Thứ Ba, 26/11/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 17/11/2011 9:23'(GMT+7)

Làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Canada

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đón Ngài David Johnston, Toàn quyền Canada. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đón Ngài David Johnston, Toàn quyền Canada. (Ảnh: TTXVN)

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Toàn quyền Canada David Johnston có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ 16 - 19/11. Đây là lần đầu tiên Toàn quyền Canada thăm Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973. Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ mang đến nhiều cơ hội hợp tác mới và nâng tầm quan hệ song phương giữa Việt Nam và Canada.

Là một nước rộng lớn nằm ở khu vực Bắc Mỹ, Canada được biết đến như một quốc gia có nền kinh tế mạnh và giàu tiềm năng. Hiện nay, Canada đứng hàng đầu thế giới trong các ngành công nghiệp công nghệ cao như viễn thông, tin học, sinh học, dược phẩm, hàng không vũ trụ… Những năm trở lại đây, không chỉ đặt trọng tâm vào quan hệ với các nước láng giềng ở khu vực Bắc Mỹ, Canada ngày càng hướng sự ưu tiên tới các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam.

Trong khuôn khổ đối tác toàn diện, ổn định và lâu dài được thiết lập từ tháng 6/2005, quan hệ Việt Nam - Canada đã có những bước phát triển mạnh mẽ và thiết thực. Các cuộc trao đổi đoàn thường xuyên, cũng như sự ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như Liên Hợp Quốc, WTO, ASEAN, APEC, G20… đã trở thành những sợi dây thắt chặt mối quan hệ chính trị giữa 2 quốc gia.

Từ nền tảng vững chắc này, quan hệ kinh tế, thương mại song phương đã gặt hái nhiều thành công, đem lại lợi ích to lớn cho cả hai bên. Nếu như năm 1998, kim ngạch thương mại 2 chiều mới đạt hơn 120 triệu USD, thì năm 2010, con số này đã lên tới 1,4 tỷ USD, trong đó Việt Nam luôn xuất siêu. Đầu tư của Canada vào Việt Nam cũng tăng nhanh chóng. Tính đến tháng 8/2011, đầu tư Canada vào Việt Nam đã vươn lên đứng hàng thứ 13 với 110 dự án, trị giá 4,630 tỷ USD.

Có thể nói rằng, Chiến lược về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo của Việt Nam rất thuyết phục các đối tác Canada. Vì vậy, mặc dù phải cắt giảm viện trợ cho thế giới nói chung, song Canada vẫn tiếp tục duy trì viện trợ phát triển ODA cho Việt Nam, trong đó tập trung vào các lĩnh vực: phát triển kinh tế bền vững; cải cách chính sách, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; đào tạo nghề; an ninh lương thực, nâng cao hiệu suất nông nghiệp….

Trong bối cảnh 2 nước tiếp tục các nỗ lực tăng cường hợp tác, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Toàn quyền Canada David Johnston đánh dấu các bước phát triển xa hơn trong quan hệ song phương cũng như trao đổi giữa nhân dân hai nước. Nhiều cơ hội hợp tác mới về kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, lao động và văn hóa… sẽ mở ra sau chuyến thăm này bởi tiềm năng giữa 2 bên còn chưa được khai thác hết.

Cuộc tiếp xúc ngoại giao ở cấp cao nhất trong khuôn khổ chuyến thăm có thể là “cú hích” cho tiến trình đàm phán Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư nước ngoài giữa Việt Nam và Canada. Văn bản này nếu được ký kết vào nửa đầu năm tới sẽ giúp mở rộng hơn nữa “cánh cửa” trao đổi thương mại và đầu tư song phương.

Một trong những ưu tiên hợp tác hàng đầu của Canada với Việt Nam là giáo dục và đào tạo. Hiện có ít nhất 3.000 học sinh, sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường ở Canada - nơi có chất lượng giáo dục hàng đầu thế giới. Trong chuyến thăm này, Toàn quyền Canada David Johnston sẽ có cuộc gặp với sinh viên Việt Nam cả ở Hà Nội và TP HCM như một sự khẳng định: Canada sẵn sàng hợp tác sâu hơn với Việt Nam trong quá trình xây dựng đội ngũ tri thức trẻ.

Sự gắn bó sau 38 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, nhiều Hiệp định và Thỏa thuận hợp tác được ký kết, cũng như tiềm năng kinh tế của 2 nước là không nhỏ. Đây là cơ sở để nhân dân 2 nước tin rằng, tương lai quan hệ Việt Nam - Canada sẽ có nhiều khởi sắc./.

(Thu Hà/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất