Thứ Ba, 26/11/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 18/11/2011 14:17'(GMT+7)

Nên hát Quốc ca thay cho mở băng đĩa trong các giờ chào cờ

Lễ chào cờ ở Lăng Bác

Lễ chào cờ ở Lăng Bác

Quốc ca là bài hát của mỗi nước dùng khi chào cờ. Cùng với Quốc kỳ, Quốc ca là linh hồn của đất nước, là niềm tự hào của mỗi người dân. Dù ở trong nước hay nước ngoài, mỗi khi nghe Quốc ca vang lên, người dân ai cũng tự hào và lòng tự tôn dân tộc được khơi lên mạnh mẽ. Bài "Tiến quân ca" do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác, và được Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định là Quốc ca của Việt Nam.

Từ đó đến nay, chào cờ Tổ quốc và hát Quốc ca là một nghi thức quan trọng thể hiện lòng yêu nước, bản lĩnh chính trị, lòng tự hào và trách nhiệm của con người Việt Nam với Tổ quốc và Nhân dân. Với mỗi người dân Việt Nam, chào cờ là giây phút thiêng liêng thể hiện tình yêu Tổ quốc, niềm tự hào dân tộc. Lễ chào cờ nhằm mục đích giáo dục niềm tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm của mọi công dân đối với Tổ quốc và Bác Hồ, đồng thời gắn kết trang trọng nghi lễ về biểu tượng thiêng liêng của Tổ quốc với lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu của toàn Đảng, toàn dân ta.

Tất cả mọi người dân đều thuộc và tự hào mỗi khi cất lên những giai điệu hào hùng ấy, khi mà ngàn người như một đều cất tiếng ca chung như một lời thề “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc, bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa…”. Các vận động viên đi thi đấu ở nước ngoài mỗi khi đạt thứ hạng cao, đều rưng rưng xúc động khi thấy tên mình được xướng lên, tự hào mỗi khi lá cờ đỏ sao vàng được kéo ở vị trí cao nhất và những giai điệu hào hùng của Quốc ca Việt Nam được vang lên. Những cầu thủ bóng đá mỗi khi ra sân cỏ, trước giờ khai trận đều hết sức xúc động đặt tay lên ngực – nơi trái tim đang chung nhịp đập - và hát vang Quốc ca, bởi hát Quốc ca là thể hiện hồn thiêng sông núi.

Để việc chào cờ Tổ quốc và hát Quốc ca trở thành nề nếp, có tác dụng giáo dục lý tưởng cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào đân tộc cho học sinh, sinh viên, ngày 29/3 năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu học sinh các trường học phải hát Quốc ca trong lễ Chào cờ Tổ quốc, chứ không phải nghe nhạc hay nghe lời bài hát Quốc ca. Đối với các trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, học viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở giáo dục khác: Trong các lễ Chào cờ Tổ quốc, tất cả giáo viên, giảng viên và học sinh, sinh viên đều hát Quốc ca. Ngày 22/7/2010, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có văn bản 5032/VPCP-KGVX V/v hát Quốc ca khi chào cờ trong các hoạt động thi đấu thể thao trong đó yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo hướng dẫn cụ thể để từ nay, các vận động viên, huấn luyện viên đều hát Quốc ca khi chào cờ trong các hoạt động thi đấu thể thao chính thức trong nước, nước ngoài.

Hiện nay, trong các nhà trường đều tổ chức tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của lễ chào cờ Tổ quốc, hát Quốc ca để học sinh, sinh viên hiểu và hát Quốc ca trong lễ chào cờ, thể hiện nhiệt huyết, lòng tự hào dân tộc của tuổi trẻ Việt Nam. Ở bậc phổ thông, ngay trong chương trình âm nhạc chính khoá, bài Quốc ca được dạy chính thức từ lớp 3, nhưng từ khi học lớp 1, lớp 2 các em đã được nghe Quốc ca trong các lễ chào cờ. Bộ GD&ĐT cũng đã yêu cầu các trường mầm non khuyến khích dạy hát Quốc ca cho trẻ  mẫu giáo và tổ chức sinh hoạt tập thể có hát Quốc ca. Trong các trường phổ thông, nghi lễ chào cờ đầu tuần vẫn duy trì hình thức hát Quốc ca tập thể của tất cả giáo viên và học sinh. Trong lễ chào cờ mở đầu cho các buổi lễ lớn của Đội và buổi sinh hoạt tập thể, cùng với hát Quốc ca, đội danh dự còn đánh trống đệm theo nhịp bài hát, rất trang nghiêm. Bởi các em đều ý thức được rằng chào cờ là một hành động thể hiện lòng yêu Tổ quốc, một sự thiêng liêng. Nhìn vào lá cờ các em sẽ tưởng nhớ tới những anh hùng đã hi sinh vì Tổ quốc, những con người đã làm nên một nước Việt Nam độc lập, xây dựng đất nước Việt Nam hiện đại.

Bài Quốc ca của ta có lịch sử của nó, nhất là đất nước chúng ta đã trải qua chiến tranh, Quốc ca mang lại rất nhiều nguồn lực sức mạnh trong cuộc chiến. Ý nghĩa của hát quốc ca là thể hiện lòng yêu nước, bản lĩnh chính trị, lòng tự hào dân tộc và trách nhiệm của người Việt Nam với Tổ quốc và nhân dân, ý thức của người công dân. Việc hát Quốc ca cần được tôi luyện bằng các quy định có tính chất bắt buộc và bằng cả tinh thần tự giác. Nếu ở một cơ quan bất kỳ mà người đứng đầu hát Quốc ca trong lễ chào cờ và yêu cầu mọi người cùng hát thì tin rằng ở đó thể hiện tốt hơn rất nhiều.

Nhưng hiện nay ở nhiều nơi, trong lễ chào cờ, người lớn đã không hát Quốc ca mà thay vào đó bằng việc mở băng bài Quốc ca. Điều đó làm giảm tính trang nghiêm và ý nghĩa của lễ chào cờ Tổ quốc. Trong khi trẻ em vẫn hát Quốc ca thường xuyên trong các lễ chào cờ đầu tuần và hát rất tốt, thì người lớn gần như không hát trong nghi lễ chào cờ ấy. Nên chăng, trong các cơ quan nhà nước và tại những nghi thức của các tổ chức nhà nước và xã hội, thì hãy hát Quôc ca trực tiếp.

Còn việc thu băng có thể là cần thiết, để đáp ứng một nhu cầu nào đó, nhưng nên hạn chế sử dụng, để chính mỗi công dân thể hiện ý thức của mình. Không nên biến băng đĩa thay thế cho việc hát trực tiếp. Cũng không nên lạm dụng việc hát Quốc ca qua băng đĩa, dẫn đến thói quen không hát không sao, không ai nhắc nhở.

Nếu mỗi người dân, ai cũng ý thức được rằng, hát Quốc ca trong lễ chào cờ cũng là để biểu thị tình cảm yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, thì chúng ta hãy hát, để bài Quốc ca vang lên trong mỗi nghi lễ trọng đại của đời sống chính trị và tinh thần. Hãy hát để khơi dậy niềm tự hào dân tộc, hãy thể hiện lòng yêu nước bằng một hành động tưởng như rất nhỏ, nhưng lại có ý nghĩa vô cùng lớn lao: đó là hát Quốc ca khi tham dự lễ chào cờ.

Nguyễn Thị Diệp - Trường THCS Cát Quế B - Hoài Đức - Hà Nội

 



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất