Thứ Hai, 23/9/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 18/11/2011 16:2'(GMT+7)

Dân chủ - một giá trị văn hoá

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

1. Nhận thức về dân chủ

Theo cách hiểu thông thường, dân chủ là hình thức thiết chế của một chế độ chính trị-xã hội lấy dân làm gốc về mặt quyền lực và lợi ích, dựa trên nguyên tắc tự do-bình đẳng-bác ái. Nói dân chủ là một giá trị văn hóa bởi nội hàm của nó mang tính nhân văn (quyền con người, lấy con người làm trung tâm), tính bác ái (giữa con người với con người, giữa dân tộc này với dân tộc khác), tư tưởng tự do (tự do sáng tạo, tự do ngôn luận, tự do thực hiện mọi quyền công dân vì lợi ích cộng đồng).

Dân chủ ra đời sớm nhất dưới chế độ nguyên thủy trước khi giai cấp và Nhà nước xuất hiện, là hình thức tự quản trong các cộng đồng thị tộc và bộ tộc. Hình thức dân chủ của nhà nước chủ nô về sau được các chế độ xã hội tiếp tục kế thừa và phát triển. Từ chế độ tư bản chủ nghĩa trở đi, dân chủ được coi là chân lý, là lý tưởng: của dân, do dân vì dân. Bản chất khái niệm được hiểu và được thực hiện ở mỗi chế độ có thể có những cấp độ khác nhau, nhưng tựu trung: mọi người sinh ra đều bình đẳng: quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc là bất khả xâm phạm (Tuyên ngôn Độc lập 1776 của Hoa Kỳ do ngài Jefferson dự thảo, nguyên tổng thống nước này). Chủ quyền là từ quốc dân, quyền con người, quyền của công dân là cộng lực được tạo dựng ra vì quyền lợi chung (Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp 1789) do ngài Mounier và một vài tác giả dự thảo). Về sau, khi đã giành được độc lập cho Tổ quốc, tự do và hạnh phúc cho nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng tạo và công bố Tuyên ngôn Độc lập 1945 vừa kế thừa những giá trị của hai Tuyên ngôn trên vừa cấu tạo những giá trị mới-trong đó có dân chủ như một giá trị văn hóa: tuyên bố thủ tiêu chế độ thực dân phong kiến, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Một chế độ của Dân, do Dân, vì Dân, lấy con người làm trung tâm, lấy nhân quyền, dân quyền làm lẽ sống, quyền bất khả xâm phạm của tạo hóa ban cho trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Dân chủ là tiêu chí quan trọng hàng đầu để phân biệt chế độ này với chế độ khác. Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh-Người khai sinh ra tên nước: Việt Nam Dân chủ, Cộng hòa. Dân chủ thuộc phạm trù khoa học pháp lý, nói lên vai trò làm chủ của người dân trong xã hội dân chủ. Người ta nói: nước dân chủ (thể chế quốc gia); ý thức dân chủ (trình độ dân trí); dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện (phương thức bầu cử); dân chủ và dân quyền, dân chủ và tập trung (quan hệ biện chứng giữa quyền lợi và nghĩa vụ)…

Dân chủ là quyền lực của dân, do dân, vì dân, nhưng trách nhiệm sống còn của dân chủ thuộc về giới tinh hoa xã hội (Elite de la société) tức là đảng cầm quyền, giới lãnh đạo giới trí thức tiêu biểu và doanh nhân thành đạt (businessman). Nói đảng cầm quyền bởi đảng đó là biểu tượng của trí tuệ đạo đức, văn minh; mà tầng lớp lãnh đạo phải là hiện thân của tấm gương về lý tưởng, chính trị sáng suốt, có bản lĩnh vững vàng, ý chí kiên định, trí tuệ sắc sảo, có tư duy tầm chiến lược, tri thức lý luận và năng lực thực tiễn. Còn giới trí thức và doanh nhân phải là những chuyên gia hàng đầu tài ba, thông tuệ nhất là trong nền kinh tế tri thức. Nhà chính luận nổi tiếng A. Toffler có lần tổng kết trong “tam giác vàng” quyền lực của xã hội: bạo lực, của cải, tri thức, cốt yếu. Tri thức ngưng kết còn lại một nhân tố của vốn người (một trong ba loại vốn: vốn tự nhiên, vốn cơ sở vật chất, vốn người) để đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, người ta còn biết đến dân chủ đa nguyên ra đời nhằm đáp ứng sự đối lập với dân chủ cổ điển, coi nó là hình thức hoàn hảo của nền dân chủ. Theo quan niệm đó, quyền lực được coi như “quả bóng” phải được “luân phiên” từ tay đảng phái này sang tay đảng phái khác, nếu như đảng phái đó được lòng dân, thắng cử của thế giới hiện đại. Học giả Michael Walzen đề xướng chủ nghĩa đa nguyên dân chủ với hai nội dung: sự phân phối trong lĩnh vực xã hội và sự công bằng trong lĩnh vực công lý; đa nguyên về bản sắc xã hội và bản sắc văn hóa tộc người, bản sắc tôn giáo. Còn chủ nghĩa đa nguyên trong chính trị ở Mỹ là tình trạng phân mảnh, phân tán. Không có cơ chế Trung ương, không có giai cấp thống trị, chỉ có công dân tự do được tổ chức thành nhóm để thực hiện quyền dân chủ. Người ta gọi đó là chủ nghĩa đa nguyên khép kín.

Cơ chế dân chủ ở mỗi thời đại, ở mỗi đất nước cũng có những quan niệm khác nhau. Montesquieu (1689-1755), nhà văn, nhà triết học của phong trào Ánh sáng Pháp trong tác phẩm Tinh thần luật pháp (Del’esprit des lois-1748) đã tìm ra những qui luật khách quan về dân chủ trong mọi lĩnh vực xã hội. Ông nêu thuyết phân quyền lập hiến, hành chính, tư pháp theo kiểu Anh có ảnh hưởng tới tư tưởng dân chủ tự do thế kỷ XVIII và Cách mạng tư sản Pháp (thế kỷ XIX): Voitaire (1694-1778) coi tự do, dân chủ là trung tâm của mọi hành vi chính trị. J. Rousseau (1712-1778), nhà văn, nhà triết học của thế kỷ ánh sáng (XVIII). Trong tác phẩm Khế ước xã hội (Le contral sociale - 1762) đã trình bày học thuyết về Nhà nước được xây dựng trên cơ sở tự giác, hiệp thương giữa mọi người, thừa nhận dân có quyền nắm chính quyền.

Dân quyền được chính trị gia người Italia Morca (1858-1941) gọi là quyền được bảo vệ của pháp lý. Quyền này là một định chế đáng chú ý và sự bình quân phức tạp rất là cần thiết, nếu chính quyền hạn chế hoặc thiếu tôn trọng quyền lực của dân (1).

2. Ý thức dân chủ trong văn hóa truyền thống

Một nhận định tổng quát trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta trong mấy nghìn năm là: tồn tại hay không tồn tại rồi mới nói đến tồn tại như thế nào. Tức là độc lập-chủ quyền có trước rồi mới tính đến dân chủ, dân quyền. Trong lịch sử nước ta, đọc lại các thiên hùng văn đại bút của các anh hùng dân tộc như Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, tuy các tác giả không dùng thuật ngữ dân chủ, dân quyền, nhân quyền nhưng nhiều khái niệm thay thế hàm chứa vai trò quyết định, động lực to lớn của người dân, của con người nước Nam, với chính sách “an dân”, “chủ trương giữ chặt lòng người”, “vua không có dân thì ai giữ nước”, “khoan thư sức dân”, cầu hiền tài trong dân…

