẫu thuật, thủ thuật. Không kể chi phí các vật tư dùng trong điều trị mà trước đây không có như stend các loại, van tim, đinh xương, nẹp vít, hóa chất phóng xạ dùng trong chẩn đoán, điều trị ung thư ngày càng lớn...
Thứ tư, giá của nhiều loại dịch vụ trước đây được xây dựng trên cơ sở thực hiện theo phương pháp thủ công, nay thực hiện bằng các thiết bị hiện đại, tiên tiến, tự động, chất lượng cao hơn nên chi phí cao hơn nhiều.
Thứ năm, hiện nay trên 60% dân số đã có thẻ BHYT, nếu không điều chỉnh giá thì bệnh viện không có nguồn kinh phí để thực hiện khám, chữa bệnh, nâng cao chất lượng dịch vụ cho người bệnh BHYT. Đồng thời việc thanh toán với mức thấp dẫn đến có trường hợp bệnh viện yêu cầu người bệnh đóng thêm hoặc không thực hiện dịch vụ, mà yêu cầu người bệnh thực hiện ở cơ sở khác, làm giảm hoặc hạn chế quyền lợi, gây phiền hà cho người bệnh BHYT, không khuyến khích người dân tham gia BHYT.
PV: Như ông đã phân tích, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn việc điều chỉnh giá viện phí là tất yếu, cho sát thực tế và góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nhưng theo ông việc điều chỉnh viện phí lần này có ảnh hưởng đến quan điểm phát triển ngành y tế trong cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa hay không?
Ông Nguyễn Nam Liên: Tôi xin khẳng định việc xây dựng, điều chỉnh giá viện phí của Bộ Y tế đề xuất và Liên bộ đã thông qua đều đảm bảo phát triển ngành y tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X, XI, Nghị quyết số 46 và Kết luận số 42 của Bộ chính trị, Thông báo số 37-TB/TƯ của Bộ Chính trị về Đề án "Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công”… Trong đó, việc điều chỉnh giá viện phí trên quan điểm "thực hiện có lộ trình việc xóa bỏ bao cấp qua dịch vụ, tính đúng, tính đủ chi phí dịch vụ y tế".
Theo đó, nhà nước đảm bảo cơ bản cho toàn dân kinh phí khám, chữa bệnh cho những người có công với cách mạng, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi… Đồng thời, Nhà nước hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người cận nghèo. Đặc biệt, từ năm 2012 Bộ Y tế sẽ thảo luận với các nhà tài trợ trong và ngoài nước dành một nguồn kinh phí để đầu tư mua thẻ bảo hiểm y tế cho những đối tượng cần quan tâm, cùng với nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các đối tượng đặc biệt trong xã hội, đảm bảo tiến tới lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2014.
Cùng với mục tiêu cải cách tài chính công, đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách theo hướng giảm dần việc cấp ngân sách trực tiếp cho bệnh viện, chuyển sang hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng là người dân thông qua bảo hiểm y tế. Từ đó, Bảo hiểm y tế thanh toán cho các bệnh viện theo cơ chế giá dịch vụ được tính đúng, tính đủ chi phí để tạo điều kiện các bệnh viện phát triển, mở rộng và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
PV: Ông có thể cho biết nguyên tắc xây dựng giá viện phí điều chỉnh lần này của Liên bộ khác với những đề án trước đó là gì?
Ông Nguyễn Nam Liên: Về cơ bản, nguyên tắc xây dựng, điều chỉnh giá viện phí là tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí trực tiếp cần thiết để thực hiện dịch vụ, chưa tính khấu hao tài sản cố định, tiền lương, chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị có giá trị lớn. Với việc điều chỉnh giá 445/3000 dịch vụ lần này chủ yếu là tiền chi trả trực tiếp cho người bệnh bao gồm: tiền thuốc, dịch truyền máu, máu, vật tư tiêu hao, hóa chất…chi phí điện nước, duy tu sửa chữa trang thiết bị theo thực tế. Người bệnh vẫn được nhà nước bao cấp 4 yếu tố chi phí giá đầu vào, gồm tiền lương, phụ cấp, các khoản đóng góp; khấu hao trang thiết bị y tế trực tiếp; khấu hao sửa chữa lớn cơ sở hạ tầng; chi phí đào tạo nghiên cứu khoa học…
PV: Xin ông cho biết, Bộ Y tế cùng như các bộ, ngành liên quan đã có giải pháp như thế nào để hạn chế thấp nhất tác động của việc điều chỉnh giá viện phí khi triển khai?
Ông Nguyễn Nam Liên: Để giảm thiểu thấp nhất những tác động đến người bệnh, Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định 139/2003/QĐ-TTg để hỗ trợ một số đối tượng khó khăn trong chi phí, các đối tượng mắc bệnh hiểm nghèo có chi phí điều trị lớn như ung thư, chạy thận nhân tạo, phẫu thuật tim. Đồng thời lập Quỹ hỗ trợ một số trường hợp khó khăn, Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã đề xuất nâng mức hỗ trợ cho các đối tượng cận nghèo từ 50% lên 70% và đã được Thủ tướng chấp thuận tại Công văn số 502/VPCP-KTTH ngày 30/1/2012. Từ nay, các đối tượng cận nghèo chỉ phải đóng 30% mệnh giá bảo hiểm y tế. Bộ Y tế cũng đang xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ Đề án về lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, trong đó đề xuất nâng mức hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người làm nông nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình từ 30% lên 50% hoặc 60% từ năm 2013 để giảm bớt khó khăn và huy động các đối tượng này tham gia BHYT. Cùng với Thông tư điều chỉnh giá một số dịch vụ y tế khi ban hành sẽ góp phần đảm bảo mọi người dân đều được chăm sóc y tế khi ốm đau, đảm bảo công khai minh bạch, giảm phiền hà cho người bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế./.
PV: Xin cảm ơn ông Nguyễn Nam Liên./.
(Theo: TTXVN)