Ngày 26-10, Quốc hội đã dành cả ngày để thảo luận về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Nhiều ý kiến đã đề nghị cần tập trung sức mạnh của cả hệ thống chính trị nhằm đẩy mạnh công tác phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật. Có nhiều ý kiến đã mổ xẻ nguyên nhân đề cập giải pháp phòng ngừa loại tội phạm kinh tế, tham nhũng.
Đừng để dân thờ ơ, không báo án tham nhũng
Đánh giá kết quả công tác phòng ngừa chống vi phạm, tội phạm năm 2011, nhiều đại biểu cho rằng, được sự quan tâm của toàn xã hội nên an ninh quốc gia được giữ vững, anh ninh xã hội được bảo đảm. Năm qua, các cơ quan tư pháp đã ngăn ngừa, phá nhiều băng nhóm tội phạm, nhiều vụ án lớn về ma túy. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ sự xuống dốc của kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam trong năm qua cũng còn nhiều khó khăn - đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng nhóm tội phạm liên quan đến kinh tế, tham nhũng.
ĐBQH Dương Trung Quốc: Chỉ thấy có một điều ai cũng nói có tham nhũng, nhưng chưa thấy nhiều vụ tham nhũng được xử lý. Thực ra đây là vấn đề khó, đặc biệt trong cơ chế này. Kể cả việc bàn cơ cấu để người hành pháp đứng đầu cơ quan chống tham nhũng đó là điều phải suy nghĩ. Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng, dẫu sao hãy để thời gian để đánh giá tổng kết lại sau khi Luật Phòng, chống tham nhũng được ban hành. Phải có thời gian để tổng kết, vì vậy nói cảm tính là không nên. |
Trong công tác phòng, chống tham nhũng, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng, hiện một bộ phận nhân dân còn tỏ thái độ thờ ơ, đứng ngoài cuộc trong việc góp phần phát hiện và đấu tranh phòng chống tham nhũng, vi phạm pháp luật trên lĩnh vực kinh tế. Còn ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) nói, chúng ta hay nói phải dựa vào dân để phòng chống tham nhũng nhưng cơ chế bảo vệ người chống tham nhũng thì còn phải xem lại. ĐB này dẫn chứng chuyện đã từng được tiếp xúc một số cử tri đến trình bày vấn đề sai phạm của ngành mình, qua cuộc tiếp xúc, cử tri đã bộc bạch: rất sợ bị trù dập dẫn đến có thể phải bỏ nghề. ĐB Hùng đặt vấn đề: nếu kiến nghị của dân là trung thực, chính xác, chúng ta cần có cơ chế bảo vệ họ giống như bảo vệ người tố cáo. ĐB Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) thì nhấn mạnh: "Phòng ngừa tội phạm trước hết phải từ ý thức”. Đồng quan điểm trên, ĐB Trịnh Xuyên (Thanh Hoá) nhấn mạnh, cần huy động sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể nhân dân... Ở tuyến cơ sở, vai trò quản lý nhà nước của các cơ quan còn tỏ ra yếu kém nên nhiều vi phạm ở ngay tuyến cơ sở chưa được phát hiện, xử lý kịp thời.
Nên đánh giá lại mô hình Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng
Được các đại biểu nhắc đến nhiều là công tác phối hợp, kết hợp chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ; công tác chỉ đạo và vào cuộc của các cấp các ngành chưa thật sự quyết liệt nên khó gây áp lực, sức mạnh để phòng ngừa trong khi tội phạm nói chung, loại tội phạm tham nhũng nói riêng lại khá tinh vi và có chiều hướng phức tạp (ĐB Huỳnh Văn Tính-Tiền Giang, Trịnh Xuyên - Thanh Hoá). Bên cạnh việc đề nghị các cơ quan tham mưu cho Chính phủ cần rà soát lại hệ thống luật, văn bản quy phạm pháp luật để tránh việc tội phạm lợi dụng các kẽ hở của pháp luật, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) còn cho rằng, lực lượng thực thi pháp luật cần phải đủ mạnh ở cả 3 mặt: phải tự chuyển đổi mình có đạo đức, tư tưởng tốt ("vì tốt thì khó đến mấy cũng làm được”- ĐB Sinh nói); phải được đào tạo, nâng cao nghiệp vụ để không bỏ lọt và bế tắc các vụ án; phải được tăng cường quân số, trang bị đủ mạnh để hoàn thành nhiệm vụ, vì thời gian vừa qua quân số vừa thiếu, vừa yếu rất khó bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ.
Từ thực trạng nêu trên, đã có ý kiến của ĐBQH đề nghị cần có sự đánh giá lại mô hình Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng. Theo ĐB Đỗ Mạnh Hùng thì mô hình như hiện nay cũng có một số lợi thế nhất định, chẳng hạn như Chủ tịch UBND các cấp khi cần thiết có thể huy động các nguồn lực để đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, ĐB này cũng băn khoăn đặt ra một loạt câu hỏi: Như thế liệu có dẫn đến chuyện "vừa đá bóng, vừa thổi còi hay không? UBND các cấp kiêm nhiệm chức trưởng ban phòng chống tham nhũng trong khi lại có quá nhiều việc thì có thể tập trung vào công tác này hay không? Hiện, công tác phòng chống tham nhũng của ta hiệu quả chưa cao có phải do bộ máy hay không? Ý kiến của ĐB Hùng cũng nêu rõ, cần định hướng đúng vai trò của việc phòng, chống tham nhũng; đặt công tác này trong mối tương quan với các loại tội phạm khác như: tội phạm kinh tế, tội phạm ma tuý để công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả cao hơn.
Theo Đại đoàn kết