Dưới thời Lê-Trần, tổng cộng khoảng 400 năm từ 1070-1400, mặc dầu chế độ phong kiến, với Nhà nước quân chủ Trung ương tập quyền, nhưng những vị vua tiến bộ vẫn ý thức được vai trò của dân chủ. Trong mọi việc quốc gia đại sự, triều đình chủ trương củng cố khối đoàn kết dân tộc, lãnh đạo nhân dân chống xâm lược. Dưới thời Lý có cơ chế tham vấn cho Vua là Tam thái (Thái sư, Thái phó, Thái bảo) nhằm giúp Vua về mặt tri thức trí tuệ, vừa can gián vua khi có những chủ trương chưa được lòng dân. Chế độ Thái thượng hoàng thời Trần trông coi chính sự khi hoàng tử đã làm Vua, đã ngăn chặn tình trạng các đại thần chuyên quyền cướp ngôi vua còn ít tuổi. Trong Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên nhận xét: “… Việc kiện tụng nhiều phiền nhiễu, quan giữ việc hình câu nệ luật văn, cốt làm khắc nghiệt thậm chí bị oan uổng. Vua lấy làm thương xót, sai sửa định luật lệnh… Sách làm xong chiếu ban ra cho thi hành. Dân đều lấy làm tiện”(2). Thắng lợi to lớn ba lần chống quân Mông-Nguyên ở thế kỷ XIII chứng tỏ chân lý sáng ngời về ý thức DÂN CHỦ: một nước nhỏ, dân không đông, nhưng vua quan một lòng, nhân dân đoàn kết, quân tướng mưu lược, trí dũng song toàn đứng lên chống ngoại xâm thì có thể đánh bại kẻ thù mạnh, hung hãn.

Ở hai triều đại Lý-Trần đều có lệ đặt chuông ngay trước Cung điện để dân có oan khiên đến thỉnh chuông, Vua trực tiếp ra phán xử. Tấm gương sáng ngời ý thức dân chủ ở đời Trần là hiện tượng Hội nghị Diên Hồng trong thời khắc Tổ quốc nguy biến trước họa xâm lăng của quân Nguyên - Vua Trần Nhân Tông đã hỏi quân thần, bô lão, dân trăm họ để lấy sự đồng tâm hiệp lực đánh quân xâm lược. Khi bệnh tình trầm trọng, Trần Hưng Đạo khuyên Vua Trần: hãy “khoan sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách để giữ nước”. Còn sư Phù Vân không ngần ngại tâu với Trần Thái Tông: “Phàm đã làm Vua trong thiên hạ, phải lấy ý muốn của thiên hạ làm tấm lòng của mình”. Kế thừa những giá trị dân chủ cao đẹp của các triều đại trước, các triều Trần, Lê, Nguyễn đều đặt những cơ chế giám sát quyền lực của Vua, đại thần khi họ làm trái với luật lệ. Ngự sử đài, Đô sát viện đều có các quan ngự sử để giám định việc hành pháp, hạn chế những việc vua, quan lạm quyền. Dưới thời Nguyễn mặc dù là nhà nước quân chủ chuyên chế nhưng cách tổ chức có nhiều chỗ mang tính dân chủ. Vua là thần khí, là vật thiêng trời cho, nhưng phải được dân thuận. Các đại thần phải tinh thông kinh thư, phải được kén chọn nghiêm cẩn. Các khoa thi cũng không phân biệt giàu-nghèo, sang-hèn, ai có học, có đỗ thì được thi, được tuyển dụng. Ngoài ra, quyền tự trị của dân làng là một dấu son dân chủ. Triều đình bổ nhiệm quan lại từ trên xuống phủ, huyện. Còn từ tổng, làng trở xuống có Hội đồng kỳ dịch do dân cử để coi việc sưu thuế đê điều, trị an. Làng là gốc. “Phép vua thua lệ làng” có từ đó. Đời Minh Mạng, triều đình ban hành chính sách tiền dưỡng liêm (phụ cấp cho quan lại để phòng chống tham nhũng), rất được lòng dân.

3. Tư tưởng Hồ Chí Minh bàn về vai trò của dân chủ mới

Dân chủ mới là nền dân chủ được xác lập dưới chế độ cộng hòa dân chủ và cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn ở nhiều nơi, trong nhiều dịp, ở các thời kỳ khác nhau, nhưng tựu trung và chủ yếu là: “Nước lấy dân làm gốc”, lấy con người làm trung tâm, coi quyền lực của Nhà nước chỉ là phương tiện, còn lợi ích của dân mới là mục đích. Dưới chế độ ta, nói dân chủ là nói đến mối quan hệ biện chứng tư tưởng dân chủ của dân với nhà nước pháp quyền. Tiếp thu giá trị của nhà nước pháp quyền dân chủ tư sản và pháp lý tư sản, Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo tư tưởng pháp quyền mới mà nội dung cốt lõi là xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân và tìm ra cơ chế đảm bảo việc thực thi luật pháp đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của dân. Một nhà nước thực sự của dân-Nhà nước pháp quyền với những bộ luật tiến bộ nhất dưới thời phong kiến thịnh trị cũng chỉ là một tiêu chí gắn liền với đạo đức. Ngay cả tư tưởng dân chủ tư sản là một bước tiến mới của giai cấp cầm quyền, thì vị trí của người dân vẫn thuộc giai cấp bị trị. Hiến pháp và luật pháp tư sản vẫn hàm chứa những điều mâu thuẫn: giữa lời nói và việc làm; giữa giai cấp thương lưu và giai cấp lao động; giữa quyền lợi và nghĩa vụ; giữa giàu và nghèo.

Tư tưởng “nước lấy dân làm gốc”, chính sách “thân dân” của Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong bầu trời không có gì quí bằng nhân dân”. Trong Đường Kách mệnh, Người đã sớm ý thức nội dung pháp lý của dân chủ: “… Hễ chính phủ nào mà có hại cho dân chúng, thì dân chúng phải đập đổ chính phủ ấy đi và gây nên chính phủ khác”. Tự nhiên, chúng ta liên tưởng ngay đến câu nói đầy hào khí của Nguyễn Trãi: “Người đẩy thuyền cũng là dân mà người lật thuyền cũng là dân”.

Nói đến tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh là nói đến mối quan hệ giữa đức hóa và pháp trị. Đây là hai thuật ngữ được Người hiểu và kiến giải trong từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Bởi đức hóa và pháp trị là những phạm trù lịch sử, chúng thay đổi với quá trình phát triển xã hội cụ thể. Đối với Hồ Chí Minh, nếu đạo đức mới là tấm gương soi của những phẩm chất: cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư của người cầm quyền vì lợi ích cho Nước, cho Dân, thì pháp luật dưới chế độ phải được cấu trúc theo phương châm: làm sao cho dân biết hưởng và biết quyền dân chủ. Trong quan hệ biện chứng giữa hai phạm trù này cũng diễn ra như qui luật tất yếu và tự do. Muốn được tự do chân chính cần tôn trọng những qui luật tất yếu trong thiên nhiên, trong xã hội và trong từng con người. Ngược lại khi những qui luật được thực hiện theo những luật lệ pháp chế qui chuẩn của xã hội thì con người tự do.

4. Dân chủ trong nền kinh tế tri thức

Đặc điểm cơ bản của nền kinh tế tri thức là xây dựng kết cấu hạ tầng thông tin và thực hiện tin học hóa, phát triển và hiện đại hóa nền giáo dục, cải cách cơ cấu kinh tế có ý nghĩa quyết định, tăng cường năng lực thông tin và tri thức cho nền kinh tế, tìm tòi hội nhập có hiệu quả, bình đẳng. Kinh tế tri thức thường được dùng đồng nghĩa với kinh tế thông tin. Muốn vậy, trước tiên đòi hỏi vai trò động lực của dân chủ trong giới trí thức sáng tạo. Đặc điểm của giới trí thức là khả năng tranh luận phản biện, tìm tòi chân lý, không bằng lòng với chân lý sẵn có. Ngạn ngữ Pháp có câu: “Tranh luận tỏa ra ánh sáng”(3). Ở đây đòi hỏi những nhà lãnh đạo cần có sự bao dung, cởi mở, tránh lối áp đặt chủ quan, lúc nào cũng cứ nghĩ mình đúng. Dân chủ không chỉ là quyền lực chính trị, mà còn là động lực giải phóng sức sáng tạo, kích thích tư duy đổi mới của từng cá nhân vì lợi ích cộng đồng.

Trong thời đại kinh tế thông tin, mọi kiến thức đều được dân chủ hóa. Đó là nền tảng để giới khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học công nghệ sáng tạo ra sản phẩm vật chất và sản phẩm văn hóa vì lợi ích đa số dân chúng. Ngày nay, người ta bắt đầu nói nhiều đến các phương tiện truyền thông và quá trình dân chủ hóa: truyền thông (mass-media) đang góp phần tạo nên một xã hội dân chủ hóa, báo chí nhiều hơn, công dân được thông tin cập nhật hơn, sự lựa chọn của người đọc, người xem đa dạng hơn. Mục đích của truyền thông là nhằm mang lại nhiều lợi ích hơn cho người sở hữu, tạo việc làm cho người lao động, quyền giải trí cho mọi người dân. Ngoài ra, cũng cần nói đến văn hóa mạng (sáng tác văn học nghệ thuật qua mạng, giao lưu trực tuyến, giải trí trực tuyến, bảo tàng mạng thư điện tử, nhật ký trên mạng (blog) góp phần nâng cao dân trí, ý thức công dân, tích lũy kiến thức. Tuy nhiên mặt tiêu cực của văn hóa mạng như những trang web đen, những blogger tự do, những lời lẽ dân chủ cực đoan mưu toan thực hiện ý đồ chính trị đen tối, gây rối loạn, lật đổ chế độ đang ổn định của chúng ta, cần được nghiêm trị.

Nói đến dân chủ, nhân quyền trong bối cảnh toàn cầu hóa, chúng tôi muốn nói đôi điều về âm mưu “diễn biến hòa bình” thông qua bức màn sặc sỡ lừa bịp “dân chủ” của sự xâm lăng bằng văn hóa. Lịch sử Việt Nam từ xưa tới nay đã rút ra bài học: chủ quyền cao hơn nhân quyền. Nước có độc lập, dân mới được tự do, hạnh phúc và mọi quyền lợi của dân mới được đảm bảo. Dân tộc bị áp bức thì văn hóa, văn nghệ làm sao có được tự do! Từ góc nhìn văn hóa, chúng tôi nhìn nhận dân chủ, nhân quyền trên những cơ sở lý luận như sau:

Ở nước ta không có chuyện nhân quyền, dân chủ cao hơn chủ quyền quốc gia như một số kẻ xấu thường rao giảng. Truyền thống cộng đồng nhà, làng, nước là một cấu trúc bền vững có quan hệ hữu cơ với nhau. Nước mất thì nhà tan, dân khổ; nước thịnh thì nhà yên, dân cường. Truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông cho chúng ta bài học về quyền dân chủ, quyền con người. Nước trở thành vong quốc nô thì dân bị trị, nghèo đói, thất học, tên nước bị biến mất trên bản đồ thế giới, nói gì đến quyền sống của con người!

Dân chủ là động lực của sáng tạo văn hóa và tiếp nhận tinh hoa văn hóa các nước trên cơ sở thực tiễn và thẩm mỹ dân tộc. Trên lộ trình hội nhập và giao lưu văn hóa mạnh mẽ, đa diện, đa phương với các nước lớn, nhỏ, chúng ta có cơ hội để hiểu người và hiểu mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn: chúng ta không chấp nhận vay mà không trả. Trên thực tế việc tiếp nhận văn hóa đã có một số thành tựu, nhất là qua 25 năm đổi mới. Nhưng việc quảng bá văn hóa, văn nghệ Việt Nam đến với công chúng ở các nước còn ngổn ngang nhiều việc phải làm. Để dân chủ hóa tri thức nhận và cho, điều tiên quyết và cơ bản là khước từ những hiện tượng văn hóa phản động, đồi trụy, không phù hợp với thị hiếu, tâm lý, tập quán của dân tộc./.

HỒ SĨ VỊNH

_________________________

(1) - Nhiều tác giả: Văn minh phương Tây, Nxb. Văn hóa, 1988, tr.509.

(2) - Lịch sử Việt Nam giản yếu, nhiều tác giả, Nxb. CTQG, 2000, tr.130.

(3) - Trong câu: Dela discussion jaillit la lumiére.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất